Tái đàn lợn sau dịch: Thận trọng, không nóng vội

Mặc dù đến thời điểm này, dịch tả lợn châu Phi tại huyện Tiên Yên đã cơ bản được khống chế, nhưng để tái đàn lợn thì địa phương vẫn đang làm từng bước rất thận trọng.

Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc Tiên Yên vẫn thận trọng đối với việc tái đàn lợn sau dịch, đó là, đặc điểm chăn nuôi lợn của các hộ trên địa bàn huyện chủ yếu là quy mô nhỏ lẻ, phân tán, việc áp dụng các biện pháp an toàn sinh học khó khăn, ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch.

Chính vì vậy huyện Tiên Yên xác định; công tác tuyên truyền để thay đổi cách nuôi của người dân là việc làm quan trọng, tránh dịch bệnh lây lan khi tiến hành tái đàn.

Huyện Tiên Yên hỗ trợ người dân trong việc chôn lợn bị dịch tả lợn châu Phi trong đợt cao điểm năm 2019.

Huyện Tiên Yên hỗ trợ người dân trong việc chôn lợn bị dịch tả lợn châu Phi trong đợt cao điểm năm 2019.

Để công tác tuyên truyền được tốt, huyện Tiên Yên đã yêu cầu các xã, thị trấn hướng dẫn bà con các quy trình khử trùng khu vực chăn nuôi theo đúng hướng dẫn của Bộ NN&PTNT. Đặc biệt, trong quá trình chờ đợi tái đàn lợn thì hạn chế thấp nhất việc nuôi vật nuôi khác tại khu vực đã tiến hành khử trùng, để đảm bảo việc vệ sinh sạch sẽ, không ẩm thấp...

Theo ông Đoàn Văn Tuyến, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tiên Yên thì người dân cũng rất mong mỏi sớm được tái đàn lợn sau dịch, song chúng tôi cũng tuyên truyền cho mọi người không được nóng vội và làm một cách thận trọng, chờ cơ hội thích hợp.

Cán bộ Phòng NN&PTNT Tiên Yên cân, kiểm đếm lợn chết do dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn huyện.

Trước khi dịch tả lợn châu Phi xuất hiện, xã Đồng Rui là một trong những địa phương của huyện Tiên Yên có số đàn lợn khá cao, tuy nhiên đến thời điểm này, theo thống kê của xã chỉ còn gần 400 con và được nuôi nhỏ lẻ, có hộ gia đình chỉ còn 1 hoặc 2 con.

Gia đình bà Hoàng Thị Mùi (thôn Trung, xã Đồng Rui) trước kia là một trong những hộ nuôi nhiều lợn thịt để bán. Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay do bệnh dịch còn diễn biến phức tạp và được sự tuyên truyền của các cơ quan chức năng huyện, nên bà Mùi vẫn chưa dám tái đàn.

Bà Mùi chia sẻ: Có rất nhiều người đến chào bán lợn giống, nhưng chúng tôi chưa dám đầu tư vì lo sợ dịch sẽ bùng phát, gây thiệt hại kinh tế rất cao. Chúng tôi đang mong chờ dịch bệnh sớm chấm dứt hoàn toàn để bắt tay vào tái đàn, phát triển kinh tế, chứ mãi như thế này thì khó khăn lắm.

Bà Hoàng Thị Mùi, thôn Trung, xã Đồng Rui đang vệ sinh chuồng lợn của gia đình.

Hiện tại, huyện Tiên Yên cũng đã chủ động khuyến cáo người dân nếu muốn nuôi lợn thì nên thận trọng chọn giống lợn có nguồn gốc, xuất xứ, chứ không nên sử dụng giống trôi nổi trên thị trường. Cung cấp mọi thông tin đầy đủ về con lợn cho cán bộ Phòng NN&PTNT để nắm bắt được nguồn gốc, từ đó để có cách điều trị và khoanh vùng nếu dịch bệnh xảy ra.

Để tái đàn lợn sau dịch, huyện Tiên Yên cũng như nhiều địa phương khác trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đang làm hết sức mình. Tuy nhiên, để chấm dứt dịch hoàn toàn thì ngoài sự vào cuộc của cơ quan chức năng, thì người chăn nuôi cũng nên chủ động chấp hành nghiêm các quy định về đảm bảo vệ sinh chuồng trại, chọn giống... để khi tái đàn sẽ đem lại sự ổn định và hiệu quả kinh tế cao hơn.

Nguyễn Duy

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/kinh-te/202006/tai-dan-lon-sau-dich-than-trong-khong-nong-voi-2486500/