Tài liệu truyền thông phòng, chống Covid-19 trong trường học được đánh giá cao

Bộ GD&ĐT vừa công bố quyết định phê duyệt bộ tài liệu truyền thông về phòng, chống dịch Covid-19 và hướng dẫn công tác y tế trong trường học.

Ảnh minh họa. (nguồn: IT)

Ảnh minh họa. (nguồn: IT)

Thêm kênh thông tin hữu ích cho y tế học đường

Theo Bộ GD&ĐT, việc phê duyệt, đưa vào sử dụng rộng rãi bộ tài liệu này nhằm góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, học sinh và phụ huynh học sinh trong việc duy trì nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, bảo đảm an toàn sức khỏe.

Tiếp cận bộ tài liệu, bà Nguyễn Thị Thúy Minh – Hiệu trưởng trường Tiểu học Đông Thái (Tây Hồ, Hà Nội) cho biết: Nói chung, bộ tài liệu truyền thông về phòng, chồng Covid-19 mà Bộ GD&ĐT vừa ban hành rất bài bản, cụ thể, rõ ràng. Các hình ảnh đẹp, sinh động dễ hiểu đối với học sinh. Các tình huống và phương án đưa ra phù hợp, dễ thực hiện.

Đối với tài liệu hướng dẫn công tác y tế trường học, bà Thúy Minh nhận xét, cũng rất kỹ, dễ thực hiện, giúp ích nhiều cho công việc của các nhân viên y tế học đường.

Theo bà Hứa Thu Huyền – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Giang Biên (Long Biên – Hà Nội), tình hình dịch Covid-19 vẫn diễn biến khá phức tạp. Số người nhiễm bệnh và tử vong do mắc Covid-19 ở nhiều nước trên thế giới vẫn không ngừng gia tăng. Do vậy, chúng ta không thể chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Trong tình hình này, bộ lài liệu về phòng, chống dịch Covid-19 và hướng dẫn công tác y tế trong trường học được Bộ GD&ĐT phê duyệt là vô cùng cần thiết và bổ ích. Việc bảo vệ sức khỏe cho bản thân, cho gia đình và cho cộng đồng là rất quan trọng, đặc biệt là đối với trẻ em. Các em còn nhỏ, rất hiếu động chưa có ý thức tự giác bảo vệ sức khỏe. Nhà trường luôn xác định, cùng với việc thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn, công tác phòng chống dịch bệnh và đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm cũng là một nhiệm vụ rất quan trọng để thực hiện mục tiêu GD toàn diện học sinh.

“Bộ tài liệu truyền thông về phòng, chống dịch Covid-19 và hướng dẫn công tác y tế trong trường học, đưa vào sử dụng trong các trường học trên phạm vi cả nước đã giúp cho cán bộ quản lý và giáo viên, nhân viên y tế các nhà trường có cơ sở để xây dựng những biện pháp phòng chống dịch bệnh hữu hiệu, phù hợp với đặc điểm tình hình nhà trường và địa phương trong công tác chăm sóc khỏe học sinh. Việc chia sẻ thông tin chính xác và khoa học về dịch Covid-19 cũng như việc tuyên truyền thực hiện các biện pháp phòng dịch Covid-19 sẽ giúp học sinh và phụ huynh giảm bớt nỗi sợ hãi, lo lắng về dịch bệnh.”, Hiệu trưởng Hứa Thu Huyền nhận định.

Ảnh minh họa. (nguồn: IT)

Mong một cơ chế xứng đáng

Nhiều Hiệu trưởng chia sẻ, họ thực sự mong có cơ chế đãi ngộ tốt hơn để khuyến khích các nhân viên y tế gắn bó với học đường. Bởi hiện nay, chế độ đối với vị trí này còn rất khiêm tốn.

Tại trường Tiểu học Giang Biên (quận Long Biên - Hà Nội), Hiệu trưởng Hứa Thu Huyền cho hay, nhà trường cố gắng tạo thêm những nguồn thu nhập hợp lý để tăng thu nhập cuối năm như các đối tượng giáo viên khác, không có sự phân biệt, cách biệt lớn về chế độ đãi ngộ, phúc lợi tập thể, nhằm khuyến khích động viên để nhân viên y tế yên tâm công tác; góp phần bảo vệ sức khỏe cho giáo viên và học sinh; giúp học sinh được phát triển toàn diện về đức- trí- thể-mỹ...

Ông Nguyễn Minh Quý – Hiệu trưởng Trường THPT Trần Nguyên Hãn (Hải Phòng) cho biết: Phần công việc thông thường của nhân viên y tế học đường đã rất nhiều. Tuy nhiên, khi có dịch bệnh thì càng vất vả. Điển hình như đợt dịch covid-19 vừa qua, đầu việc của nhân viên y tế học đường tăng đột biến.

Vai trò của hoạt động y tế học đường là không thể phủ nhận. Tuy nhiên, trên thực tế, việc triển khai công tác này tại cơ sở giáo dục vẫn gặp nhiều khó khăn. Đó một phần là do tình trạng kiêm nhiệm công tác y tế học đường. Do vậy, các nhân viên y tế được đào tạo tập huấn nâng cao kỹ năng chuyên môn đáp ứng yêu cầu.

Tuy nhiên, theo Hiệu trưởng Nguyễn Minh Quý, không chỉ thiếu và yếu về nhân lực, cơ sở vật chất cho công tác y tế trường học cũng chưa thực sự được quan tâm. Cần xây dựng và hoàn thiện kế hoạch y tế trường học, kiện toàn Ban chăm sóc sức khỏe học sinh, có bản mô tả chức năng nhiệm vụ của nhân viên y tế trường học, xây dựng nội quy phòng y tế cũng như trang bị sổ quản lý khám chữa bệnh theo quy định của Bộ Y tế. Cần quan tâm hơn đến chế độ đãi ngộ đối với nhân viên y tế trường học.

“Mỗi ngày đến trường là một ngày vui”, xây dựng trường học nâng cao sức khỏe và phòng chống bệnh tật học đường cho học sinh trên phạm vi cả nước là rất cần thiết và phù hợp với xu thế chung của khu vực và thế giới.

Theo PGS.TS Nguyễn Thanh Đề - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Thể chất – Bộ GD&ĐT: “Phải khẳng định rằng, công tác y tế trong trường học hiện nay còn rất nhiều khó khăn, bất cập. Tuy nhiên, vượt qua những rào cản, công tác y tế học đường trong những năm gần đây đã khẳng định được vai trò không thể thiếu trong công tác chăm sóc sức khỏe, phòng chống dịch bệnh cho học sinh, thực hiện đúng chủ trương của Đảng và Nhà nước ở các nội dung liên quan đã được cụ thể hóa trong Luật trẻ em năm 2016. Bảo vệ và chăm sóc trẻ em trong trường học là trách nhiệm của ngành Giáo dục.

Khi có dịch bệnh, bộ phận y tế chuyên trách nắm bắt chỉ đạo chuyên môn cấp trên để triển khai đến giáo viên, học sinh, thậm chí cả các bậc phụ huynh. Hiện diện và những hoạt động thường xuyên của y tế trường học không chỉ khiến phụ huynh học sinh an tâm mà hơn hết là góp phần nâng cao sức khỏe, tác động đến sự phát triển thể chất, trí tuệ cũng như sự phát triển toàn diện cho thế hệ tương lai của đất nước”.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/giao-duc/tai-lieu-truyen-thong-phong-chong-covid-19-trong-truong-hoc-duoc-danh-gia-cao-xgQSbGAMR.html