Tai nạn giao thông - Ám ảnh một đời và nỗi đau gia đình không trọn vẹn: Thay đổi hay là 'chết'?

Từ những vụ tai nạn giao thông (TNGT) gây hậu quả nghiêm trọng, lại chưa được xử lý thỏa đáng vì yếu tố nhân văn, không đủ sức thuyết phục, răn đe. Vấn đề đặt ra là luật pháp hiện hành còn nhiều 'kẽ hở', vô tình tạo lối thoát cho những người vi phạm nghiễm nhiên 'thoát tội'.

Thực tế, nhiều vụ TNGT gây hậu quả nghiêm trọng nhưng cơ quan chức năng lại không thể khởi tố vụ án, như không làm chết người hoặc gây thiệt hại về người và tài sản chưa đạt “ngưỡng” quy định.

Đó chính là “lỗ hổng”, tạo tiền đề xấu cho những cá nhân gây TNGT tiếp tục “nhởn nhơ” trên mỗi cung đường.

“Sử dụng chất kích thích gây chết người phải là lỗi cố ý gián tiếp”

Thời gian qua, liên tiếp nhiều vụTNGT đặc biệt nghiêm trọng, thảm khốc xảy ra do người điều khiển phương tiện sử dụng rượu bia, chất kích thích không làm chủ được tay lái.

Chỉ trong nháy mắt, “ma men” cầm lái đã cướp đi tương lai, sinh mạng của những người là trụ cột gia đình, để lại gánh nặng cho người thân của họ. Đã đến lúc không thể xử lý TNGT theo kiểu “vô ý làm chết người”, bởi đây thực chất là một loại tội phạm cần phải xử lý nghiêm.

Trong báo cáo của Ủy ban ATGT Quốc gia, trong quý I/2019, CSGT cả nước đã kiểm tra, xử lý 901.370 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông (trong đó có 38.700 trường hợp vi phạm nồng độ cồn).

Song, đó mới chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Thảm họa không chỉ đến từ những người sử dụng rượu bia, mà còn từ những người sử dụng ma túy, chất kích thích.

Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, Đại tá Trần Sơn, nguyên Phó trưởng phòng Hướng dẫn luật và điều tra, giải quyết TNGT, cục CSGT, bộ Công an đã phân tích rõ nguyên nhân khiến các vụ tai nạn nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng liên tiếp xảy ra, nhất là việc lái xe có sử dụng chất kích thích ở mức đáng báo động.

“Hiện nay, pháp luật Việt Nam đang coi những lỗi gây TNGT là lỗi vô ý khiến mức hình phạt nhẹ hơn mức ở góc độ cố ý. Việc áp dụng các biện pháp như tước giấy phép lái xe vài tháng là quá nhẹ hay xử lý hình sự cao nhất đối với tài xế sử dụng rượu bia chỉ 15 năm tù. Như vậy, làm sao đủ sức răn đe cho xã hội?”, Đại tá Trần Sơn bày tỏ quan điểm.

Đại tá Trần Sơn, nguyên Phó trưởng phòng Hướng dẫn luật và điều tra, giải quyết TNGT, cục CSGT, bộ Công an.

Đại tá Trần Sơn, nguyên Phó trưởng phòng Hướng dẫn luật và điều tra, giải quyết TNGT, cục CSGT, bộ Công an.

Kiến nghị về việc sửa đổi luật, Đại tá Sơn nhấn mạnh: “Trước hết, cần phải sửa Nghị định 46/2016/NĐ-CP để tăng chế tài xử phạt đối với một nhóm hành vi có nguyên nhân trực tiếp dẫn đến TNGT. Đặc biệt, đối với hành vi sử dụng rượu bia và các chất kích thích khác mà pháp luật cấm là phải sửa.

Bên cạnh đó, các nhà làm luật cần phải sửa đổi, bổ sung Điều 260 Bộ luật Hình sự 2015 về tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ.

