'Tái khám phá...' không phải là một hoạt động tưởng nhớ đơn thuần

Được khởi xướng và thiết kế bởi Dương Đỗ - nhà sáng lập không gian sáng tạo Toong, Tuần lễ thể nghiệm 'Tái khám phá Sài Gòn' thuộc khuôn khổ nền tảng văn hóa Art of Reinvention sẽ diễn ra từ ngày 22 đến 28-7 tại TP Hồ Chí Minh mở ra cái nhìn hoàn toàn mới về Sài Gòn – TP Hồ Chí Minh, qua đó thúc đẩy mỗi cư dân kiến tạo và làm dày thêm bản dạng riêng biệt của thành phố.

Sự kiện văn hóa này được tổ chức tại cùng một lúc 5 địa điểm trải đều trong thành phố, tương ứng với 5 nhóm chủ đề. Trong đó, 4 nhóm xoay quanh những nét đẹp của mảnh đất này trong quá khứ và hiện tại trên các phương diện ngôn từ và thiết kế (Ảnh viện ngôn từ), ẩm thực (Tiệm ăn Tân Kỳ), kiến trúc và đô thị (Dinh thự thời gian), thời trang và nếp sống (Nhà may thanh lịch) và một chủ đề kết tinh từ các chủ đề trên: Sài Gòn tương lai (Bảo tàng tương lai).

Với mỗi nhóm chủ đề tương ứng, sẽ có các buổi trưng bày, triển lãm, tọa đàm, tương tác, đối thoại, thể nghiệm, chiếu phim nghệ thuật, workshop… Sự kiện thu hút được đông đảo nghệ sĩ, nhà nghiên cứu, chuyên gia uy tín các lĩnh vực, những cá nhân và đơn vị đồng hành cùng tình yêu Sài Gòn – TP Hồ Chí Minh.

Ông Dương Đỗ.

Ông Dương Đỗ.

Tái khám phá để nhìn rộng hơn

- Ông có thể cho biết ý tưởng của Tuần lễ thể nghiệm “Tái khám phá Sài Gòn” được bắt đầu như thế nào?

+ Khởi nguồn của ý tưởng này là sự kết tinh của một hành trình dài. Nó xuất phát từ những va đập, tổn thương và ngộ ra trong quá trình tôi dẫn dắt, định hướng chính những người xung quanh mình, để giúp họ có niềm tin tuyệt đối vào sự tử tế, để họ nhận thức vai trò của mình trong cuộc sống và làm những điều thực sự có giá trị.

Quá trình dẫn dắt rất khó, vì khi đến ngưỡng phải nứt vỡ những cái tôi cá nhân kiêu hãnh, họ sẽ tấn công ngược lại người chỉ dẫn để quay về “cái hang kiến thức” mà họ tự xây lên xung quanh. Cũng từ hành trình đó, tôi hiểu hơn về bản thân tôi và về con người nói chung. Vì vậy, khi khởi nghiệp với mô hình co-working space (kinh doanh không gian làm việc chung), tôi cho rằng mình cần phải xây dựng được trong không gian đó một văn hóa để mỗi người làm việc có thể chuyển hóa bản thân mình theo hướng tốt hơn.

Từ đó, tôi thiết kế chương trình Art of Reinvention. Art of Reinvention được ra đời với tâm niệm mang đến cho những lao động trí thức thành thị ở khu vực Đông Dương và xa hơn là Đông Nam Á nhiều hơn những cơ hội để mỗi ngày, mỗi người có thể không ngừng nứt vỡ những định kiến của bản thân về thế giới xung quanh, không ngừng mở mang kiến thức để kiến tạo không chỉ vật chất, mà cả những giá trị.

Hệ chương trình của Art of Reinvention được tạo thành từ sự kết nối đa chiều giữa các lĩnh vực khác nhau như nghệ thuật - công nghệ - kinh doanh - phong cách sống; giữa các hình thức khác nhau như triển lãm, trình diễn, workshop, các buổi chia sẻ, bữa tối thân mật; ở nhiều nơi với nhiều quy mô lớn, nhỏ khác nhau.

