Tái hiện lễ cưới của Dân tộc Pà Thẻn (Hà Giang) và nghi lễ Mừng lúa mới của dân tộc Ba na (Gia Lai) tại Hà Nội

Nhiều nét sinh hoạt cộng đồng như lễ cưới của Dân tộc Pà Thẻn (Huyện Quang Bình - Hà Giang) và nghi lễ Mừng lúa mới của dân tộc Ba na (Huyện Kbang – Gia Lai được tái hiện trong 'Tuần Đại đoàn kết các dân tộc- Di sản văn hóa Việt Nam 2020'.

Trong khuôn khổ Tuần “Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam” năm 2020 tại Làng Văn hóa, Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội), nhiều nét sinh hoạt văn hóa đặc sắc của cộng đồng các dân tộc được tái hiện. Mở đầu là lễ cưới Dân tộc Pà Thẻn, thôn My Bắc, xã Tân Bắc, huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang.

Trong khuôn khổ Tuần “Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam” năm 2020 tại Làng Văn hóa, Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội), nhiều nét sinh hoạt văn hóa đặc sắc của cộng đồng các dân tộc được tái hiện. Mở đầu là lễ cưới Dân tộc Pà Thẻn, thôn My Bắc, xã Tân Bắc, huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang.

Dân tộc Pà Thẻn là một trong nhóm 10 dân tộc đặc biệt ít người của nước ta. Cộng đồng dân tộc Pà Thẻn đã lưu giữ và phát huy được nhiều phong tục tập quán truyền thống rất độc đáo, riêng có của dân tộc mình như lễ nhảy lửa, nghề dệt thổ cẩm và đặc biệt là nghi lễ ngày cưới.

Đám cưới của người Pà Thẻn trải qua nhiều nghi lễ khác nhau, mỗi nghi lễ là một nét văn hóa rất độc đáo. Đây là nét đẹp truyền thống còn được gìn giữ nguyên bản trong đồng bào dân tộc Pà Thẻn tại Hà Giang.

Nam nữ người dân tộc Pà Thẻn khi đến tuổi trưởng thành được tự do yêu đương. Khi gia đình có con cái trưởng thành mà họ yêu nhau hoặc do mai mối, được cha mẹ đồng ý thì tiến hành làm đám cưới.

Lễ cưới của dân tộc Pà Thẻn (tỉnh Hà Giang) còn giữ được nét phong tục độc đáo của đồng bào. Đồng thời, một số nghi thức lạc hậu, tốn kém lãng phí dần được thay thế và bãi bỏ, điều đó góp phần tích cực trong giữ gìn, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Pà Thẻn.

Hành trang của cô dâu trước khi về nhà chồng

Sau phần lễ cưới, du khách cùng hòa chung vào phần hội với các tiết mục hát dân ca và những điệu múa độc đáo của đồng bào dân tộc Pà Thẻn tại "Ngôi Nhà chung" giúp du khách hiểu hơn về nét văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Pà Thẻn, cùng đồng hành, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của cộng đồng 54 dân tộc.

Cũng trong dịp này, đồng bào dân tộc Ba Na đến từ huyện K'bang, tỉnh Gia Lai đã tái hiện Nghi lễ Mừng lúa mới tại không gian Làng dân tộc II, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô - Sơn Tây - Hà Nội).

Quan niệm về thế giới tâm linh của người Ba Na ở huyện K'bang cũng như các tộc người là cư dân bản địa Tây Nguyên, người Ba Na ở K'bang còn chịu ảnh hưởng tín ngưỡng nguyên thủy; tín ngưỡng thờ phồn thực, vạn vật hữu linh.

Họ tin rằng xung quanh họ có rất nhiều vị thần mà họ gọi là yang và họ có một hệ thống những chuyện cổ giải thích các hiện tượng tín ngưỡng quanh mình. Trong những vị thần được biết đến theo tín ngưỡng của người Ba Na họ coi trọng vị thần đã nuôi nấng họ đó là Yang sri (thần lúa). Ngoài ra, mỗi cộng đồng còn có những vị thần riêng tùy thuộc vào các điều kiện tự nhiên trong vùng.

Lễ Mừng lúa mới với ý nghĩa để toàn thể dân làng cúng tạ ơn với yang, yang sri (thần lúa) đã giúp cho làng có được một vụ mùa bội thu, giúp cho dân làng có một năm mới no đủ. Đây cũng là một lễ hội lớn của vùng dân tộc Ba Na.

Khách du lịch trải nghiệm lễ hội cùng dân tộc Ba na

Sau phần Lễ tất cả buôn làng cùng du khách tham quan được hòa mình vào không gian văn hóa cồng chiêng để hiểu rõ hơn về nét văn hóa truyền thống của những người con người Tây Nguyên đang sinh sống tại “Ngôi nhà chung” của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam./.

Minh Khánh

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/tai-hien-le-cuoi-cua-dan-toc-pa-then-ha-giang-va-nghi-le-mung-lua-moi-cua-dan-toc-ba-na-gia-lai-tai-ha-noi-20201123065506316.htm