Tai họa khi dạy trẻ không đúng phương pháp

Mấy ngày gần đây, vụ tai nạn bỏng cồn xảy ra tại một sơ sở mầm non thuộc tỉnh Hà Nam khiến 3 cháu nhỏ bị bỏng nặng thêm một lần nữa khiến dư luận nhói lòng. Vụ việc xảy ra trong tình huống cực éo le, đó là khi các cô giáo dạy trẻ kỹ năng thoát hiểm khi gặp đám cháy. Nhiều vấn đề nhức nhối về những bất cập trong việc giáo dục và bảo vệ an toàn cho trẻ nhỏ đã được mổ xẻ trong vụ việc này…

Theo tài liệu, khoảng 15g40 ngày 9-8, tại nhóm lớp trẻ mầm non tư thục Tuổi thơ do chị Nguyễn Thị Khoát (SN 1990, trú tại xã Duy Minh, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam) đăng ký làm chủ đã xảy ra một sự cố nghiêm trọng. Thời điểm trên, lớp mầm non tư thục Tuổi thơ đã tổ chức cho khoảng 25 trẻ học kỹ năng phòng chống cháy nổ. Các cô giáo dùng cồn đổ vào 1 chiếc mâm nhôm làm giáo cụ rồi châm lửa để dạy trẻ. Đúng thời điểm này, không may có gió lớn thổi từ cửa sổ tạt ngọn lửa cồn đang cháy trong mâm vào 3 cháu nhỏ khiến 3 cháu: H.L (SN 2014); cháu G.K (SN 2015); cháu A.T (SN 2016) bị bỏng nặng.

Nhận được thông tin về vụ việc, lực lượng chức năng đã có mặt tại hiện trường tiến hành các biện pháp khám nghiệm. Qua kiểm tra, các đơn vị thu một vỏ bình cồn 500ml loại cồn 90 độ đã bị cháy xém, 1 chiếc mâm các cô giáo làm giáo cụ và khăn ướt cô giáo dùng để trùm lên người các cháu bé khi bị cồn đang cháy bắn vào người.

Ngay sau khi sự việc xảy ra, cán bộ, giáo viên trong trường đã đưa các bé đến BVĐK Hà Nam sơ cứu; tuy nhiên do diện bỏng nặng, sâu nên cả 3 bệnh nhi đã được chuyển lên BV Bỏng quốc gia theo dõi, điều trị.

Chiếc mâm đựng cồn cùng khăn mặt tại hiện trường được CQCA thu giữ. (Ảnh: M.H)

Chiếc mâm đựng cồn cùng khăn mặt tại hiện trường được CQCA thu giữ. (Ảnh: M.H)

Sáng ngày 12-8, theo thông tin từ các bác sỹ Viện Bỏng quốc gia, tình trạng của các nạn nhân vẫn rất nặng. “Diện tích bỏng của 3 bé lên từ 37 đến gần 60% vùng đầu, mặt, ngực, cổ; các cháu đều vào viện trong tình trạng sốc bỏng rất nặng.

Thời điểm nhập viện, tình trạng sức khỏe của 3 bệnh nhi đều rất yếu, phải hồi sức chống sốc, các chức năng hô hấp tuần hoàn, thận rất yếu… Tiếp nhận các bệnh nhi, các bác sĩ đã tiến hành truyền dịch, giảm đau, an thần, thở oxy hỗ trợ; đồng thời xử lý vết thương kỳ đầu. Sau 2 ngày điều trị, các bé đã thoát khỏi tình trạng sốc, tuy nhiên các bệnh nhi vẫn có thể đối mặt với nguy cơ tái sốc bất cứ lúc nào.

Hiện tại, BV đã áp dụng phác đồ cùng các loại thuốc tốt nhất cho các cháu với sự theo dõi sát sao của nhân viên y tế để có hướng xử lý kịp thời”, BS Lê Quang Thảo- khoa Hồi sức cấp cứu, Viện Bỏng quốc gia cho hay.

Sau khi xảy ra vụ việc, Phòng GD&ĐT huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam đã tiến hành rà soát toàn bộ hồ sơ và quy trình giảng dạy tại cơ sở mầm non Tuổi thơ cùng đội ngũ giáo viên đang giảng dạy tại đây và xác nhận: trước đó UBND huyện Duy Tiên phối hợp với lực lượng CA đã tổ chức cho giáo viên mầm non tham gia tập huấn về kỹ năng phòng cháy, thoát hiểm. Giáo viên gây bỏng cho học sinh hôm đó có tham gia tập huấn và được cấp chứng chỉ. Qua rà soát, trong 2 phần tập huấn, chỉ có phần kỹ năng thoát hiểm mới đưa vào giảng dạy cho các cháu mầm non. Cơ sở này cũng đăng ký giảng dạy lồng ghép kỹ năng sống, trong đó có bài hướng dẫn cho trẻ kỹ năng kêu cứu và thoát hiểm khi gặp nguy hiểm. Tình huống đáng tiếc xảy ra thuộc giờ học dạy kỹ năng thoát hiểm cho học sinh. Phòng GD&ĐT huyện Duy Tiên đã có công văn gửi các cơ sở giáo dục yêu cầu rút kinh nghiệm từ vụ việc này, tránh để xảy ra sự cố tương tự.

Trước đó, Vụ trưởng Vụ GD Mầm non (Bộ GD&ĐT) Nguyễn Bá Minh yêu cầu Sở GD&ĐT Hà Nam báo cáo cụ thể sự việc nói trên. Theo ông Nguyễn Bá Minh, nội dung phòng chống tai nạn thương tích, trong đó có phòng chống cháy nổ được lồng ghép trong chương trình GD mầm non nhưng cũng nêu rõ nội dung dạy phải phù hợp với lứa tuổi học sinh và điều kiện dạy học đảm bảo an toàn. Hiện Bộ GD&ĐT vẫn chờ báo cáo cụ thể của Sở GD&ĐT Hà Nam để đánh giá nguyên nhân gây thương tích cho trẻ, từ đó có chỉ đạo khắc phục.

Chiều 10-8, Sở GD&ĐT đã cùng đoàn công tác của UBND huyện Duy Tiên đến thăm hỏi, động viên các cháu bị bỏng nặng. Trước mắt, Sở hỗ trợ, động viên mỗi bé bị nạn 2 triệu đồng. UBND huyện Duy Tiên, Phòng GD&ĐT Duy Tiên và Bảo hiểm Bảo Việt cũng đến BV Bỏng quốc gia để thăm hỏi động viên các cháu và gia đình. UBND huyện thăm hỏi mỗi cháu 5 triệu đồng; Phòng GD&ĐT hỗ trợ 1 triệu đồng/cháu.

Vụ việc đang được lực lượng chức năng điều tra, làm rõ. Vẫn biết rằng vụ việc đau lòng này không ai mong muốn nhưng vấn đề đặt ra ở đây là phương pháp dạy kỹ năng thoát hiểm cho trẻ của các cô giáo không phù hợp với lứa tuổi của trẻ. Giá như thay bằng lửa cồn thật, các cô dùng bằng hình ảnh, tranh vẽ, ngôn ngữ cơ thể cộng cách hướng dẫn cụ thể bằng lời nói thì các cháu đã được an toàn; gia đình và xã hội đã không cùng phải đớn đau như vậy.

Linh Anh

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/tai-hoa-khi-day-tre-khong-dung-phuong-phap-158690.html