Tai nạn giao thông giảm mạnh

Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam Nguyễn Văn Huyện: sau khi Nghị định 100/2019 có hiệu lực, số người thiệt mạng do tai nạn giao thông giảm từ 5 đến 6 người mỗi ngày trong 10 ngày đầu năm.

Đồng chí Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục truởng Đường bộ việt nam phát biểu tại hội nghị

Đồng chí Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục truởng Đường bộ việt nam phát biểu tại hội nghị

Ngày 9/1, tại Hà Nội, Tổng cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN) tổ chức Hội nghị trực tuyến Triển khai công tác phục vụ Tết Nguyên đán năm 2020 và Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đường bộ, đường sắt.

Tại Hội nghị, ông Nguyễn Văn Huyện - Tổng cục trưởng Tổng cục ĐBVN cho biết, trong 10 ngày Nghị định 100/2019 có hiệu lực, số lượng người thiệt mạng do tai nạn giao thông (TNGT) đã giảm mạnh, góp phần hiệu quả trong nỗ lực giảm TNGT của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.

Công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông (ATGT) trong năm 2019 đã thiết lập kỷ lục về giảm TNGT, trong đó, năm 2019 là năm giảm TNGT sâu nhất trong 20 năm qua, là năm đầu tiên đảm bảo mục tiêu giảm TNGT từ 5% đến 10% cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết do TNGT kể từ năm 2014.

Tuy nhiên, theo thống kê hiện mỗi ngày vẫn còn khoảng từ 21 đến 23 người thiệt mạng do TNGT. Tính từ ngày 1/1, sau khi Nghị định 100/2019 chính thức có hiệu lực, số người thiệt mạng đã giảm xuống còn từ 16 đến 17 người mỗi ngày.

Nghị định mới có hiệu lực đã ghi nhận sự ủng hộ rất lớn từ cộng đồng xã hội, điển hình nhất là việc tăng cường xử lý vi phạm về nồng độ cồn.

Theo Nghị định 100/2019, mức phạt cao nhất đối với người điều khiển ô tô là phạt tiền từ 30 đến 40 triệu đồng, tước giấy phép lái xe từ 22 đến 24 tháng; đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy là phạt tiền từ 6 đến 8 triệu đồng, tước GPLX từ 16 đến 18 tháng; đối với người điều khiển xe máy chuyên dùng là phạt tiền từ 16 đến 18 triệu đồng, tước giấy phép lái xe (GPLX) từ 22 đến 24 tháng.

Đối với người điều khiển xe đạp, xe thô sơ trước đây chưa quy định trong Nghị định 46/2016/NĐ-CP, thì nay, trong Nghị định 100/2019 phạt tiền mức cao nhất là từ 400 đến 600 nghìn đồng.

Trong trường hợp người điều khiển phương tiện không chấp hành yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn xử phạt như vi phạm mức cao nhất.

Tại Hội nghị, đại diện Tổng cục ĐBVN nhấn mạnh, ngoài vi phạm nồng độ cồn, Nghị định 100/2019 còn tăng nặng hàng loạt mức xử phạt các hành vi vi phạm Luật Giao thông khác như: Một số hành vi về quy tắc giao thông đối với ô tô; Không chấp hành tín hiệu đèn; hiệu lệnh, hướng dẫn của người điều khiển giao thông hoặc người kiểm soát giao thông; Nhóm hành vi vi phạm quy định về vận tải đường bộ, dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ;…

Nổi bật nhất là, nhóm hành vi vi phạm trên đường cao tốc, hàng loạt hành vi vi phạm bị tăng nặng hoặc bổ sung trong Nghị định 100/2019. Điển hình như hành vi: Quay đầu xe trên đường cao tốc trước đây xử phạt tiền tối đa 1,2 triệu đồng, tước GPLX tối đa 3 tháng, thì nay nâng lên mức phạt tiền từ 6 đến 8 triệu đồng, tước GPLX từ 2 đến 4 tháng; Điều khiển xe đi ngược chiều trên đường cao tốc trước đây xử phạt tiền tối đa 8 triệu đồng, tước GPLX tối đa 6 tháng, thì nay nâng lên mức từ 16 đến 18 triệu đồng, tước GPLX từ 5 đến 7 tháng; hành vi lùi xe trên đường cao tốc trước đây phạt tiền tối đa 1,2 triệu đồng, tước GPLX tối đa 3 tháng, thì nay nâng lên mức phạt tiền từ 16 đến 18 triệu đồng, tước GPLX từ 5 đến 7 tháng.

Trước đây không quy định trong Nghị định 46/2016 chưa quy định xử phạt đối với hành vi nhận trả hàng trên đường cao tốc và hành vi sử dụng xe ô tô kinh doanh vận tải để đón, trả khách; nhận, trả hàng trên đường cao tốc. Thì nay, Nghị định 100/2019 quy định cụ thể các mức phạt cao rất cao, đi kèm với mức phạt bổ sung như tước phù hiệu, tước GPLX./.

Tin, ảnh Kim Cương

Nguồn ĐCSVN: http://dangcongsan.vn/xa-hoi/tai-nan-giao-thong-giam-manh-546559.html