'Tài lủ' về trời

Xuất thân là công nhân ngành dệt, ngày còn trẻ, bà Dư Huệ Liên thường được chị em công nhân Xưởng dệt Vimitex (Thủ Đức) biết với tên gọi Diệp Hưng - người giữ vai trò quan trọng trong những cuộc đình công, lãn công chống áp bức, đòi quyền lợi, phản đối sa thải công nhân…

Tiêu điểm là cuộc đình công, chiếm xưởng buộc chủ xưởng phải đưa hơn 200 nữ công nhân bị sa thải trở lại làm việc vào năm 1964. Sau cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, đặc biệt là những trận đánh bót Hòa Hòa, Chợ Thiếc… vang danh lực lượng vũ trang biệt động người Hoa vùng Chợ Lớn, chi bộ bí mật xưởng dệt Vimitex (nay là Dệt Việt Thắng, lúc đó do đồng chí Trần Khai Nguyên làm bí thư) bị lộ.

“Tài lủ”, đồng chí Dư Huệ Liên (bìa trái) trong lần nhận hoa mừng từ Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Võ Thị Dung

Dư Huệ Liên, cô công nhân hãng dệt, đồng thời là Chi ủy viên Chi bộ Vimitex phải bỏ trốn để tránh sự truy bắt của cảnh sát ngụy. Dư Huệ Liên trà trộn vào các xóm lao động người Hoa với bí danh “Tài lủ” (anh Hai) và được một cơ sở người Hoa gốc Triều Châu che giấu; tiếp tục xây dựng cơ sở cách mạng trong cộng đồng người Hoa, đồng thời làm giao liên cho Ban Hoa vận T4. Tuy nhiên, sau đó, “Tài lủ” bị bắt, bị tra tấn dã man, dù vậy cô vẫn giữ vững khí tiết đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng.

Từng là Ủy viên Ban Thường vụ Hội Liên hiệp Phụ nữ TPHCM từ năm 1977 - 1991, về hưu, bà tiếp tục nhận nhiệm vụ Tổ trưởng Tổ công tác người Hoa và tiếp tục gắn bó với phong trào tại địa phương. Ở cương vị nào, bà cũng luôn toàn tâm toàn ý trong việc xây dựng các mô hình hoạt động sôi nổi nhằm thu hút đông đảo người dân thuộc nhiều lứa tuổi, nghề nghiệp… tham gia. Bà không bỏ sót bất kỳ vấn đề nào phát sinh từ khu dân cư nơi mình sống. Vấn đề nào cần có sự hỗ trợ của các cơ quan ban ngành liên quan, bà không ngại khó, ngại vất vả, kịp thời đề xuất để có cách xử lý, giải thích hợp tình hợp lý…

Một cậu nhỏ Việt mà bà giúp học bổng ngày xưa, đã khôn lớn, làm báo, tình cờ gặp lại bà năm 2008, đã viết về “Tài lủ” trên Báo SGGP, rằng: “…Ra tù với nhiều di chứng, bản thân “Tài lủ” ở vậy nuôi mẹ già. Trong những năm khốn khó, “Tài lủ” phải bán đi căn nhà Nhà nước cấp để mua lại căn hộ nhỏ xíu trong con hẻm nhỏ đường Phú Đinh (số 8/7 Phú Đinh, phường 11, quận 5, TPHCM) nhưng tuyệt nhiên không rời công tác Hoa vận của mình. 40 năm tròn từ ngày tuyên thệ dưới cờ Đảng, “Tài lủ” suy nghĩ và làm việc theo nghị quyết, bằng cả lương tâm, trách nhiệm với những đồng bào Hoa đã từng cưu mang, che chở mình...”.

Ít người tường tận, 30 năm nay, “Tài lủ” còn là “chủ ngân hàng” với số vốn 80 triệu đồng - số tiền bà vận động được từ chính những người dân trong khu vực, lúc nào cũng sẵn sàng hỗ trợ khẩn cấp cho những trường hợp đặc biệt khó khăn. “Ngân hàng” cho vay không lãi suất nên ai cũng hiểu đã vay vốn thì phải trả để còn giúp nhiều người khác lúc khó khăn… Có thể khẳng định, “Tài lủ” với những gì đã làm cho đồng bào, cho bà con làng xóm, cho người dân khu vực Chợ Lớn… dù chỉ là những việc không to tát nhưng thấm đẫm tình yêu thương, mang hơi ấm của Đảng lan tỏa đến quần chúng lao động. Những người dân ở khu vực Chợ Lớn nhìn về phía “Tài lủ”, trông các việc bà làm, như thấy rõ những gì Đảng muốn làm cho nhân dân, đó là hành động vì dân...

Hôm nay, nghe tin “Tài lủ” yên nghỉ, số người đến viếng rất đông, nhất là người Hoa ở Chợ Lớn. Quá đông người dân lao động thảng thốt viếng bà. Có tiếng khóc, có những lời tiếc thương tiễn đưa “Tài lủ” về trời!

DƯƠNG MINH ANH

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/tai-lu-ve-troi-545318.html