Tái hiện 'ngăn sông cấm chợ'?

Trong những ngày vừa qua, câu chuyện tàu du lịch Cát Bà (Hải Phòng) gặp khó khăn trong việc nối tuyến đưa khách sang tham quan vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) đang được nhiều cơ quan báo đài, giới chuyên gia, DN và người dân rất quan tâm.

Đứng ở khía cạnh kinh doanh, nó liên quan tới môi trường kinh doanh và đặc biệt là gắn với chủ trương tháo gỡ khó khăn cho DN, thúc đẩy sản xuất kinh doanh của Chính phủ. Ở góc độ hoạt động của DN, đó là câu chuyện chi phí và lợi nhuận. Còn đứng từ góc nhìn của du khách, người ta có thể đánh giá về một ngành du lịch Việt Nam đang được chọn là mũi nhọn để phát triển. Chính vì vậy, câu chuyện có thể không chỉ tác động đến du khách, đến vài DN, hay đến ngành du lịch, mà đằng sau đó còn là nền tảng của sự phát triển kinh tế.

Vịnh Hạ Long - di sản thiên nhiên thế giới

Theo báo chí nêu liên tiếp trong những ngày qua cho biết, từ năm 2015, UBND tỉnh Quảng Ninh có Quyết định số 4088/QĐ-UBND ban hành quy định tạm thời về quản lý hoạt động tàu du lịch trên vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long, bắt đầu áp dụng từ khoảng đầu năm 2016. Theo đó, các DN chủ tàu nếu có trụ sở, địa chỉ hoạt động tại địa phương khác thì phải có trụ sở chi nhánh và nộp thuế tại Quảng Ninh mới được hoạt động phục vụ khách du lịch trên vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long.

Đại diện cơ quan quản lý vịnh Hạ Long cũng cho biết, tỉnh này thực hiện quy định của ngành hàng hải nên các phương tiện tàu thủy khi hoạt động trên vịnh phải được cảng vụ cấp phép điểm đến và điểm đi. Đồng thời, tàu hoạt động trên vịnh còn phải được hội đồng thẩm định đánh giá chất lượng tàu của địa phương kiểm tra, trên cơ sở bộ quy chuẩn quốc gia của Bộ Giao thông - Vận tải...

Dám chắc rằng, Quảng Ninh có đủ thẩm quyền để đưa ra và áp dụng các quy định nói trên. Đằng sau đó cũng có thể là nhiều hàm ý tốt đẹp. Nhưng, theo phản ánh của DN, chủ tàu từ Hải Phòng, những quy định trên khiến cho họ khó đáp ứng để được hoạt động trên vịnh Hạ Long.

Kết quả là các tàu chở du khách từ Cát Bà sang Hạ Long bị kiểm tra và không cho hoạt động, bị “xua đuổi”... Thực trạng đó khiến cho các tour, tuyến du lịch trên biển không thể kết nối giữa vịnh Lan Hạ phía Hải Phòng với Hạ Long của Quảng Ninh. Điều này gây nên thiệt hại cho nhiều phía.

Với du khách, việc tour, tuyến du lịch không liên thông khiến họ phải mất thời gian, thêm chi phí, mệt hỏi hơn nếu muốn đi thăm cả Cát Bà và Hạ Long, vì phải di chuyển nhiều và chuyển tàu nếu muốn sử dụng phương tiện đáp ứng được các yêu cầu, quy định của Quảng Ninh. Với du khách, thời gian là rất quan trọng, nên không rõ trong mấy năm qua đã có bao nhiêu đoàn khách, du khách từ bỏ ý định vừa đi Cát Bà và kết hợp tham quan Hạ Long.

Các DN thì “thiệt đơn, hại kép”. Việc “ngăn sông cấm chợ” như trên khiến họ khó có thể nối tuyến, tận dụng lợi thế của cả Cát Bà và Hạ Long để phát triển các tour, tuyến dài ngày hơn, làm phong phú thêm sản phẩm dịch vụ của mình. Cũng vì thế, họ khó có thể thu nhiều tiền hơn từ du khách. Bởi vì Quảng Ninh cấm cả tàu của tỉnh mình sang khai thác tại Cát Bà, cũng có nghĩa du khách không có cách nào để trọn một lịch trình du lịch Cát Bà và Hạ Long nhanh và thuận tiện nhất.

Và trên hết, liên kết vùng du lịch để tập hợp thế mạnh của nhiều vùng miền, qua việc “ngăn sông cấm chợ” đã bị khu biệt, “chặt khúc” đã không thể thực hiện được. Trong khi đó theo Bách khoa toàn thư mở (Wikipedia), vịnh Hạ Long cùng với đảo Cát Bà tạo thành một trong 21 khu du lịch quốc gia đầu tiên ở Việt Nam.

Thử tưởng tượng, nếu du khách muốn đi dọc Việt Nam mà đến tỉnh nào phải xuống xe chuyển qua phương tiện của tỉnh đó, sử dụng các dịch vụ do DN của tỉnh cung cấp… thì vô hình trung đã tạo ra những đặc quyền kinh doanh cho DN của tỉnh mình. Trong trường hợp của Hạ Long, đây là di sản của thế giới, tài nguyên du lịch tầm quốc gia, thì việc tạo ra những “đặc quyền” trong kinh doanh đã coi đây là tài nguyên chỉ của tỉnh mình.

Đồng thời, việc “phân biệt đối xử” giữa DN tỉnh này với tỉnh khác, giữa công ty địa phương hoặc có chi nhánh và nộp thuế trên địa bàn mình với đơn vị từ nơi khác đến đã buộc các DN nếu muốn kinh doanh họ phải đăng ký hoạt động trên địa bàn Quảng Ninh, chịu sự kiểm tra thêm của tỉnh, ngoài của địa phương họ đăng ký kinh doanh và đã phải đảm bảo đủ điều kiện hoạt động, là một kiểu “điều kiện kinh doanh” mới, do chính quyền địa phương đặt ra. Điều này là chưa phù hợp với quan điểm thúc đẩy tự do kinh doanh, chủ trương tháo gỡ khó khăn cho DN.

Quảng Ninh dự kiến sẽ được Quốc hội thông qua để xây dựng và phát triển đặc khu kinh tế Vân Đồn. Mô hình đơn vị hành chính đặc biệt này được kỳ vọng tạo nên một “trục” phát triển mới, thu hút nhà đầu tư, người lao động… từ các nơi đổ về. Đồng thời, nó cũng được kỳ vọng sẽ tạo nên động lực để lan tỏa ra khắp vùng, thúc đẩy kinh tế cả khu vực Đông Bắc. Với việc “ngăn sông cấm chợ”, “phân biệt đối xử”… như trên, liệu có thể kỳ vọng nơi đây sẽ đạt được các mục tiêu vừa nêu?

Anh Quân

Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/tai-hien-ngan-song-cam-cho-76299.html