Tái diễn tình trạng xe quá tải – cần quy trách nhiệm cụ thể

Những 'cỗ máy phá đường' lại hoành hành, người tham gia giao thông thì bất an lo sợ mỗi khi những xe ô tô quá khổ, quá tải tung hoành trên các tuyến đường.

Hai xe tải cố tình đi trái đường để tránh trạm cân điện tử đầu đường 513 qua xã Mai Lâm (Tĩnh Gia).

Tình trạng xe ô tô tải tôn thùng cao, vận tải hàng hóa, vật liệu xây dựng nặng gấp nhiều lần tải trọng cho phép từng trở thành vấn đề gây nhức nhối trong xã hội. Khi lực lượng chức năng của các ngành giao thông – vận tải và công an cùng phối hợp vào cuộc mạnh tay, hàng nghìn thùng xe ở Thanh Hóa bị cắt hạ thấp, tải trọng được đưa về đúng quy định, lập lại trật tự. Tuy nhiên, sau vài năm vào quy củ, khi lực lượng chức năng có phần lơ là thì vấn nạn tôn thùng, quá tải lại tái diễn một cách công khai, nhanh chóng.

Chiều cao thành thùng của từng chủng loại xe ô tô tải đã được quy định cụ thể tại “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 09: 2011-BGTVT” và “Thông tư 42/2014/TT-BGTVT” của Bộ Giao thông – Vận tải, song đa phần các loại xe tải lớn hiện nay không được tôn thùng cao quá 1,5 m, nhiều loại xe tải trung bình và nhỏ không được cao quá từ 0,5 đến 1,1 m. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều chủ xe tải còn hàn thêm phần thùng phía trên, có khi cao gần 2m để chở được nhiều hàng. Những xe có thùng cao quá kích thước cho phép thường của các công ty vận tải “tên tuổi”, được cho là có “quan hệ” (...). Trên thùng của rất nhiều xe, còn nguyên dấu vết ngăn cách giữa thùng cũ với đoạn thùng mới được hàn thêm để tôn cao. Đáng nói, những doanh nghiệp vận tải lớn này lại có tới hàng chục, thậm chí cả trăm xe gắn lô – gô, tung hoành phá đường khắp nơi.

Để có thêm những hình ảnh về tình trạng vi phạm này, chúng tôi vừa có các chuyến khảo sát ở các tuyến đường lớn trên địa bàn tỉnh. Trên tuyến Quốc lộ 45, đoạn từ TP Thanh Hóa đến thị trấn Vạn Hà (Thiệu Hóa), chỉ cần đứng tại một điểm cố định trong khoảng 10 phút, có thể ghi nhận 4 – 5 trường hợp xe ô tô tải cơi nới thùng, chở hàng quá tải vẫn phóng ầm ầm như chốn không người. Tại khúc cua thuộc thôn 1, xã Đông Thanh (Đông Sơn), xe “hổ vồ” biển kiểm soát 36C 125.48 chở hàng nặng nhưng vẫn phóng với tốc độ “thần chết” để vào điểm cua khiến người điều khiển xe mô tô gần đó một phen khiếp sợ. Xe tải biển kiểm soát 36C 173.87 chở vật liệu xây dựng tại xã Đông Tiến (Đông Sơn) tuy dấu tích cắt thùng trước đây vẫn còn, nhưng chủ xe lại cơi nới thêm tấm ván bên hông khiến thùng cao khoảng 2m. Đoạn đường từ đầu cầu Vạn Hà đến Nga ba Chè, xã Thiệu Đô (Thiệu Hóa), rất nhiều xe tải cỡ lớn chở cát nặng lưu thông. Quan sát mặt Quốc lộ 45 qua đoạn đường gần 1 km này, phía đường xe chạy hướng từ TP Thanh Hóa lên (thường xe không chở hàng) đường vẫn bình thường, nhưng phía đường xe tải thường chạy từ Vạn Hà về xuôi, đường bị hằn lún vệt bánh xe nhiều đoạn do có nhiều xe chở cát quá tải chạy qua.