Trong đó, nội dung quy định về việc sử dụng rượu bia quá mức cho phép thì không xếp vào nhóm “Vô ý làm chết người” mà phải xếp vào nhóm “Cố ý gián tiếp làm chết người”.

Với lỗi cố ý gián tiếp, hậu quả xảy ra đến đâu phải chịu trách nhiệm đến đó. Nếu gây thương tích từ11% trởlên thì xử tội Cố ý gây thương tích, làm chết người thì xử về tội Giết người”.

Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, Trưởng Văn phòng luật sư Kết nối, đoàn Luật sư TP.Hà Nội cho hay, hành vi sử dụng rượu bia, chất kích thích khi lái xe gây tai nạn được quy định trong nhóm tội về giao thông, là lỗi vô ý nên khung hình phạt còn nhẹ, nhưng hiện nay, cần phải chuyển thành tội Cố ý giết người.

Luật sư Hùng cho rằng, mức xử phạt cao nhất hiện nay là phạt tiền từ 16 - 18 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 4 - 6 tháng là chưa đủ mạnh. Dù mỗi quốc gia trên thế giới có một biện pháp chế tài riêng nhưng nhìn chung đều phải bảo đảm tính nghiêm minh, theo các mức từ phạt tiền, truy tố, phạt tù, cho đến tước bằng lái suốt đời.

“Luật pháp cần phải bám sát thực tế, phải làm sao tạo được khuôn khổ để nâng cao ý thức tuân thủ giao thông của người dân cũng như bảo đảm tính nghiêm minh trong hành pháp của các lực lượng chức năng. Tôi đề nghị sửa đổi điều luật, cần thiết thu bằng lái vĩnh viễn, chuyển về tội Cố ý giết người đối với những tài xế này”, luật sư Hùng bày tỏ.

Về quy định quy trình điều tra, giải quyết TNGT đường bộcủa CSGT đường bộ được quy định như sau: Tiếp nhận tin; xử lý tin; xử lý, ứng biến tại hiện trường; khám nghiệm hiện trường; tạm giữ tang vật, phương tiện giao thông và người điều khiển có liên quan; khám nghiệm phương tiện giao thông; lấy lời khai của người điều khiển phương tiện; lấy lời khai của người bị nạn và những người có liên quan; lấy lời khai của nhân chứng và một số hoạt động thu thập tài liệu liên quan khác (Thông tư77/2012 của bộ Công an).

Trong đó, việc khám nghiệm hiện trường TNGT và khám nghiệm phương tiện giao thông liên quan đến vụ TNGT là những khâu quan trọng nhất để xác định mức độ nghiêm trọng và căn cứ xử lý. Tuy nhiên, trong thực tế, những khâu này có được thực hiện nghiêm túc và tỉ mỉ hay không thì... không ai biết!

Phải thay đổi luật để tăng tính răn đe

Theo các chuyên gia pháp lý, ranh giới để khởi tố hình sự trong một vụ TNGT chỉ mong manh như sợi tóc.

Chính vì thế, những nhà làm luật cần xem xét thực tiễn, đề xuất, tăng chế tài đối với những vụ TNGT mà tính chất vụ việc nghiêm trọng, tuy nhiên, khi soi chiếu và khung pháp luật hiện hành, lại chưa đủ mức độ để xử lý hình sự, dẫn đến những nạn nhân dù thiệt hại nặng nề về sức khỏe, tinh thần nhưng không được bù đắp xứng đáng.

Trao đổi với PV, TS.Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia khẳng định: “Việc xử phạt nghiêm các vi phạm sẽ là “động lực để thay đổi hành vi” của người tham gia giao thông, đồng thời, cũng là cái để người dân nhìn vào và đánh giá”.

Tuy nhiên,để làm được điều đó, theo TS. Hùng, cần mạnh dạn đề nghị xem xét lại các quy định pháp luật hiện nay, tạo hành lang pháp lý minh bạch cho lực lượng chức năng thực thi nhiệm vụ.

