Tái đầu tư để nâng chất lượng dịch vụ

Tăng cường hoạt động hấp dẫn, nâng cao chất lượng dịch vụ... là điều kiện cơ bản để tăng sức hút cho các điểm đến văn hóa - lịch sử, di tích, danh lam thắng cảnh của Hà Nội. Để đạt được điều này, bên cạnh sự cố gắng của đội ngũ làm công tác chuyên môn, việc tăng phí tham quan nhằm tạo nguồn lực tái đầu tư là một giải pháp tất yếu.

Du khách tham quan Di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám (quận Đống Đa). Ảnh: Nguyễn Quang

Phí tham quan vẫn ở mức thấp

Được mệnh danh là “Thủ đô di sản”, Hà Nội đang dẫn đầu cả nước về số lượng di tích, danh lam thắng cảnh được kiểm kê (gần 6.000 di tích), trong đó có nhiều điểm đến văn hóa - lịch sử đặc biệt nổi tiếng, như: Khu di sản Hoàng thành Thăng Long, Khu di tích thành Cổ Loa, di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, di tích lịch sử và quần thể danh lam thắng cảnh Hương Sơn (huyện Mỹ Đức), cụm di tích Thăng Long tứ trấn... Khai thác hiệu quả các điểm đến này không chỉ giúp tạo nguồn lực bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị di sản, mà còn góp phần tôn vinh, quảng bá Thủ đô Hà Nội. Tuy nhiên, trên thực tế, nguồn lực chính để vận hành bộ máy đến từ phí tham quan tại nhiều điểm đến, vẫn còn ở mức thấp, khiến không ít nơi gặp khó trong việc tái đầu tư cho các hoạt động tăng sức hút.

Theo Trưởng ban Quản lý di tích danh thắng Hương Sơn Nguyễn Bá Hiển, mức phí 80 nghìn đồng/người cho toàn bộ 21 điểm tham quan thuộc quần thể di tích là khá hạn hẹp so với mức đầu tư xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng bến bãi, nạo vét khơi dòng suối Yến, vệ sinh môi trường... hằng năm. “So với nhiều điểm đến di sản khác trên cả nước, như quần thể di tích Cố đô Huế có mức 50-200 nghìn đồng/người/điểm và tổng tuyến là 580 nghìn đồng/người, càng thấy mức phí tại di tích danh thắng Hương Sơn còn thấp”, ông Nguyễn Bá Hiển cho hay.

Tương tự, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội Trần Việt Anh cho biết, cả hai điểm di sản thuộc trung tâm quản lý là Khu di tích thành Cổ Loa và Khu di sản Hoàng thành Thăng Long đều đang niêm yết mức phí tham quan thấp, lần lượt là 10 nghìn đồng và 30 nghìn đồng/du khách. Mức phí này mới chỉ đáp ứng được khoảng 30% chi phí vận hành bộ máy, trong khi cả hai điểm đến đều phải đầu tư nhiều cho công tác bảo tồn, tôn tạo.

Ông Nguyễn Anh Dũng (ngõ 145, Cổ Nhuế, quận Bắc Từ Liêm) chia sẻ, phí tham quan tại nhiều điểm đến văn hóa - lịch sử của Hà Nội được duy trì nhiều năm, không còn phù hợp với thời điểm hiện tại. Mặt khác, phí tham quan là nguồn lực nâng cao chất lượng hoạt động, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của người dân nên cần được cải thiện.

Di tích Nhà tù Hỏa Lò đẩy mạnh hoạt động quảng bá điểm đến để thu hút khách tham quan.

Bảo đảm mang lại chất lượng tương xứng

Từ thực tế khó khăn trên, trong phiên họp toàn thể tại hội trường sáng 12-6, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận về Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội. Đa số ý kiến các đại biểu Quốc hội phát biểu tại hội trường cho rằng, Nghị quyết được thông qua sẽ góp phần tăng nguồn lực, quyền chủ động trong việc quyết định, sử dụng ngân sách để thực hiện các mục tiêu phát triển Thủ đô trong điều kiện mới. Một trong những nội dung đó là đề xuất cho HĐND thành phố Hà Nội quyết định tăng mức hoặc tỷ lệ thu phí đối với các loại phí được quy định trong danh mục phí ban hành kèm theo Luật Phí và lệ phí, như: Phí tham quan danh lam thắng cảnh; di tích lịch sử - văn hóa...

Đồng tình với việc tăng phí tham quan sẽ “tiếp sức” cho điểm đến di sản, Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Trần Đình Thành cho rằng, việc thu phí phải bảo đảm tính công khai, minh bạch và phải phục vụ cho việc bảo tồn và phát huy giá trị của di tích, tái đầu tư nâng cao chất lượng dịch vụ.

Theo Tiến sĩ Trịnh Hòa Bình, nguyên Giám đốc Trung tâm Điều tra dư luận xã hội, Viện Xã hội học (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), việc có cơ chế đặc thù cho Hà Nội là điều cần thiết để có những chính sách phù hợp với điều kiện và sự phát triển của Thủ đô. Đây vừa là cơ hội, vừa là thách thức, làm sao để việc tăng phí bảo đảm mang lại chất lượng tương xứng.

Trước cơ hội cũng là thử thách mới, nhiều điểm đến lịch sử - văn hóa đã lên kế hoạch cải thiện cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng dịch vụ... Trưởng ban Quản lý di tích - danh thắng Hà Nội (Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội) Nguyễn Doãn Văn cho biết, nhiều điểm đến di sản có thể mở cửa sớm, đóng cửa muộn hơn so với hiện nay, đáp ứng nhu cầu vãn cảnh của du khách. Đặc biệt, chất lượng dịch vụ cũng phải tăng lên; các sản phẩm du lịch ngày càng đa dạng giúp du khách có nhiều lựa chọn khi đến với di sản.

Theo Phó Trưởng ban Quản lý di tích Nhà tù Hỏa Lò Đặng Văn Biểu, Ban Quản lý đang phối hợp với các công ty lữ hành, xây dựng nhiều tour tuyến hấp dẫn. Trước mắt, trong tháng 7-2020 này sẽ thực hiện tour tham quan về đêm, phục vụ đa dạng đối tượng công chúng cũng như mang đến những trải nghiệm mới mẻ cho du khách.

Nguyễn Thanh

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/du-lich/970018/tai-dau-tu-de-nang-chat-luong-dich-vu