Tài không đợi tuổi hay quy định của BTC là đúng?

Trường hợp thí sinh Nguyễn Trần Thiên Phúc (học sinh lớp 3) – con ông Nguyễn Hoàng Thụy Vũ (tức ca sĩ Thụy Vũ - cựu thành viên nhóm AC&M) đạt điểm số tốt ở vòng 1, vòng 2 của cuộc thi English Champion 2019 nhưng không được tiếp tục tham gia vòng 3 cuộc thi vì lý do đang học lớp 3, không đủ tiêu chuẩn về trình độ phải từ lớp 4 đến lớp 8, gây nhiều ý kiến trái chiều.

Gia đình ca sĩ Thụy Vũ tại cuộc thi English Champion 2018 (ảnh NVCC)

Gia đình ca sĩ Thụy Vũ tại cuộc thi English Champion 2018 (ảnh NVCC)

Cưỡng đoạt nỗ lực của cháu?

Chia sẻ với Báo GD&TĐ, ca sĩ Thụy Vũ bày tỏ: Sau khi thi xong cháu rất hào hứng lao ra khoe với mẹ là “con làm được bài hết”. Giờ nói “Cháu không được thi nữa thì chẳng hiểu gì cả. Cháu vẫn giữ tinh thần tiếp tục cuộc thi. Tôi không có cách nào giải thích cho con hiểu là “Con sẽ phải bỏ cuộc thi vì nhỏ tuổi hơn các bạn khác”.

Bảng điểm vòng 2 của thí sinh Thiên Phúc do gia đình cung cấp

Đây là cuộc thi tìm kiếm tài năng do các tổ chức giáo dục Mỹ tổ chức để tìm kiếm tài năng. Không phải cuộc thi lấy bằng cấp để mà ràng buộc giới hạn tuổi cận dưới. Mục đích rõ ràng là kiếm tài năng thì càng nhỏ mà giỏi thì có phải là càng tài năng không? Vậy sao ta không hân hoan công nhận. Đôi khi tôi chợt thoáng qua hay cuộc thi có mục tiêu nào khác.

Buộc cháu dừng cuộc thi ngay khi đã vào tới những bước cuối thi 50 thí sinh lấy 1 thí sinh giỏi nhất miền Nam ra Hà Nội thi với thí sinh giỏi nhất miền Bắc để chọn ra thí sinh tài năng toàn quốc…. là sự cưỡng đoạt nỗ lực của cháu, là tìm cách chặn đứng 1 tài năng sớm...

Cháu không những lọt vào chung kết mà còn đang trong top dẫn đầu với 2 điểm tuyệt đối là nghe 17.5/17.5, nói 17.5/17.5.

“Chúng tôi cố gắng tạo ra một sân chơi công bằng”

Bà Ngô Thị Thu Hằng - Trưởng Ban Truyền thông cuộc thi English Champion

Trả lời phỏng vấn báo GD&TĐ, bà Ngô Thị Thu Hằng - Trưởng Ban Truyền thông cuộc thi English Champion 2019, cho biết về quy trình tổ chức thi: Ở vòng 1, các thí sinh sẽ làm bài thi online tại nhà. Từ 30.000 thí sinh trên toàn quốc, Ban Tổ chức (BTC) sẽ lựa chọn ra 4.000 thí sinh có số điểm cao nhất, được đi tiếp vào vòng 2. Từ vòng 2, 3 và vòng chung kết, thí sinh sẽ tập trung thi theo lịch trình và địa điểm thi do BTC chỉ định.

Từ vòng 2 trở đi, thí sinh sẽ thi tại các điểm tập trung do BTC quy định, do vậy, vấn đề kiểm soát thông tin cá nhân sẽ được thực hiện nghiêm ngặt. Vả lại, càng vào vòng trong kiến thức càng khó, nếu không phải kiến thức của mình, các em sẽ rất khó đi tiếp sâu vào các vòng trong.

Cuộc thi chỉ dành cho học sinh từ lớp 4 tới lớp 8, nhưng tại sao cháu Thiên Phúc mới học lớp 3 lại lọt qua được vòng 1, vòng 2 tới vòng 3 mới bị dừng lại?

Bà Ngô Thị Thu Hằng: Do ở vòng 1, các thí sinh thi sẽ làm bài thi tại nhà nên BTC sẽ không kiểm soát về mặt cá nhân, chủ yếu sẽ nêu cao tính tự giác khi các em làm bài. BTC cũng đã tính toán đến các trường hợp thí chưa đủ điều kiện (lớp 1, 2, 3) hoặc vượt quá khung quy định (lớp 9, 10, 11, 12), hoặc thi hộ, hoặc lập nhiều nick để dự thi… nhưng tất cả các trường hợp này, đã được BTC dự tính, sẽ chỉ dừng lại ở việc tham gia thi vòng 1.

