Tái hiện Tết Đoan Ngọ tại Hoàng thành Thăng Long

Ngày 25/6, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội tổ chức chương trình Tết Đoan Ngọ với chủ đề 'Hương sắc thảo mộc Đoan Dương' tại Khu Di sản Hoàng thành Thăng Long.

Đoan Ngọ (Đoan Dương) được coi là tết cổ truyền của Việt Nam và một số quốc gia Đông Á, diễn ra vào ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch. Ở nước ta, Đoan Ngọ là thời điểm chuyển mùa, mở đầu chuỗi ngày nắng nóng nhất trong năm nên thường xuất hiện nhiều dịch bệnh. Từ xa xưa, trong dân gian cũng như cung đình đã biết dùng các loài thảo mộc mà thiên nhiên ban tặng như một phương thức bí truyền để phòng chữa bệnh. Đặc biệt, người xưa tin rằng thảo mộc được hái vào giờ Ngọ ngày Đoan Ngọ thì hương sắc được kết tinh lại sẽ làm tăng thêm dược tính chữa bệnh. Tất cả các bộ phận của thảo mộc từ rễ, thân, lá, hoa và quả được sử dụng rất đa dạng với hai tính năng phổ biến nhất là dùng làm trà uống tiêu độc, thanh nhiệt, phòng bệnh hàng ngày và biệt dược để chữa các loại bệnh thông thường, cũng như phòng chống dịch bệnh trong cộng đồng.

Nghệ nhân ẩm thực Ánh Tuyết giới thiệu về ẩm thực Tết Đoan Ngọ. (Ảnh: HT)

Trong dịp này, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội tổ chức trưng bày, trình diễn, tái hiện các nghi thức, phong tục dân gian và cung đình độc đáo. Tại đây, du khách được tìm hiểu những phong tục độc đáo của ngày Tết Đoan Ngọ như tục “giết sâu bọ”, tục hái thảo mộc làm trà và làm thuốc…

Nghệ nhân ẩm thực Ánh Tuyết cho biết, Tết Đoan Ngọ có từ xa xưa, đây là nét đẹp văn hóa của người Việt Nam nói chung và người dân Hà Nội nói riêng. Vào buổi sáng sớm Tết Đoan Ngọ, mỗi người trong gia đình thường ăn một hai thìa rượu nếp, các loại hoa quả để "giết sâu bọ". Nhà nào có trẻ nhỏ, bố mẹ sẽ bôi ít vôi vào lòng bàn tay “làm phép” diệt trừ giun sán trong người. Tất cả những việc này đều phải thực hiện trước khi mặt trời mọc, nếu mặt trời đã lên rồi thì sẽ không còn hiệu nghiệm.

Các món ăn đặc trưng trong dịp Tết Đoan Ngọ. (Ảnh: HT)

Đặc biệt, trong nghi lễ Tết Đoan Ngọ cung đình xưa không thể thiếu nghi thức thưởng trà, nhà vua ban trà cho các bề tôi. Từ xa xưa, thưởng trà đã là một thú vui tao nhã của bậc nam nhân. Vua Trần xưa cũng đã từng dựng điện thưởng trà (gọi là “điện trà”), vua Nguyễn dùng trà làm vật phẩm ban cho các bề tôi vào ngày thiết triều mừng tiết Đoan Ngọ. Trà không chỉ là một thức uống dân dã, bình dị trong dân chúng, tốt cho sức khỏe mà uống trà còn được nâng lên như một nghệ thuật thưởng thức, vừa công phu, tinh tế, vừa đậm đà bản sắc dân tộc.

Trong không gian đậm chất truyền thống ở Hoàng thành Thăng Long, nghệ nhân trà Hoàng Anh Sướng đã giới thiệu những nét văn hóa trà của người Việt, nghệ thuật trà cung đình và trình diễn nghệ thuật pha trà.

Ngoài ra, vào các ngày cuối tuần, du khách cũng sẽ được giao lưu và trải nghiệm nghệ thuật thưởng trà cùng nghệ nhân Nguyễn Thiện Hùng, nghệ nhân Nguyễn Cao Sơn; thưởng thức những điệu ca trù sâu lắng do NSƯT Bạch Vân thể hiện; chương trình ngâm thơ của các nghệ sĩ CLB thơ Hán Việt Pháp Anh; khám phá nghệ thuật thư pháp của các thành viên CLB Thư pháp Thư Viên; trình diễn trang phục cung đình của nhóm Ỷ Vân Hiên.

Chương trình "Hương sắc thảo mộc Đoan Dương" được tổ chức đến hết ngày 20/7 tại Khu Di sản Hoàng thành Thăng Long, 19C Hoàng Diệu, Hà Nội.

Hà Thảo

Nguồn ĐCSVN: http://dangcongsan.vn/tu-tuong-van-hoa/tai-hien-tet-doan-ngo-tai-hoang-thanh-thang-long-557769.html