“Tái khám phá Sài Gòn” là một phần trong hệ chương trình dài hạn này. Tái khám phá để thấy những gì mình tưởng là đã biết nhưng thực ra mình chưa biết; những gì mình mặc định nó là tiêu chuẩn, là đương nhiên, cũng chưa chắc đã là sự thực. Mỗi ngày ta tái khám phá một chút, ta sẽ gỡ bỏ cái hang quanh mình và nhìn thế giới xung quanh một cách rộng lớn hơn, tỉnh táo hơn trong hành động hàng ngày.

Bộ sưu tập "Tuổi trẻ của chữ nghĩa" tại chủ đề “Ảnh viện ngôn từ” thuộc khuôn khổ tuần lễ “Tái khám phá Sài Gòn”.

- Trong bối cảnh đương đại và toàn cầu hóa, việc tái khám phá đó có một ý nghĩa ra sao?

+ Sự rộng lớn của thế giới và sự vận động không ngừng của nó càng thấy rõ nét hơn trong bối cảnh toàn cầu hóa. Nhưng vận động mà không được dẫn dắt bởi những giá trị trường tồn thì sẽ bị trơn trượt giữa các luồng tư tưởng, bị lôi kéo bởi những điều chưa thực sự là giá trị và sớm muộn sẽ bị đào thải khỏi sự vận động tự nhiên.

Song song đó, toàn cầu hóa đặt từng cá nhân, doanh nghiệp và quốc gia trong những tham chiếu rộng lớn hơn. Và như thế, chỉ có những giá trị bản địa mới làm mỗi cá nhân, doanh nghiệp, quốc gia trở nên khác biệt một cách bền vững trên thế giới. Một doanh nghiệp hay lớn hơn nữa là một nền kinh tế cũng vậy, không liên tục tái khám phá, tái kiến tạo mô hình của mình dựa trên những nền tảng giá trị riêng thì sẽ sớm bị đào thải.

- Nhìn danh sách các chủ đề cũng như các hoạt động liên quan, có thể thấy, sự kiện không đơn giản là một sự tưởng nhớ đơn thuần?

+ Không, sự kiện không phải là một sự tưởng nhớ đơn thuần. Tất các cả hoạt động, tác phẩm, triển lãm, phiên thảo luận tuy bắt rễ vào chất liệu truyền thống Sài Gòn nhưng đều được thể hiện qua lăng kính của những con người hiện đại. Truyền thống và hiện đại có thể song hành cùng nhau. Khi song hành, chúng sẽ tạo nên những sản phẩm có ý nghĩa, mang bản sắc riêng.

Để thông điệp ấy có thể truyền tải tới nhiều người, thuộc những ngành nghề khác nhau, mối quan tâm khác nhau, cấp độ thưởng thức khác nhau, quỹ thời gian và khu vực sinh sống khác nhau, “Tái khám phá Sài Gòn” được thiết kế và giám tuyển đa chiều. Bạn có thể bắt gặp trong tuần lễ này cả các tác phẩm, mô hình kinh doanh, chia sẻ của những nghệ sĩ kỳ cựu như Ưu Đàm Trần Nguyễn, giám tuyển nghệ thuật Như Huy, nhà nghiên cứu văn hóa Phan Khắc Huy, kiến trúc sư Archie Pizzini, nghệ sĩ kiêm pha chế rượu Richie Fawcett, tới thế hệ nghệ sĩ hay doanh nhân sáng tạo trẻ tuổi tài năng như Nguyễn Dạ Quyên từ Refill Station, nhà thiết kế Li Lam từ Lam Boutique, chuyên gia marketing thời trang Trần Hà Mi, nhà làm phim thể nghiệm Hải Yến Apus, thậm chí có cả những nhà thiết kế trẻ đang học đại học và rất nhiều cá nhân xuất sắc khác mà tôi không thể kể hết. Đa dạng là vậy nhưng họ gặp nhau ở tình yêu với Sài Gòn và niềm tin rằng, những giá trị văn hóa bản địa có thể song hành trong cuộc sống hiện tại và tương lai.

Nghệ sĩ Ưu Đàm Trần Nguyễn mang triển lãm về khí thải đến Tuần lễ “Tái khám phá Sài Gòn”.

Chỉ khi ta thấy nó đáng quý thì mới có thể cổ vũ

- Bên cạnh những hoạt động gợi lại những giá trị tốt đẹp của Sài Gòn xưa, tuần lễ cũng đặt ra những thách thức mà Sài Gòn đang phải đối mặt như rác thải, ô nhiễm, sự nhạt nhòa bản sắc… Là người khởi xướng, cách nhìn của ông đối với hai thái cực này thế nào?

