Tái hiện ca cảnh Ví, Giặm về chí sĩ Phan Bội Châu tại Nhật Bản
Chương trình nghệ thuật trong khuôn khổ 'Ngày Việt Nam tại Nhật Bản' đã tái hiện ca cảnh Ví, Giặm về tình bạn đẹp của chí sĩ Phan Bội Châu và bác sĩ Asaba Sakitaro.
Diễn ra tại Đại học Y khoa Kyushu, tỉnh Fukuoka, chương trình Ngày Việt Nam tại Nhật Bản 2023 được Bộ Ngoại giao Việt Nam tổ chức nhân dịp kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản (1973-2023).
Đêm biểu diễn nghệ thuật chủ đề Hương sắc Việt Nam là điểm nhấn đặc biệt của chương trình Ngày Việt Nam tại Nhật Bản năm 2023. Thông qua màn trình diễn các loại hình di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam, chương trình mang tới những câu chuyện về tình hữu nghị Việt – Nhật, đồng thời giới thiệu tới công chúng tại Nhật Bản vẻ đẹp độc đáo của 3 miền đất nước Việt Nam.
Với các tiết mục được dàn dựng chuyên nghiệp và bài bản, buổi biểu diễn đem tới một “bữa tiệc” nghệ thuật mãn nhãn. Qua đó, chương trình đã quảng bá thành công văn hóa, đất nước và con người Việt Nam với những nét đẹp truyền thống như ca Huế, múa Chăm, dân ca Ví, Giặm hay trình diễn áo dài xưa.
Để ca ngợi tình hữu nghị Việt - Nhật bền chặt, chương trình nghệ thuật cũng lồng ghép những câu chuyện lịch sử nổi tiếng như chuyện tình của Công chúa Ngọc Hoa và thương nhân Araki Sorato hay tình bạn đẹp giữa nhà chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu và bác sĩ Asaba Sakitaro.
Đảm nhận vai trò biên kịch và dàn dựng, đồng thời trực tiếp tham gia biểu diễn trong đêm nghệ thuật Hương sắc Việt Nam là nghệ sĩ Lê Thanh Phong. Anh cho biết, khi được Giám đốc sản xuất chương trình Yến Nguyễn giao trọng trách biên kịch và dàn dựng đã nghĩ ngay đến việc đưa những câu chuyện lịch sử có thật của Việt Nam và Nhật Bản vào.
Trong màn trình diễn áo dài cổ phục Vạn Thiên Y, đồng thời với việc tôn vinh áo dài trên nền nhạc cổ truyền cung đình Huế, nghệ sĩ Thanh Phong tái hiện câu chuyện Công chúa Ngọc Hoa được Chúa Nguyễn Phúc Nguyên gả cho thương nhân Nhật Bản Araki Sotaro vào thế kỷ 17. Ngày lên thuyền theo chồng, Công chúa đã mặc áo dài, đưa trang phục Việt đến Nhật từ thế kỷ 17.
Không chỉ vậy, Thanh Phong còn kết hợp ca Huế với màn trình diễn. Lúc chia tay Công chúa lên thuyền sang Nhật trong bộ áo dài cưới Nhật Bình đỏ, điệu Lý mười thương vang lên.
“Phần âm nhạc trình diễn cổ phục là âm nhạc cổ truyền thời Nguyễn, nhưng nối sang phần chia tay Công chúa phải có nét mới mẻ, hiện đại. Và nhạc sĩ Minh Đức đã thực hiện được một bản hòa âm, phối khí rất sáng tạo. Cùng với đó, giọng hát trẻ Hà Quỳnh Như góp phần không nhỏ trong việc tạo nên không gian chia ly đầy lưu luyến nhưng tự hào và hạnh phúc chứ không ủy mị. Khi bá quan văn võ triều đình cúi chào và Công chúa một lần nữa cúi chào nhân dân, giang sơn để rời đi trong tiếng nhạc Lý mười thương… tôi cảm nhận được sự xúc động của khán giả qua từng tràng vỗ tay”, nghệ sĩ Thanh Phong cho biết.
Video tiết mục tái hiện tình bạn đẹp giữa nhà chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu và bác sĩ Asaba Sakitaro:
Tiết mục thứ hai được Thanh Phong dàn dựng từ câu chuyện lịch sử là ca cảnh hát giao duyên Ví, Giặm về chí sĩ Phan Bội Châu – người đã khởi xướng phong trào cách mạng Đông Du kêu gọi thanh niên Việt Nam sang Nhật Bản học tập, chuẩn bị lực lượng chờ thời cơ giành lại độc lập. Đảm nhận vai cụ Phan Bội Châu chính là Thanh Phong, còn ca sĩ trẻ Hà Quỳnh Như nhập vai người vợ của cụ Phan, phần múa do Vũ đoàn Đông Đô thể hiện.
Thanh Phong cho biết: “Tôi nghĩ, người đàn ông có chí lớn chắc chắn phải có nhiều nền móng khác nhau. Với cụ Phan Bội Châu, những đêm hát phường vải nơi quê nhà Nam Đàn xứ Nghệ là một nền móng rất quan trọng trong việc nuôi dưỡng tâm hồn, tình cảm và khát vọng tự do, sẵn sàng xả thân vì nghĩa lớn. Tôi đã xin phép NSND Hồng Lựu để chắp bút thêm cho trích đoạn Đạp toang hai cánh càn khôn với tích xưa cụ Phan đi hát phường vải, làm đậm thêm chuyện tình cảm của cụ.
Trong dân ca xứ Nghệ, làn điệu Tứ hoa có thể giúp giãi bày nỗi lòng của người hát và tôi viết thêm đoạn Tứ hoa cho màn ca cảnh nhằm khắc họa sâu hơn tình cảm nhân vật. Tôi soạn lời từ những ý hay nhất trong thơ cụ Phan Bội Châu để có thể làm rõ nhất cái chất trong tâm hồn cụ”.
Nói về việc đưa lịch sử vào chương trình nghệ thuật, Lê Thanh Phong bày tỏ, đây là điều không hề dễ dàng bởi "làm sao để mình dung hòa được giữa lịch sử, thời gian có thật và cái bay bổng của nghệ thuật, huyền thoại hóa mà vẫn phù hợp với cuộc sống".
Video tái hiện chuyện tình của Công chúa Ngọc Hoa và thương nhân Araki Sorato:
Khép lại chương trình Hương sắc Việt Nam là tiết mục ca múa Bài ca hữu nghị Việt – Nhật với ca khúc do chính Lê Thanh Phong sáng tác. Bài hát được nhạc sĩ Minh Dương phối khí, có sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, đó là đàn bầu, sáo trúc với phần đọc Rap của rapper RamC.
Bà Vũ Chi Mai, Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Fukuoka chia sẻ sau đêm biểu diễn nghệ thuật: “Đối với cộng đồng người Việt Nam xa xứ, chúng tôi cảm thấy vô cùng xúc động khi được trải nghiệm một không gian hội tụ những nét tinh hoa văn hóa của người Việt”.