TS. Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia cùng chung tay chia sẻ nỗi đau với người nhà nạn nhân vì TNGT.

Không nên chỉ điều chỉnh tăng mức xử phạt mà cần có biện pháp nâng cao trách nhiệm của người thực thi công vụ như lực lượng CSGT, thanh tra giao thông,...

Vừa qua, dư luận xã hội đã có nhiều ý kiến lên án gay gắt về hành vi lái xe sau khi sử dụng rượu bia và các chất kích thích khác gây TNGT.

Trước thực trạng đó, TS. Khuất Việt Hùng cho biết: “Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có ý kiến sửa đổi đưa vào Nghị quyết về lái xe sử dụng ma túy, nồng độ cồn, trong đó có các chế tài mà chưa sửa Luật sẽ đưa vào”.

Để góp phần giảm thiểu những trường hợp TNGT đáng tiếc do tài xế sử dụng chất kích thích, cần có sự kiểm soát chặt chẽ hơn đối với những người điều khiển phương tiện giao thông, kịp thời ngăn chặn những tay lái không tỉnh táo trở thành hung thần thảm sát.

Trước đó, tại phiên họp thứ 34 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 9/5, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển góp ý về việc xử phạt nghiêm các trường hợp uống rượu bia, sử dụng chất kích thích sau đó tham gia giao thông.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đã chỉ rõ: “Những trường hợp uống rượu bia lái xe gây tai nạn trong luật đã có, nhưng có thể quy định hình thức xử phạt nặng đối với những người uống rượu bia khi lái xe, kể cả chưa gây tai nạn. Đồng thời, nếu uống rượu bia dù chưa gây tai nạn thì có thể bị xử phạt tiền ở mức độ cao, cần thiết thì đưa ra quy định bắt lao động công ích, chẳng hạn như nạo vét sông Tô Lịch”.

Đồng tình với đề xuất của ĐBQH Phùng Quốc Hiển, TS.Khuất Việt Hùng bày tỏ: “Tôi cho rằng đây là một ý tưởng khá độc đáo ở Việt Nam, một số nước trên thế giới đã thực hiện thành công. Vì vậy, trong khi chờ sửa đổi luật, nên chăng Thường vụ Quốc hội cần có một nghị quyết để xử lý những trường hợp tương tự nêu trên.

Tuy nhiên, việc nạo vét sông Tô Lịch còn tùy thuộc rất nhiều yếu tố và khó khả thi, nên lao động công ích có thể áp dụng chẳng hạn: Hướng dẫn, phân luồng giao thông; chăm sóc nạn nhân bị TNGT đang điều trị tại các bệnh viện; thăm hỏi và giúp đỡ gia đình các nạn nhân TNGT...”.

Theo ông, những việc này cần được luật hóa: “Những người buộc phải lao động công ích được giao cho lực lượng nào trông coi, giám sát... Mục đích cuối cùng là khi vi phạm một lần rồi thì những người này sẽ sợ đến già, không dám vi phạm nữa”.

Trước mỗi tai nạn, chúng ta đều có sự cảm thông, thương xót, nhưng chỉ thế thôi thì chưa đủ, mà cần phải chung sức hành động, góp phần nói lên tiếng nói chung, để TNGT không trở thành nỗi ám ảnh với người tham gia giao thông và hệ lụy đối với xã hội.

Luật pháp hiện hành vẫn còn nhiều “lỗ hổng”, vô tình tạo thêm những niềm đau dai dẳng, chẳng thể nguôi ngoai. Thay đổi hay là “chết”?

Cẩm Mịch - Thu Huyền

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/tai-nan-giao-thong-am-anh-mot-doi-va-noi-dau-gia-dinh-khong-tron-venthay-doi-hay-la-chet-a437179.html