'Tái lập vĩ đại' sau Covid-19: Chúng ta có nên lo lắng?

Khi Covid-19 khiến nhiều quốc gia tê liệt, một số lãnh đạo toàn cầu đang tận dụng nỗi thống khổ của nhân loại để thúc đẩy chương trình nghị sự mang mục đích riêng.

Đáng chú ý nhất, Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) đang tích cực gây sức ép với các quốc gia - cả nhà nước và tư nhân - để chuyển đổi toàn diện nền kinh tế, hệ thống chính trị, chưa kể đến môi trường, công bằng xã hội và xóa nghèo. Họ gọi kế hoạch này là: Tái lập vĩ đại.

Có hai luồng ý kiến đáng chú ý về kế hoạch Tái lập vĩ đại. Một số người tin rằng nhóm khởi xướng, bao gồm những đại diện của giới tinh hoa: doanh nhân, tỷ phú và các nhà lãnh đạo thế giới, đã nhận ra rằng đại dịch Covid-19 là cơ hội có một không hai trong lịch sử để cấu trúc lại mọi phạm trù, từ chủ nghĩa tư bản đến bảo vệ môi trường vốn là những vấn đề nan giải trong quá khứ.

Bởi những người này nắm trong tay cả quyền lực và nguồn lực cần thiết để tái cấu trúc hệ thống toàn cầu nên ý kiến của họ cần được cân nhắc một cách nghiêm túc và các nỗ lực cũng cần được xem xét kỹ lưỡng hơn.

Một luồng ý kiến khác thì cho rằng những người ủng hộ kế hoạch Tái lập vĩ đại đang sống trong một thế giới ảo tưởng - nơi người ta thích nói về sự thay đổi toàn cầu mà không có ý định thực sự hành động để biến những thay đổi trong tưởng tượng thành hiện thực.

Ở đó, mọi lời nói chỉ mang tính “đãi bôi” với mục đích có lẽ để né tránh những chỉ trích nhằm vào các hành động không được lòng người của họ. Mặc dù họ có thể đang nắm trong tay đòn bẩy của công cuộc chuyển đổi toàn diện này nhưng họ sẽ không bao giờ giật chúng. Vì vậy, chúng ta không cần bận tâm về những gì họ nói.

Theo tôi, còn có một cách nhìn nhận thứ ba. Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) có thể không phải là tác nhân chính của sự chuyển đổi do tổ chức này hoặc những người khác tưởng tượng ra, nhưng một số thành viên của WEF thì thực sự đang theo đuổi chương trình chuyển đổi toàn diện này.

Nhà hoạt động môi trường Greta Thunberg, các tỷ phú George Soros và Bill Gates, và quan trọng nhất là người đứng đầu nước Mỹ - tất cả đều đang theo đuổi các hợp phần chủ chốt trong chương trình nghị sự của WEF. Hoặc có thể, WEF đang vận hành chương trình sao cho phù hợp với chương trình nghị sự của các cá nhân và quốc gia khác.

Do một thực tế là WEF luôn giữ các chương trình của mình bí mật và không phải chịu trách nhiệm giải trình trước bất kỳ chính phủ hoặc cơ quan quốc tế nào nên các hoạt động của tổ chức này thường xuyên là chủ đề của các thuyết âm mưu hoang đường.

Nhưng cho dù WEF thực chất có là gì đi nữa thì có một thực tế là: Tổ chức này đang tận dụng nỗi khiếp sợ, lo âu và vô vọng của nhân loại trước sự khủng khiếp của đại dịch để thực hiện các mục tiêu của mình.

WEF không còn xa lạ trong vai trò đăng cai hội nghị thường niên ở Davos, Thụy Sĩ với sự hiện diện của giới tinh hoa tại một khu nghỉ dưỡng trượt tuyết cao cấp để chia sẻ với nhau sự uyên thâm của mình, mặc dù điều này không có mấy ai quan tâm.

Hàng năm, WEF phải đối mặt với sự lên án từ khắp thế giới vì khách tham dự đều là những người nổi tiếng đến Davos bằng máy bay riêng để rao giảng với thế giới về tội ác khi sử dụng nhiên liệu hóa thạch và biến đổi khí hậu.

Chỉ riêng năm 2020, Davos đã đón 1.500 phi cơ riêng đến tham dự hội nghị. Rất may, vào năm 2021, hội nghị thường niên Davos đã được tổ chức trực tuyến (tôi tự hỏi tại sao trước đây không ai nghĩ ra cách làm này?). Nhân tiện xin được nói thêm là, bạn có thể tham dự hội nghị Davos miễn phí nếu trước đó bạn đã trả khoản phí thành viên 670.000 USD.

