Tái diễn tình trạng dụ dỗ trẻ em bỏ học đi lao động trái phép ở Đác Lắc

Sau Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018 đến nay, trên địa bàn tỉnh Đác Lắc lại tái diễn tình trạng các đối tượng môi giới lao động lợi dụng vào sự thiếu hiểu biết và hoàn cảnh kinh tế khó khăn của một bộ phận nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) vùng sâu, vùng xa để dụ dỗ trẻ em bỏ học đi lao động trái phép ở các tỉnh, thành phố phía nam. Điều đáng buồn là vì điều kiện kinh tế khó khăn nên nhiều gia đình chấp nhận cho con em mình đi làm khi chưa đủ tuổi thành niên.

Các ngành chức năng cũa xã Ea Đáh, huyện Krông Năng tuyên truyền, vận động người dân thôn Giang Đông không cho con em mình bỏ học đi lao động trái pháp luật.

Những ngày gần đây, đồng bào dân tộc ở thôn Giang Đông, xã Ea Đáh, huyện Krông Năng, tỉnh Đác Lắc hết sức hoang mang và truyền tai nhau chuyện năm đứa trẻ dân tộc Mông bị hai người phụ nữ lạ mặt đến dụ dỗ đưa vào TP Hồ Chí Minh rồi mất liên lạc.

Theo người dân địa phương, sự việc xảy ra vào sáng ngày 21-2, có hai người phụ nữ lạ mặt tên là Quyên và Thảo ở huyện Ea Kar, tỉnh Đác Lắc đến nhà ông Vàng A Chống ở thôn Giang Đông, xã Ea Đáh để nhờ con gái ông là cháu Vàng Thị Mái, 13 tuổi tìm giúp một số trẻ em hơn 10 tuổi để đưa xuống TP Hồ Chí Minh học may mặc và làm việc với mức lương cao. Sau đó, cháu Mái đã dẫn hai người phụ nữ này đến gia đình em Vàng Thị Sông (12 tuổi), Hờ A Giang (14 tuổi), Hờ Thị La (14 tuổi) và Sùng Thị Dủa (13 tuổi) để giới thiệu.

Tại đây, hai người phụ nữ trên giới thiệu công ty của mình ở TP Hồ Chí Minh đang cần một số trẻ em hơn 10 tuổi để đưa đi học may mặc và làm việc, mọi chi phí ăn ở công ty sẽ chịu hoàn toàn. Đến khoảng 12 giờ ngày 21-2, hai người phụ nữ trên đã đưa cháu Vàng Thị Sông, Hờ A Giang và Vàng Thị Mái đi trước. Sau đó, đến sáng 24-2, ông Hờ A Chu đã chở con gái là Hờ Thị La và cháu Sùng Thị Dủa đi gặp bà Quyên và Thảo để đưa vào TP Hồ Chí Minh học may mặc và làm việc để kiếm tiền phụ giúp gia đình.

Những ngày sau đó, chuyện năm đứa trẻ bị hai người phụ nữ lạ mặt dụ dỗ đưa đi lao động ở TP Hồ Chí Minh lan truyền nhanh chóng khiến người dân trong thôn Giang Đông hết sức hoang mang. Đến sáng 1-3, người nhà của em Hờ Thị La đã liên lạc được với con mình và được biết, cả năm em đang học và làm việc trong một xưởng may ở quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh với mức lương hai triệu đồng/tháng/em. Em này cũng cho biết, cứ vận động được một trẻ em vào đây làm việc là hai người phụ nữ trên được chủ cơ sở may trả cho 500 nghìn đồng.

Ông Hờ A Chu, bố của em Hờ Thị La ở thôn Giang Đông, xã Ea Đáh, huyện Krông Năng cho biết: “Cháu Hờ Thị La đã bỏ học ở nhà, hoàn cảnh gia đình lại hết sức khó khăn. Thêm vào đó, năm nay cháu mới 14 tuổi nếu không đi học hay đi làm ở nhà sẽ lấy chồng sớm. Vì vậy, khi được những người phụ nữ lạ mặt đến vận động cho cháu đi làm tôi đã đồng ý, vì cháu đi làm việc vừa có tiền phụ giúp gia đình, vừa có người quản lý để cho cháu đủ tuổi mới về lấy chồng”. Thế nhưng, khi chúng tôi hỏi: Ông có biết cháu vào làm việc ở đâu và điều kiện, ăn, ở, sinh hoạt, làm việc như thế nào không thì ông Chu lắc đầu nói không biết.

Trao đổi với chúng tôi, Chủ tịch UBND huyện Krông Năng Trương Hoài Anh cho biết: Ngay sau khi nắm bắt thông tin có năm trẻ em ở xã Ea Đáh bị dụ dỗ bỏ học đi lao động trái phép, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện phối hợp với các ngành chức năng của huyện và UBND xã Ea Đáh vào thôn Giang Đông tìm hiểu hoàn cảnh cụ thể từng em, đồng thời tuyên truyền, vận động người dân không để con em mình bỏ học đi lao động sớm mà nên vận động các cháu trở lại trường học chữ. Đối với các gia đình đã cho con em mình đi lao động thì tích cực liên lạc vận động các em trở về nhà để tiếp tục đến trường.

