Tái dương tính COVID-19 rồi lại âm tính ngay: Không thể chủ quan!

Ngày 15/11, bệnh nhân 1.032 tái dương tính với COVID-19, trưa 16/11 lại có kết quả âm tính. Bác sĩ đã có những lý giải và khuyến cáo vẫn cần theo dõi sát sao, và đặc biệt không thể chủ quan, lơ là trong phòng chống Covid - 19.

Có 3 khả năng

Lý giải với PV Đời sống và Pháp luật lý do vì sao bệnh nhân 1.032 đã dương tính với virus SARS-CoV-2 nhưng lại có kết quả âm tính, bác sĩ Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Truyền nhiễm - Thần kinh (bệnh viện Nhi đồng I TPHCM) cho rằng, có 3 khả năng xảy ra đối với bệnh nhân này.

“Có thể bệnh nhân xuất hiện dương tính giả, tức là mẫu bệnh phẩm của người này bị nhiễm từ một mẫu chứng dương trong phòng thí nghiệm. Sau đó, mẫu bệnh được gửi sang một phòng xét nghiệm khác và trả về kết quả âm tính”, bác sĩ Khanh nhận định về khả năng đầu tiên.

Nói về khả năng thứ hai, ông Khanh cho rằng có thể do virus tái hoạt động lại: “Với khả năng này cần có những thông tin cụ thể hơn, từ đó mới khẳng định chắc chắn được. Nếu có, cần phải truy tìm nguồn lây và xác định đã lây cho ai chưa”.

Khả năng cuối cùng là người bệnh mới nhiễm virus trong thời gian gần đây. Tuy vậy, theo bác sĩ Khanh, muốn có kết quả chính xác và cụ thể nhất, vẫn cần đợi ít nhất trong vòng 72 giờ đồng hồ. Đồng thời, thông tin thêm với PV, bác sĩ cũng nói về việc cần theo dõi, xét nghiệm những trường hợp F1, F2.

“Những người tiếp xúc gần với bệnh nhân cũng cần được làm xét nghiệm, theo dõi, đánh giá và làm xét nghiệm lại nhiều lần. Cần theo dõi sức khỏe của những người đó sát sao cho tới khi có được kết quả chính xác của người bệnh”, bác sĩ Khanh nói.

Chúng ta không thể chủ quan, lơ là trước diễn biến phức tạp của COVID-19. Ảnh minh họa

Chúng ta không thể chủ quan, lơ là trước diễn biến phức tạp của COVID-19. Ảnh minh họa

Ngày 17/11, trao đổi với PV Đời sống và Pháp luật, trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. Hà Nội cho hay, kết quả điều tra sơ bộ xác minh 25 trường hợp tiếp xúc gần, trong đó có 3 người là: Bố, anh trai và bà nội của bệnh nhân. Đã lấy 1 mẫu bệnh phẩm của bà nội, hiện đang cách ly tại nhà, anh trai của bệnh nhân hiện đang công tác tại nước ngoài, bố của bệnh nhân đang ở bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 cùng bệnh nhân.

Tại bệnh viện Giao thông vận tải Hà Nội, xác định 20 trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân, đã lấy 17 mẫu xét nghiệm và tiến hành cách ly tại bệnh viện. Trong đó có 3 trường hợp ở xa, chưa đến kịp.

Tại quận Hà Đông có một người tiếp xúc gần là bạn gái của bệnh nhân, lấy mẫu xét nghiệm và được cách ly tại nhà. Ngoài ra, một số người là người quen tiếp xúc với bệnh nhân khoảng 30 phút trong bệnh viện ngày 14/11 tại quận Đống Đa cũng đang được cơ quan y tế liên hệ cách ly lấy mẫu xét nghiệm.

Đến 13h ngày 16/11, CDC Hà Nội đã tiến hành xét nghiệm cho các F1, có 20/56 mẫu bệnh âm tính, còn 36 mẫu đang chờ kết quả xét nghiệm.