+ Chúng tôi tập trung vào việc cổ vũ những dự án, tác phẩm, mô hình kinh doanh mà ít nhất chúng tôi cho rằng nó tốt hơn cho mỗi người. Ngay cả các thách thức mà Sài Gòn đang phải đối mặt cũng được thể hiện bằng một tiếng nói tích cực. Chúng tôi muốn cổ vũ một văn hóa sống và làm việc mà ở đó mọi người thay vì đứng ngoài bình phẩm những điều tiêu cực, mà tập trung vào việc thay đổi chính bản thân mình, vì chúng ta không vô can với những gì đang xảy ra. Khi ai đó bình phẩm những điều chưa được trong xã hội, hoặc hẹp hơn là tổ chức nơi mình làm việc, tức là người đó đang cố tách mình ra khỏi môi trường ấy, nhưng sự thật, chúng ta là một phần trong đó.

- Vậy thì, bản dạng Sài Gòn đó nên hiểu như thế nào cho trọn vẹn?

+ Về bản dạng của Sài Gòn, rất nhiều luồng tư tưởng, vẻ đẹp văn hóa, nếp sống đến từ những nền văn minh cổ trên thế giới đã pha trộn cùng văn hóa bản địa trên địa hình đồng bằng sông nước ven biển, cận xích đạo để kết tinh nên một văn hóa Sài Gòn độc đáo không giống bất cứ đâu. Cư dân thành phố có quyền và nên tự hào về văn hóa Sài Gòn.

Chỉ khi ta thấy nó đang quý, đáng tự hào thì ta mới có thể khai thác và cổ vũ nó trong cuộc sống hàng ngày. Và nếu mỗi người, mỗi ngày, một chút một, có thể nhận biết và hướng tới những giá trị đẹp thì dần cuộc sống sẽ tốt đẹp hơn nhiều.

Xa hơn, chủ đề của tuần lễ là “Tái khám phá Sài Gòn” có thể coi là một cái cớ để giúp mỗi người phóng chiếu ra một bức tranh lớn hơn. Bởi mỗi thành phố, quốc gia, dù lớn dù nhỏ, để tồn tại đến ngày nay đều có những giá trị di sản tốt đẹp, làm nên bức tranh chung của thế giới. Mỗi con người cũng vậy, chúng ta là một phần của thế giới, những gì chúng ta nhìn thấy trong xã hội cũng là do chúng ta tạo thành. Nếu ta muốn cuộc sống tốt đẹp hơn thì trước hết ta phải bám rễ vào những giá trị bền vững và tái kiến tạo, không ngừng tái kiến tạo chính mình.

- Trong 5 nhóm chủ đề, chưa thấy có nội dung về văn nghệ (văn học + các loại hình nghệ thuật tiêu biểu như cải lương, hát bội, kịch nói…) Sài Gòn, trong khi đó cũng là một đặc sản làm nên bản dạng của thành phố này. Trong tương lai, Reivent Saigon có định hoàn chỉnh ý niệm này không, hay chỉ dừng lại ở đây?

+ Nguyên liệu truyền thống Sài Gòn nhiều lắm, chắc chắn chúng tôi còn phải nỗ lực hơn nhiều. Và tổng thể Art of Reinvention sẽ không có hồi kết. Sau Reinvent Saigon, các hoạt động khác sẽ vẫn liên tục được tổ chức theo nhiều hình thức khác nhau, hàng tuần, tại những thành phố và quốc gia mà chúng tôi có cơ sở hoặc có các đối tác thân thiết sẵn sàng hỗ trợ. Các tuần lễ thể nghiệm và lễ hội văn hóa, nghệ thuật, kinh doanh, công nghệ có cùng hệ giá trị sẽ được tiếp tục tổ chức với các chủ đề cụ thể khác nhau. Mặt khác, không gì là hoàn hảo. Chúng tôi cũng phải “tái kiến tạo” chính mình để làm tốt hơn trong các hoạt động tiếp sau.

- Xin cảm ơn ông!

Tùng Hạ (thực hiện)

Nguồn CSTC: http://cstc.cand.com.vn/nhan-vat-su-kien-noi-bat/tai-kham-pha-khong-phai-la-mot-hoat-dong-tuong-nho-don-thuan-555091/