Tái hiện trận 'derby Thủ đô' lịch sử giữa Công an Hà Nội và CLB Quân đội

Nhắc đến bóng đá Thủ đô, người hâm mộ cả nước nhớ ngay đến một cái nôi của bóng đá nước nhà với rất nhiều tên tuổi lớn từng đóng trên địa bàn, như CLB Quân đội (hay Thể Công), Tổng cục Đường sắt, Công an Hà Nội, Quân khu Thủ đô, Thanh niên Hà Nội,...

Cuộc hội ngộ của các cựu cầu thủ Công an Hà Nội và CLB Quân đội. (Ảnh: BTC)

Cuộc hội ngộ của các cựu cầu thủ Công an Hà Nội và CLB Quân đội. (Ảnh: BTC)

Đặc biệt, ở giai đoạn 1995-2000, thời kỳ mà bóng đá Việt Nam có sự tiến bộ rõ rệt khi tham gia các đấu trường quốc tế, trong đó, đội tuyển bóng đá quốc gia có sự góp mặt của rất nhiều tuyển thủ thuộc 2 CLB tên tuổi khi ấy: CLB Quân đội (hay Thể Công) và Công an Hà Nội – 2 đội bóng đầy cá tính, với rất nhiều tài năng đặc biệt.

CLB Quân đội (hay Thể Công) và Công an Hà Nội trước hết cùng là những đội bóng giàu truyền thống nhất của bóng đá Việt Nam, lần lượt ra đời vào các năm 1954 và 1956, rồi cùng nhau trở thành 2 thế lực của bóng đá miền Bắc giai đoạn trước khi đất nước hoàn toàn thống nhất. Từ khi giải bóng đá vô địch quốc gia được tổ chức vào năm 1980 (tên gọi ban đầu là giải A1 toàn quốc), 2 đội gần như luôn góp mặt, để rồi tạo nên một cặp đấu “derby Hà Nội” vô cùng thú vị.

Sau 3 mùa vắng bóng vì phải xuống hạng (1993-1995), với một “thế hệ vàng” mới (gồm nhiều tên tuổi như Lã Xuân Thắng, Vũ Minh Hiếu, Nguyễn Bật Hưng, Nguyễn Tuấn Thành, Mai Tiến Dũng, Hoàng Trung Phong, Nguyễn Thanh Minh, Lê Dương Hưng...), Công an Hà Nội đã trở lại hạng cao nhất vào mùa giải 1996, và tiếp tục có những cuộc so tài nảy lửa đầy sức hấp dẫn cùng CLB Quân đội (tên gọi của Thể Công khi ấy) cũng với “một thế hệ vàng” đầy tài năng như Nguyễn Mạnh Cường, Nguyễn Hải Biên, Nguyễn Hồng Sơn, Trương Việt Hoàng, Triệu Quang Hà, Phạm Như Thuần, Đặng Phương Nam, Trần Tiến Anh, Đỗ Mạnh Dũng, Nguyễn Mạnh Dũng,...

Cựu trung vệ Đỗ Mạnh Dũng (trái) và cựu tiền vệ Vũ Minh Hiếu. (Ảnh: Quang Minh)

Với tính chất “derby” đầy thú vị, cuộc đọ sức giữa CLB Quân đội với Công an Hà Nội, dù diễn ra tại SVĐ Hàng Đẫy hay tại sân Cột Cờ cũng luôn thu hút rất đông đảo người hâm mộ trên các khán đài. Và thật thú vị khi trong suốt giai đoạn từ 1996-2002 (năm cuối cùng trước khi Công an Hà Nội được chuyển giao cho Hàng không Việt Nam), trong đa số những lần đối đầu, tỷ số của trận đấu luôn là hòa hoặc chênh lệch tối thiểu 1 bàn (chỉ có duy nhất 1 trận cách biệt lớn tại mùa giải hạng Nhất 1996).

Sau 25 năm, trận cầu “kinh điển” giữa CAHN và CLB Quân đội sẽ được tái hiện với ý nghĩa tri ân và tôn vinh sự cống hiến của một thế hệ đã từng đóng góp rất nhiều cho bóng đá nước nhà nói chung và bóng đá Thủ đô nói riêng. Trận đấy này là dịp để các cựu cầu thủ, huấn luyện viên của hai đội bóng được sống lại với những giây phút hào hùng, không khí hừng hực vì màu cờ sắc áo.

Với ý nghĩa ấy, Liên đoàn Bóng đá Thành phố Hà Nội sẽ phối hợp cùng đối tác Công ty Cổ phần Tư vấn và Truyền thông VAD, Next Media và các nhà tài trợ tâm huyết tổ chức trận thi đấu bóng đá phi lợi nhuận giữa Công An Hà Nội và CLB Quân đội (Thể Công) giai đoạn 1995-2000 nhằm tri ân các cầu thủ. BTC sẽ phối hợp cùng Bệnh viện Đa khoa Hà Nội thực hiện nghiêm chỉnh chỉ đạo của Bộ Y tế và Sở Văn hóa Thể thao Thành phố Hà Nội về các biện pháp phòng chống dịch bệnh Covid-19.

Có thể xem đây là sự kiện lịch sử của bóng đá Việt Nam, khi lần đầu tiên các cầu thủ được ra sân thi đấu trong một trận cầu chia tay sân cỏ một cách chính thức trên sân vận động Hàng Đẫy (rất có thể tới đây sân Hàng Đẫy cũng sẽ không còn nữa).

Trận đấu được tổ chức vào hồi 14h00 ngày 20/12/2020 trên sân Hàng Đẫy và được truyền hình trực tiếp trên Kênh VTC3 – OnSports.

Mặc Nha

Nguồn Pháp Luật Plus: https://www.phapluatplus.vn/van-hoa-giai-tri/tai-hien-tran-derby-thu-do-lich-su-giua-cong-an-ha-noi-va-clb-quan-doi-d143791.html