WEF là một tổ chức với các thành viên là các tập đoàn toàn cầu lớn - đặc biệt là ngân hàng, Big Tech và các công ty tư vấn, cùng với các tổ chức phi chính phủ, các nhóm vận động chính sách và những người giàu có. Các nhà lãnh đạo và người nổi tiếng thế giới cũng tham gia: Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình; người đứng đầu LHQ, EU và IMF; nhà hoạt động môi trường trẻ tuổi Greta Thunberg cùng với tài tử điện ảnh Matt Damon.

WEF có văn phòng tại New York và Bắc Kinh, và trụ sở chính được đặt tại Geneva. Những người theo thuyết âm mưu tin rằng New York đại bản doanh của Mỹ và Liên hợp quốc; Bắc Kinh là trung tâm mới của vũ trụ; và Geneva là trung tâm của châu Âu.

Ông Klaus Schwab sáng lập WEF năm 1971 với mong muốn thiết lập một diễn đàn toàn cầu để các nhà lãnh đạo doanh nghiệp chia sẻ ý tưởng “cứu vãn hành tinh”. Hiện giờ WEF vẫn do ông nắm quyền. (Thật đáng khen cho sự bền bỉ từng ấy năm).

Trong nhiều năm qua, WEF luôn chủ trương ủng hộ chủ nghĩa tư bản, ủng hộ giảm thuế, cắt giảm quy định, thương mại tự do… Các kỳ hội nghị của WEF luôn song hành với các cuộc biểu tình bạo lực, đôi khi các hội nghị của Ngân hàng Thế giới và IMF cũng chứng kiến cảnh tương tự do các nhóm chống chủ nghĩa tư bản gây ra. Để tồn tại, WEF đã chuyển hướng đi.

Cha đẻ của WEF đã biến tổ chức này thành một nhóm vận động ủng hộ “chủ nghĩa tư bản vì tất cả” trong đó không chỉ cổ đông mà cả các chủ thể liên quan, bao gồm người lao động, các nhà quản lý, khách hàng, cộng đồng, người dân toàn cầu, các chính phủ - đều có tiếng nói quyết định về cách hành xử của các tập đoàn.

Lợi nhuận không phải là động cơ chính, mục đích của mọi hành động là để làm việc tốt. Tuy nhiên, việc đó cũng không khiến nhiều người đặc biệt quan tâm mặc dù những gì thể hiện trên trang web của WEF rất ấn tượng.

Năm 2017, ông Schwab đã đưa ra một thuật ngữ rất phổ biến và thông minh, “Công nghiệp 4.0”: Các vấn đề thế giới đang phải đối mặt có thể được giải quyết bằng trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật, robot, thiết bị bay không người lái, nhà máy “thông minh”, phân tích dữ liệu lớn… bất kỳ công cụ gì sử dụng công nghệ và công nghệ thông tin.

Với những lo ngại ngày càng tăng về môi trường, bất bình đẳng thu nhập, nghèo đói cùng cực, phân biệt chủng tộc, sự đa dạng và công bằng xã hội, một lần nữa, WEF lại biến hình theo hướng được mô tả là “chủ nghĩa tập thể doanh nghiệp”: là hình thái chủ nghĩa xã hội mà đứng sau đó là các tập đoàn chứ không phải các chính phủ hay các đảng phái chính trị. Giới tinh hoa giàu có, điển hình là các tỷ phú, từ bỏ theo đuổi lòng tham và dùng tài năng của họ để giải quyết các vấn đề nan giải toàn cầu (trong nhiều trường hợp chính là vấn đề do họ gây ra) và những vấn đề mà chỉ họ mới có thể giải quyết bằng sự sáng tạo của mình.

Có vẻ như, đại dịch Covid-19 đã khiến WEF thu hút được nhiều quan tâm của dư luận. Đơn cử như ngày 19/2, diễn đàn đã có 824 triệu lượt tìm kiếm trên Google.

Phần 2: Nước Mỹ và tinh thần của Chương trình nghị sự WEF

Tiến sĩ Terry F. Buss - Chuyển ngữ: Đào Thúy

Thiết kế: Quốc Dũng

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/media/tai-lap-vi-dai-sau-covid-19-chung-ta-co-nen-lo-lang-716706.html