Tại vòng 2 English Champion 2019, phụ huynh sẽ làm bản cam kết trong một số trường hợp sau, để bảo lãnh thông tin của thí sinh là chính xác:

• Quên giấy báo thi, giấy tờ tùy thân (thẻ học sinh, giấy khai sinh…
• Dự thi danh dự do chưa đủ điều kiện.

Trường hợp của thí sinh Phúc thuộc nhóm lý do thứ 2, vì Phúc đang là học sinh lớp 3, trong khi theo Thể lệ cuộc thi, đối tượng dự thi là học sinh trên toàn quốc từ lớp 4 đến lớp 8.

Giấy cam kết của gia đình thí sinh Thiên Phúc do BTC cung cấp

Sau khi trao đổi, nắm được nguyện vọng của gia đình muốn cho con thi tiếp nên BTC đã tạo điều kiện cho cháu được thử sức ở vòng tiếp theo, vẫn chấm điểm nhưng kết quả sẽ không được công nhận chính thức trong cuộc thi này. Do vậy, hai bên đã cùng ký vào bản cam kết để cho Phúc được thi tiếp. Mục đích là để cho cháu có cơ hội được thử sức, thông qua điểm số biết được mình đang ở vị trí nào, năm sau đủ điều kiện, cháu sẽ tự tin khi đăng ký tham gia chính thức cuộc thi.

Phía gia đình anh Thụy Vũ và cháu Thiên Phúc đã tỏ ra hụt hẫng, tiếc nuối. Cũng có ý kiến cho rằng "tài không đợi tuổi", quan điểm của Ban tổ chức về sự việc này như thế nào, thưa bà?

Bà Ngô Thị Thu Hằng:- Mỗi cuộc thi đều có quy định và thể lệ riêng. Thể lệ về cuộc thi English Champion được công bố rộng rãi trên website chính thức của cuộc thi (www.englishchampion .edu.vn) và trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Chúng tôi đã và đang cố gắng tạo ra một sân chơi công bằng và bình đẳng nhất đối với mọi thí sinh trên cả nước. Hiện chúng tôi đang thực hiện theo đúng những quy định, thể lệ mà chúng tôi đã đặt ra đối với cuộc thi này. Rất có thể, chúng tôi sẽ cân nhắc điều chỉnh thể lệ cuộc thi ở những năm kế tiếp, nhằm mang đến nhiều cơ hội so tài hơn đối với các thí sinh.

Cần có một xử lý “ngọt” hơn

PGS.TS Huỳnh Văn Sơn

Liên quan đến vấn đề này, chia sẻ với Báo GD&TĐ, PGS.TS Huỳnh Văn Sơn - Phó Chủ tịch Hội Tâm lý học xã hội Việt Nam, cho rằng, có ba vấn đề cần quan tâm: - Một là, việc tổ chức dù là bất kỳ vòng nào cũng cần có sự kiểm soát của nhà tổ chức. Việc không lường trước những trường hợp không đúng quy định, ngoài phạm vi kiểm soát dự phòng về thành phần, về các vấn đề khác có liên quan sẽ mang đến những tình huống không thật sự tích cực. Đó là chưa kể sự hẫng hụt về tâm lý cũng như sự tổn thương không đáng có của trẻ em; những mâu thuẫn với gia đình, thầy cô...

- Hai là, việc cho thi ở nhà hay thi ở trường không quan trọng nhưng cần có cách đảm bảo chất lượng. Việc tuổi chưa đủ, việc thiếu điều kiện tháng để thi... có liên đới nhất định đến tính khách quan và hiệu quả. Nếu ngay từ vòng đầu, vòng kế tiếp không giám sát, chất lượng, tính khách quan và công bằng sẽ thế nào... Điều này cho thấy BTC chưa lường trước những khó khăn xảy ra... Có thể thông cảm nhất định nhưng cần có cách ứng xử hay xử lý hiệu quả và thấu tình đạt lý hơn...

- Ba là, việc phản hồi chưa đủ tuổi; việc trưng ra quy chế cho thấy sự lúng túng nhất định của BTC. Cần xem tôn chỉ hay tiêu chí của cuộc thi để có những cách thức xử lý "ngọt" hơn. Một bức thư giải thích, cảm ơn và động viên; Một giải thưởng thí sinh nhỏ tuổi nhất; một giải khuyến khích dành cho thí sinh vượt trội; Một sự điều chỉnh quy chế sau khi họp BTC và BGK... trong trường hợp này là những gợi ý có thể xem xét. Lẽ nhiên, người lớn cần xem kỹ mục tiêu cuộc thi, hướng về trẻ con và lắng nghe con thay vì chúng ta muốn theo ý mình là vấn đề cả hai phía nên cân nhắc...

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/tre/tai-khong-doi-tuoi-hay-quy-dinh-cua-btc-la-dung-3989470-v.html