Tái lấn chiếm vỉa hè ở TP.HCM

Sau hơn 2 tháng ra quân lập lại trật tự, vỉa hè nhiều tuyến đường trên địa bàn TP.HCM lại bị xe máy, hàng hóa của người dân để tràn, đẩy người đi bộ xuống lòng đường.

Vỉa hè đường Châu Văn Liêm, P.14 (Q.5) bị bít lối vì lấn chiếm - Ảnh: An Huy

Hàng hóa, xe máy xếp lớp

Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, chiều 27.4, vỉa hè đường Châu Văn Liêm (đoạn Trần Hưng Đạo - Hải Thượng Lãn Ông, Q.5) bị nhiều cửa hàng kinh doanh trên đường ngang nhiên chiếm dựng xe máy dày đặc, rất lộn xộn. Vỉa hè không còn chỗ trống, nhiều người đến mua hàng đậu xe tràn xuống lòng đường. Nhân viên bảo vệ các cửa hàng cũng không xếp xe khách lại ngay ngắn mà chỉ ngồi trông xe, ép người đi bộ qua khu vực phải xuống lòng đường di chuyển trong lúc nhiều phương tiện cơ giới qua lại nườm nượp.

Cách đó không xa, đường Hải Thượng Lãn Ông (đoạn Châu Văn Liêm - chợ Kim Biên, P.14, Q.5) vỉa hè hai bên đường được cơ quan chức năng kẻ vạch vàng phân chia phạm vi sử dụng. Tuy nhiên, đối với nhiều hộ kinh doanh trên đường, những vạch này đã vô tác dụng. Một số người ngang nhiên đặt hàng hóa xếp lớp lấn chiếm vỉa hè trưng hàng hóa buôn bán. Khách vào cửa hàng cũng thản nhiên dựng xe dưới lòng đường.

Trên đường Nguyễn Trãi (Q.5), nhiều đoạn vỉa hè rộng chưa đến 1 m, nhưng nhiều người không quan tâm dành lối đi cho người bộ hành mà vẫn mặc nhiên xem vỉa hè trước nhà là “của riêng”, dựng xe máy và bày hàng hóa lấn chiếm. Đặc biệt, trên đường Xóm Vôi (P.14, Q.5), một cơ sở kinh doanh tại đây sau khi dựng xe máy đầy trên vỉa hè, lại tiếp tục cho xe máy xuống lòng đường dựng thành hàng dài lấn chiếm hơn 1 m.

Tình trạng lấn chiếm vỉa hè cũng tái diễn với mức độ dày đặc tại nhiều tuyến đường trên địa bàn Q.11 nhưng không thấy cơ quan chức năng xử lý. Tuyến đường Lý Nam Đế (P.7, Q.11) dọc vỉa hè hai bên đường rộng khoảng hơn 2 m, mỗi buổi chiều có rất đông người tập trung về đây chiếm vỉa hè, dựng xe, bán đồ đã qua sử dụng. Khách hàng ghé xem và mua hàng cũng dựng xe dưới lòng đường ra vào tấp nập, không gian vỉa hè với người đi bộ qua khu vực này đã không còn. Cạnh đó, dọc 2 tuyến đường Vĩnh Viễn và Lê Đại Hành cũng có nhiều cửa hàng sửa chữa xe máy căng mái che ra vỉa hè, chiếm làm nơi sửa chữa máy móc. Một số đoạn lấn chiếm kéo dài biến con đường như không có vỉa hè.

Lấn chiếm cũng diễn ra trên đường Lê Văn Sỹ (Q.Tân Bình và Q.Phú Nhuận), một số người cũng tận dụng vỉa hè để bán nước, trái cây, thức ăn... đồng thời xuất hiện một số hộ kinh doanh dựng xe máy tràn lan trên vỉa hè, lấn chiếm tràn ra khỏi vạch sơn vàng cơ quan chức năng quy định, không chừa lối cho người đi bộ. Trên đường Lạc Long Quân (đoạn qua địa bàn P.11, Q.Tân Bình) nhiều cửa hàng kinh doanh đồ điện, cơ khí cũng lấn chiếm bừa bãi để dựng xe máy, bày hàng hóa lộn xộn để kinh doanh...