Người dân thôn Giang Đông, xã Ea Đáh kể với phóng viên về các trường hợp môi giới lao động đến dụ dỗ trẻ em bỏ học đi lao động trái phép.

Bên cạnh đó, UBND huyện Krông Năng cũng đã ban hành văn bản cảnh báo ngăn ngừa tình trạng lừa đảo, cưỡng bức lao động trái pháp luật gửi đến UBND các xã, thị trấn trong huyện. Theo đó, UBND huyện đề nghị UBND các xã, thị trấn đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền cho người lao động và người sử dụng lao động về nghĩa vụ, quyền lợi theo Bộ luật Lao động và các quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, các địa phương cần chú trọng kiểm tra hồ sơ, thủ tục hành chính của các tổ chức, cá nhân đến tư vấn, tuyển dụng lao động tại địa phương bảo đảm theo đúng quy định của pháp luật còn nếu phát hiện trường hợp nào vi phạm thì xử lý ngay hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Đồng thời, rà soát toàn bộ lao động của địa phương đi làm việc tại các địa phương khác, nếu phát hiện trẻ em bỏ học đi lao động ở địa phương khác thì kịp thời báo ngay cho địa phương nơi đến để kịp thời phối hợp với gia đình và cơ quan chức năng vào cuộc xác minh, có giải pháp ngăn chặn triệt để tình trạng trẻ em bị dụ dỗ đi lao động trái pháp luật.

Tình trạng các đối tượng môi giới lao động lợi dụng địa bàn các huyện, xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS của tỉnh Đác Lắc để dụ dỗ các em học sinh vị thành niên bỏ học đi lao động trái phép ở TP Hồ Chí Minh diễn ra nhiều năm nay. Mặc dù ngành lao động, thương binh và xã hội phối hợp với chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể tuyên truyền, vận động, giải thích, thậm chí xử lý những sai phạm về pháp luật trong tuyển dụng lao động trẻ em nhưng vẫn không ngăn chặn được tình trạng này. Vì vậy, ngay những ngày đầu năm mới Mậu Tuất 2018, tại thôn Giang Đông, xã vùng sâu Ea Đáh, huyện Krông Năng lại tái diễn tình trạng này và các đối tượng môi giới đã dụ dỗ được năm em từ 12 đến 14 tuổi bỏ học đi lao động ở TP Hồ Chí Minh. Đa số các em đều có hoàn cảnh gia đình khó khăn, hộ nghèo và đồng bào DTTS.

Theo thống kê của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Đác Lắc, đến cuối năm 2017, trên địa bàn toàn tỉnh có 205 trẻ em trong độ tuổi 13 đến 16 bỏ học đi lao động sớm tại TP Hồ Chí Minh và Bình Dương. Phần lớn các em là con em hộ nghèo, hộ cận nghèo và đồng bào DTTS ở các huyện vùng sâu, vùng xa trong tỉnh như huyện Krông Bông, Krông Năng, Krông Pắc, Cư Kuin, Cư M’gar, Ea Kar và Lắc...

Trưởng Phòng Bảo vệ, chăm sóc trẻ em và Bình đẳng giới, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Đác Lắc Nguyễn Duy Tuyết cho biết: Ngay sau khi phát hiện tái diễn tình trạng các môi giới lao động đến dụ dỗ trẻ em bỏ học đi lao động trái pháp luật trong những ngày sau Tết Nguyên đán Mậu Tuất tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã tham mưu cho UBND tỉnh có văn bản chỉ đạo các cấp, các ngành và các địa phương trong tỉnh tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức và trách nhiệm của gia đình, nhà trường và toàn xã hội về công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, nhất là ở các vùng điều kiện kinh tế-xã hội còn gặp nhiều khó khăn, vùng đồng bào DTTS.

Bên cạnh đó, hướng dẫn người dân nhận biết thủ đoạn của các đối tượng môi giới dụ dỗ trẻ em để cảnh giác và tố giác hành vi vi phạm pháp luật này với các cơ quan chức năng; đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát việc bảo vệ, chăm sóc trẻ em tại cơ sở, cộng đồng dân cư để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi môi giới dụ dỗ trẻ em đi lao động trái phép. Các địa phương trong tỉnh cần thường xuyên rà soát, thống kê số lượng trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em có nguy cơ bỏ học đi lao động sớm để có biện pháp hỗ trợ phù hợp, tạo điều kiện cho các em tiếp tục đến trường... nhằm ngăn chặn triệt để tình trạng này.

Bài và ảnh: NGUYỄN CÔNG LÝ

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/35740402-tai-dien-tinh-trang-du-do-tre-em-bo-hoc-di-lao-dong-trai-phep-o-dac-lac.html