Không được lơ là

Trước câu hỏi những người tái dương tính với COVID-19 có khả năng cao lây lan cho người khác không, bác sĩ Trương Hữu Khanh cho biết, điều này còn phụ thuộc vào biểu hiện của người bệnh.“Tuy nhiên dù là khả năng lây lan cao hay thấp thì cũng cần điều trị và theo dõi sát sao, không thể vì lây lan thấp hay có ít đe dọa mà lơ là, chủ quan”, bác sĩ Khanh nhấn mạnh.

Trong một phát biểu trước đó về các trường hợp tái dương tính, PGS.TS Phan Trọng Lân- Viện trưởng viện Pasteur TP.HCM - cho biết, các khảo sát tại Viện Pasteur TP.HCM khi tiến hành xét nghiệm phân lập virus cũng cho thấy những mẫu bệnh phẩm dương tính “yếu” đều không ghi nhận có virus sống sau nuôi cấy, nghĩa là không lây nhiễm hoặc khả năng lây nhiễm rất thấp. Điều này có ý nghĩa trong việc điều tra dịch tễ, truy vết, khoanh vùng xử lý kịp thời.

Trong trường hợp cần thiết, các xét nghiệm phân lập virus, giải trình tự toàn bộ gene, xét nghiệm huyết thanh học và miễn dịch học nên được xem xét chỉ định thực hiện để hỗ trợ cho việc biện luận kết quả, đánh giá diễn tiễn bệnh để có thể kết luận và đáp ứng kịp thời.

"Đến nay sự hiểu biết về COVID-19 của giới chuyên môn vẫn chưa đầy đủ, đặc biệt liên quan đến đột biến gene của virus. Để đảm bảo hạn chế, loại bỏ mầm bệnh trong cộng đồng, trong giai đoạn hiện nay đối với môi trường hợp tái dương tính đều cần phải xử lý như 1 ca bệnh dương tính"- Viện trưởng viện Pasteur TP.HCM Phan Trọng Lân nhấn mạnh.

Rõ ràng, trước sự việc này cũng như những diễn biến hết phức tạp của dịch bệnh COVID-19 trên thế giới, chúng ta phải “siết mạnh hơn, siết chặt hơn” các biện pháp phòng, chống dịch nếu có tư tưởng lơi lỏng, chủ quan thì rất nguy hiểm.

Tại cuộc họp ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 mới đây, trước khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới “không nên trông chờ vào vắc-xin COVID-19”, các chuyên gia đề nghị một mặt chúng ta đẩy nhanh quá trình nghiên cứu, hợp tác sản xuất vắc-xin, tiếp cận các nguồn cung cấp trên thế giới; mặt khác phải chủ động những biện pháp phòng chống dịch hiệu quả từ trước đến nay, đặc biệt ưu tiên ngăn chặn mầm bệnh xâm nhập, quản lý chặt chẽ công tác cách ly, giám sát y tế sau cách ly đối với người nhập cảnh. Các chuyên gia tiếp tục cảnh báo ở trong nước không chỉ người dân mới có tâm lý chủ quan, lơ là.

Tinh thần chung là chúng ta không nên trông chờ quá nhiều vào vắc-xin, phải triển khai các hoạt động phòng, chống dịch như đã làm trước đó. "Dĩ bất biến, ứng vạn biến" phải giữ vững các nguyên tắc, quan điểm; tăng cường ngăn chặn, phòng chống dịch, không được lơ là.

Đến giờ phút này công tác chuẩn bị vật tư, trang thiết bị, thuốc men, tập huấn cho công tác phòng chống dịch đã được làm tốt, nhưng điều đáng lo ngại nhất là thời gian chúng ta hiện nay chưa có ca bệnh trong cộng đồng dẫn đến tâm lý chủ quan, vì vậy, biện pháp lớn nhất là phải siết chặt lại các biện pháp phòng chống dịch.

Lê Trà

Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số thứ Tư (185)

Nguồn ĐS&PL: https://doisongphapluat.com/tin-tuc/tin-trong-nuoc/tai-duong-tinh-covid-19-roi-lai-am-tinh-ngay-khong-the-chu-quan-a346393.html