Tái hiện toàn bộ TP.HCM trong game

Nhóm bạn trẻ Việt đam mê Minecraft đã tái hiện nhiều công trình như Bưu điện TP.HCM, chợ Bến Thành, phố cổ Hội An... Mục tiêu lớn của nhóm là xây dựng cả thành phố trong game.

 Pomchuboi Studio là nhóm thợ xây (builder) trong Minecraft gồm 3 thành viên: Lương Sinh Quân, Mai Duy Tân (builder chính) và Phạm Việt Hoàng (biên tập video). Bưu điện TP.HCM là công trình mới nhất được các thành viên đưa vào Minecraft - tựa game sandbox cho phép xây dựng mọi thứ trong thế giới ảo.

Pomchuboi Studio là nhóm thợ xây (builder) trong Minecraft gồm 3 thành viên: Lương Sinh Quân, Mai Duy Tân (builder chính) và Phạm Việt Hoàng (biên tập video). Bưu điện TP.HCM là công trình mới nhất được các thành viên đưa vào Minecraft - tựa game sandbox cho phép xây dựng mọi thứ trong thế giới ảo.

Chia sẻ với Zing, Duy Tân cho biết ban đầu, các thành viên hoạt động độc lập. Tuy nhiên sau nhiều công trình làm việc ăn ý, cả 3 bắt tay với dự án tái hiện toàn bộ TP.HCM trong Minecraft mang tên Mini Sài Gòn. Bưu điện TP.HCM cũng là một phần của dự án.

Các công trình của nhóm trải qua 3 giai đoạn: tìm tư liệu và đo đạc (3 ngày), dựng khung (5 ngày) và tạo chi tiết (khoảng 5 ngày). “Với công trình Bưu điện TP.HCM, chúng tôi tái hiện trong 2 tuần”, Sinh Quân chia sẻ. Anh là builder chính, đảm nhận phần lớn công việc và giám sát dự án này.

Các thành viên trong nhóm được phân chia công việc rõ ràng. Mọi người cùng họp để chia sẻ ý tưởng, tìm tư liệu, chọn builder chính và lên kế hoạch xây dựng. Khi thống nhất ý tưởng, builder chính sẽ phác thảo khung công trình, builder phụ xây chi tiết trang trí như nhà dân và cây cối.

Sau khi hoàn tất khung, các builder tiếp tục thêm chi tiết, bổ sung nội thất bên trong. Cuối cùng, video được gửi đến Việt Hoàng để chỉnh sửa, biên tập trước khi chia sẻ công trình lên mạng xã hội.

Theo Sinh Quân, việc nghiên cứu công trình trước khi xây trong game là quan trọng nhất. “Việc này đòi hỏi builder nghiên cứu kỹ công trình thông qua các nguồn ảnh và video, từ đó chọn chất liệu phù hợp và căn chỉnh tỷ lệ”, anh nói thêm.

Việc không tiện tiếp xúc công trình ngoài đời cũng khiến nhóm gặp khó khăn trong việc thu thập tư liệu. Với dự án tái hiện Bưu điện TP.HCM trong Minecraft, các thành viên gặp khó trong việc nghiên cứu kiến trúc phía sau tòa nhà.

Để giải quyết vấn đề trên, nhóm đã tìm thêm các ảnh chụp hoặc video từ trên cao, bao quát một góc thành phố để tìm ra những chi tiết cần thiết. Bên trong công trình, các hình khối được lựa chọn cẩn thận, phù hợp với cách trang trí ngoài thực tế.

Công trình được xây trong game bằng World Edit, công cụ phổ biến với các builder Minecraft. Trước khi xây, quá trình phác thảo diễn ra trực tiếp trong game.

Trước Bưu điện TP.HCM, nhiều công trình nổi tiếng đã được Pomchuboi Studio tái hiện trong Minecraft. Với dự án Mini Sài Gòn, một số công trình được cộng đồng đánh giá cao như phố đi bộ Nguyễn Huệ, chợ Bến Thành, Dinh Thống Nhất, Landmark 81...

Ga Long Biên, Hồ Gươm (Hà Nội), Cầu Vàng (Đà Nẵng) hay phố cổ Hội An (Quảng Nam) cũng được nhóm đưa vào Minecraft. Đây là các địa điểm quen thuộc với người dân Việt Nam và du khách quốc tế.

Trả lời Zing, Duy Tân cho biết nhóm sẽ tuyển builder để mở rộng các dự án, đặc biệt là Mini Sài Gòn với kế hoạch mở rộng về 2 phía công viên 30/4 và Bến Bạch Đằng. Nhóm bạn cũng sẽ đẩy nhanh việc tái hiện một số chi tiết xung quanh Bưu điện TP.HCM như nhà thờ Đức Bà và khu vực Công xã Paris (quận 1).

Bình luận của cộng đồng quốc tế về các dự án của Pomchuboi Studio trên Reddit. “Chúng tôi tự hào khi mang những nét văn hóa, lịch sử và kiến trúc của Việt Nam ra cộng đồng Minecraft trong nước và thế giới. Chúng tôi cũng rất vui khi các sản phẩm tạo hiệu ứng tích cực”, Duy Tân chia sẻ. Đó cũng là động lực để nhóm trau dồi kinh nghiệm, mở rộng các dự án trong tương lai.

Ngắm nhìn Bưu điện TP.HCM trong Minecraft Một trong những công trình kiến trúc biểu tượng của TP.HCM được tái hiện trong Minecraft bởi Pomchuboi Studio, một nhóm bạn trẻ đam mê xây dựng trong game.

Phúc Thịnh

Ảnh: Pomchuboi Studio

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/mang-buu-dien-tphcm-vao-the-gioi-ao-post1397322.html