Tài liệu quý giúp người đọc tìm kiếm được sự thật

'Việc huy động lực lượng toàn dân tham gia cuộc chiến là một yếu tố có tính chất quan trọng đối với thắng lợi của Việt Nam ở Điện Biên Phủ. Các nhân tố quyết định nhất là lực lượng quân sự và đường lối, phương châm tác chiến thông minh của Quân đội nhân dân Việt Nam'-nhà nghiên cứu lịch sử người Pháp, Tiến sĩ Ivan Cadeau đã nhận định như vậy tại buổi ra mắt cuốn sách 'Điện Biên Phủ: 13-3 / 7-5-1954' của ông tại Hà Nội mới đây.

Theo Tiến sĩ Ivan Cadeau, ông bắt đầu quan tâm, nghiên cứu về chiến tranh Đông Dương từ 7, 8 năm trước và đã thực hiện một luận án tiến sĩ về đề tài này. “Mẹ tôi là một người giảng dạy về lịch sử. Trong cuốn sách mẹ tôi viết có một bức ảnh rất nổi tiếng do một người Xô viết chụp về những tù binh Pháp tại Điện Biên Phủ. Ba từ “Điện Biên Phủ” dù rất xa lạ và rất khó đọc đối với người phương Tây, nhưng lại có sức hút đặc biệt đối với tôi. Đây cũng chính là do lý 20 năm nay, tôi nghiên cứu về chiến tranh Đông Dương và cuộc chiến tại Điện Biên Phủ”, ông Ivan Cadeau chia sẻ.

 Bìa cuốn sách “Điện Biên Phủ: 13-3 / 7-5-1954”.

Bìa cuốn sách “Điện Biên Phủ: 13-3 / 7-5-1954”.

Theo nhà sử học Pháp, trước đây, ông đã viết nhiều sách về chiến tranh Đông Dương nhưng chưa viết cuốn nào về Điện Biên Phủ. “Tôi biết rằng, hai tuần sau khi Chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc đã có sách viết về vấn đề này. Tuy nhiên cho đến nay, nhiều cuốn sách viết về Điện Biên Phủ dưới dạng văn học hoặc theo lời kể của phóng viên chiến trường. Tôi viết cuốn sách này dựa trên những tài liệu được quốc gia lưu trữ để người đọc tìm kiếm được sự thật”, Tiến sĩ Ivan Cadeau chia sẻ.

Cuốn sách "Điện Biên Phủ: 13-3 / 7-5-1954" được viết dựa trên khai thác tài liệu, văn thư của quân đội, của chính quyền và cả từ báo chí Pháp thời kỳ đó. Khối tài liệu này được bảo quản chủ yếu tại lưu trữ quốc phòng Pháp ở ngoại ô Paris. Sách gồm 7 chương: Một lối thoát danh dự; Chiến dịch mùa thu 1953; Anne Marie (Bản Kéo), Beatrice (Him Lam), Gabrielle (Độc Lập) và một số cứ điểm khác; Đó là cho ngày mai; Khủng hoảng tinh thần; Trận chiến năm ngọn đồi; Tạm biệt bạn già. Với 272 trang, cuốn sách đã tập trung khắc họa về trận chiến cuối cùng tại Điện Biên Phủ của quân đội Pháp.

Trong lời mở đầu của cuốn sách có đoạn viết: "Thông qua việc sử dụng tài liệu lưu trữ, các nhân chứng chưa từng được biết đến, cố gắng mang đến cái nhìn đa chiều về các sự kiện, cũng như tránh những phán xét sau này. Bởi vì như tướng Ely, Tư lệnh quân đội viễn chinh Pháp từng viết trong hồi ký của ông rằng, sau tất cả, “nếu Điện Biên Phủ không thất thủ nhờ may mắn vô vọng thì may mắn này đóng vai trò quyết định đối với cuộc chiến tranh (Đông Dương), ít ra chiến dịch này có được sự can thiệp bằng không quân của Mỹ và liệu lựa chọn vị trí của tướng Navarre cho đến bây giờ có thể được coi là một phát hiện?”.

Cuốn sách cũng nhấn mạnh, với Pháp, trận chiến bại ở Điện Biên Phủ ngày 7-5-1954 chính là sự kết thúc của cuộc chiến tranh tại Đông Dương. Nó đã gây ra một chấn động thực sự, không chỉ tổn thất về con người mà còn tác động đến nhận thức của dư luận Pháp về lý do dẫn đến sự hủy diệt của 17 tiểu đoàn tốt nhất của Pháp do tướng De Castries chỉ huy, trong đó có đến 15.000 người chết, bị thương và bị bắt làm tù binh.

Thông qua cuốn sách “Điện Biên Phủ: 13-3 / 7-5-1954”, nhà sử học Ivan Cadeau cho thấy, sự kiện Điện Biên Phủ ngày 7-5-1954 vẫn còn được tranh luận ở Pháp hiện nay, đặc biệt thông qua việc phỏng vấn các nhà lãnh đạo có liên quan (bắt đầu vào năm 1955)... Bên cạnh đó, phần phụ lục của cuốn sách còn thống kê số quân Pháp nhảy dù xuống Điện Biên Phủ ngày 20-11-1953, số đạn dược của các đơn vị quân đội Pháp tham gia chiến dịch ngày 10-2-1954, quân số các đơn vị quân đội Pháp tham gia chiến dịch ngày 12-3-1954…

“Cuốn sách “Điện Biên Phủ: 13-3 / 7-5-1954” là những tư liệu vô giá sẽ góp phần giúp công chúng có thêm thông tin xác thực về những thời khắc quan trọng của lịch sử Việt Nam”-ông Đặng Thanh Tùng, Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước (Bộ Nội vụ) nhấn mạnh. Dự kiến, Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước sẽ tặng sách cho các thư viện, trường đại học để phục vụ công tác nghiên cứu, giảng dạy.

Bài và ảnh: PHƯƠNG LINH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/tai-lieu-quy-giup-nguoi-doc-tim-kiem-duoc-su-that-573940