Người đi bộ phải xuống lòng đường di chuyển vì vỉa hè bị lấn chiếm trên đường Lạc Long Quân, P.11 (Q.Tân Bình) - Ảnh: An Huy

Đừng bắt cóc bỏ đĩa

Theo nguyên Phó chủ tịch thường trực UBND TP.HCM Nguyễn Thành Tài, về mặt chủ quan, việc thực hiện chủ trương lập lại trật tự vỉa hè lòng lề đường đã không được thường xuyên, liên tục, không dài hơi, thiếu kiên quyết, không tập trung và đồng bộ, thực hiện không tới nơi tới chốn từ phía các cấp quản lý. Do đó, tình trạng lấn chiếm vỉa hè diễn ra như “bắt cóc bỏ đĩa”, hết đợt ra quân thì đâu lại vào đấy. Hơn nữa, tình hình này còn diễn biến phức tạp hơn, đã có không ít dư luận phản ảnh là có tình trạng “bảo kê” chiếm dụng không gian công cộng, đem vỉa hè cho người thuê lại lấy tiền…

“Cần phải làm tới nơi tới chốn, thường xuyên và lâu dài, phải cứng rắn đối với những ai cố tình không chấp hành chủ trương có tình có lý của TP”, ông Tài đề nghị. Cũng theo ông Tài, song song với việc lập lại trật tự lòng lề đường, các quận, huyện nghiên cứu quy hoạch nơi chốn phù hợp tạo điều kiện cho người dân kinh doanh, buôn bán, vừa thêm phần trật tự văn minh đô thị.

Khi tiếp nhận thông tin PV Thanh Niên chuyển đến, một lãnh đạo UBND Q.5 cho biết sẽ chỉ đạo đội quản lý trật tự đô thị quận phối hợp các phường kiểm tra, xử lý dứt điểm. “Những tuyến đường đã xử lý dứt điểm, quận bàn giao lại cho phường quản lý. Nếu để tái lấn chiếm 2 lần, quận kiểm điểm chủ tịch phường, góp phần tránh tình trạng bắt cóc bỏ đĩa”, vị lãnh đạo Q.5 cho biết.

Vỉa hè đường Hải Thượng Lãn Ông (Q.5) đã kẻ vạch vàng nhưng tình trạng lấn chiếm vẫn diễn ra - Ảnh: An Huy

Ông Nguyễn Thành Phương, Phó chủ tịch UBND Q.Phú Nhuận, nhìn nhận sau hơn 2 tháng ra quân xử lý, tuyên truyền, vận động..., ý thức tự giác chấp hành của người dân có nâng cao, tuy nhiên những ngày vừa qua có tình trạng tái lấn chiếm vỉa hè gây ra nhiều bức xúc. Ông Phương cho biết: “Trên địa bàn quận có 42/69 tuyến đường có vỉa hè nhưng đa phần vỉa hè không đúng quy hoạch, quy cách bởi có đoạn to đoạn nhỏ, lồi lõm, điểm cao điểm thấp… Chúng tôi đã kẻ sơn phân định không gian phù hợp trên vỉa hè các tuyến đường lớn như Phan Xích Long, Trần Huy Liệu, Hồ Văn Huê, Lê Văn Sỹ… tạo điều kiện cho người dân buôn bán, mưu sinh. Những khu vực không được buôn bán, hoặc tái lấn chiếm, chúng tôi kiên quyết xử lý vi phạm. Đích thân tôi sẽ đi kiểm tra, khi phát hiện vi phạm sẽ gọi chủ tịch UBND phường đến trực tiếp xử lý”.

Xử lý chủ tịch phường để tái lấn chiếm

Ông Đoàn Ngọc Hải, Phó chủ tịch UBND Q.1, cho biết bản thân ông sẽ không trực tiếp dẫn đoàn ra quân xử lý vi phạm trật tự đô thị trên địa bàn quận như trước đây. Nhiệm vụ này được giao trực tiếp cho chủ tịch UBND 10 phường trên địa bàn. “Nếu phường nào để tái lấn chiếm thì quận xử lý trách nhiệm chủ tịch UBND phường đó theo quy định”, ông Hải khẳng định.

An Huy - Đình Phú

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/doi-song/tai-lan-chiem-via-he-o-tphcm-830439.html