Trên tuyến đê hữu sông Chu chạy qua các huyện Thiệu Hóa và Thọ Xuân, vẫn còn tình trạng xe ô tô chở cát quá tải trọng 12 tấn theo quy định chạy trên đê. Đầu đường lên của nhiều đoạn đê đã có các khung khống chế tải trọng nhưng nhiều “thế lực ngầm” vẫn lén lút bẻ cong hoặc dỡ các thanh giới hạn chiều cao để các xe quá tải lưu thông. Tại khu vực giáp ranh giữa xã Xuân Khánh (Thọ Xuân) và Thiệu Toán (Thiệu Hóa), một khung tải trọng khống chế kích thước xe tải xuống một bãi tập kết cát khổng lồ còn bị phá hủy hoàn toàn, các cột đứng giới hạn chiều rộng xe bị bẻ gẫy, quăng quật ra phía gần chân đê. Tình trạng ô tô chở cát quá tải vẫn còn lén lút hoạt động trên tuyến đê này khiến nhiều đoạn đê bị ảnh hưởng không nhỏ. Chỉ cách đầu cầu Thiệu Hóa khoảng 500m, đoạn mặt đê hữu sông Chu (mới được kiên cố, sửa chữa cách đây vài năm) qua xã Thiệu Đô (Thiệu Hóa) đã xuất hiện nhiều vết nứt, hằn lún trên mặt đê. Đoạn đê giáp ranh giữa xã Thiệu Đô và Thiệu Vận (Thiệu Hóa), mặt đê dày tới hơn 20 cm mà vẫn bị vỡ từng mảng, khiến các cơ quan chức năng đang phải điều máy xúc bóc lên để làm lại. Đoạn mặt đê từ K 24+500 đến K 24+700 qua xã Thọ Nguyên (Thọ Xuân) đã vỡ vụn tan nát, hình thành nhiều ổ gà, ổ trâu khiến đường đê trở nên mấp mô, gập ghềnh. Đoạn đê qua các thôn 5, 6 và 7 của xã Xuân Thành (Thọ Xuân) cũng xuống cấp nghiêm trọng, người dân phải đổ các đống thải vật liệu xây dựng vào các hố lún nhằm giảm thiểu tai nạn cho người và phương tiện qua đây...

Ngay tại TP Thanh Hóa, xe tải cơi nới thùng chủ yếu là chở vật liệu xây dựng, đất đá vẫn cứ vô tư đi lại trên nhiều tuyến phố, nhất là tuyến Đại lộ Lê Lợi đoạn phía Đông cầu Đông Hương ngay những giờ cao điểm. Tại ngã tư đèn tín hiệu giao thông Phú Sơn, mật độ các phương tiện quá tải này càng lớn vào thời điểm tối và đêm. Có mặt tại đây khoảng 21 giờ, nhiều xe tải chở hàng hóa được phủ kín thùng từ các huyện miền núi vẫn nườm nượp về xuôi. Những chiếc xe thùng bị tôn cao hơn 1m, rú ga è bánh để vượt qua ngã tư vì chở quá nặng.

Nhức nhối nhất có lẽ là tại Khu Kinh tế Nghi Sơn với hàng trăm lượt xe cơi nới thùng cao, chở quá tải trọng vẫn ngày đêm nườm nượp lưu thông. Khoảng 2 giờ đồng hồ tác nghiệp trên các tuyến đường huyết mạch, như: Đường 513; đầu đường Nghi Sơn – Bãi Trành đoạn từ cầu Hổ đến xã Tân Trường... chúng tôi bắt gặp khoảng 50 lượt xe tải chở nặng lưu thông, khoảng 2/3 trong số đó bị cơi nới thùng cao từ 1,5 đến gần 2m. Bề mặt của các tuyến đường giao thông này đã không còn nguyên vẹn bởi những xe “hổ vồ”, xe tải lớn cày xới liên tục.

Được biết, từ ngày 3–11-2017, Trạm Kiểm tra tải trọng xe lưu động (trạm cân điện tử) của Thanh tra Sở Giao thông - Vận tải Thanh Hóa đã được thiết lập trở lại tại đầu đường 513 thuộc xã Mai Lâm để kiềm chế hoạt động của các xe quá khổ, quá tải. Tuy nhiên, trên thực tế, việc hoạt động của trạm cân này còn gặp nhiều khó khăn. Ông Trịnh Ngọc Châu, tổ trưởng tổ thanh tra giao thông phụ trách trạm cân này chia sẻ: Lực lượng cắm chốt tại đây rất mỏng, trong khi chỉ một thanh tra viên của mỗi ca trực được phép dừng xe. Tài xế của các hãng xe tải lớn nhiều khi không hợp tác, đưa ra đủ lý do để không xuất trình các giấy tờ liên quan... Có trường hợp, chúng tôi dừng xe, yêu cầu lái xe làm các thủ tục và đưa xe vào cân tải trọng thì cả chục đối tượng lạ mặt kéo đến đứng xung quanh gây áp lực. Đáng nói, từ khi trạm cân điện tử được đặt tại đường 513, nhiều xe quá tải trọng đã vòng qua các con đường khác ra Quốc lộ 1A để tránh trạm cân...

Vấn nạn cơi nới thùng, chở quá tải đã và đang trở lại. Những cung đường đang oằn mình chống lại sức nặng hàng chục tấn từ những “cỗ máy phá đường”. Sự an toàn tính mạng của người tham gia giao thông bị đe dọa. Để giải bài toán này, cần quy trách nhiệm cụ thể cho từng địa phương, từng sở, ngành, lực lượng chức năng.

. Bài và ảnh: Nhóm PV Kinh tế

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/vn/kinh-te/n178263/tai-dien-tinh-trang-xe-qua-tai-%E2%80%93-can-quy-trach-nhiem-cu-the