Tái cơ cấu toàn diện thu hút doanh nghiệp lớn

Tái canh cà phê, cơ cấu lại cây cao su, thu hút doanh nghiệp vào phát triển thủy sản, chăn nuôi… được Sơn La đặt trọng tâm trong chiến lược nông nghiệp đến năm 2025.

Về cây công nghiệp, hiện Sơn La có khoảng trên 20.000ha cây cà phê. Trải qua quá trình phát triển từ lâu đời, cây cà phê Arabica (cà phê chè) tại Sơn La hiện nay đang có biểu hiện thoái hóa về giống, giảm năng suất và ảnh hưởng tới chất lượng sản phẩm.

 Sơn La sẽ phối hợp với Bộ NN-PTNT triển khai tái canh cây cà phê trong thời gian tới. Ảnh: Lê Bền.

Sơn La sẽ phối hợp với Bộ NN-PTNT triển khai tái canh cây cà phê trong thời gian tới. Ảnh: Lê Bền.

Mặc dù chất lượng cà phê chè Sơn La vẫn mang chất lượng tốt, có tính đặc trưng riêng, được thị trường đánh giá cao. Tuy nhiên, việc nghiên cứu, cải tạo để có giống cà phê chè mới có năng suất cao, chất lượng tốt hơn nhằm tăng thu nhập cho người trồng, tăng khả năng cạnh tranh của cây cà phê tại Sơn La so với các cây trồng khác đang là yêu cầu hết sức cấp thiết.

Vì vậy, UBND tỉnh Sơn La đã đề nghị Bộ NN-PTNT nghiên cứu, chọn tạo giống cà phê chè mới, đồng thời hỗ trợ về kỹ thuật, nguồn lực để Sơn La sớm triển khai chương trình tái canh cà phê trên toàn tỉnh. Theo nghị quyết về phát triển nông nghiệp Sơn La đến năm 2025, tỉnh này cũng đã thông qua một đề án riêng nhằm ưu tiên giành nguồn lực, chính sách tái canh cây cà phê.

Bên cạnh đó, công nghiệp chế biến cà phê của Sơn La hiện nay cũng đang là vấn đề lớn, liên quan tới cả vấn đề môi trường và chế biến sâu theo chuỗi giá trị, chứ không chỉ dừng lại ở chế biến cà phê nhân để xuất khẩu.

Với cây cây cao su, hiện toàn tỉnh có diện tích khoảng 5.800ha. Trong đó, hiện đã có 40% diện tích cao su đã cho sản lượng mủ khá tốt (trên 1 tấn/ha), có thể tiếp tục ổn định phát triển; 30% cho sản lượng mủ dưới 1 tấn/ha và 30% diện tích hiện tại chưa cho mủ.

Theo UBND tỉnh Sơn La, Chính phủ cũng đã có văn bản đề nghị Sơn La có báo cáo chi tiết về tình hình, thực trạng cây cao su trên địa bàn tỉnh để có phương án, nếu cần thiết phải cơ cấu lại sản xuất.

Sơn La đề nghị cơ cấu lại để có giải pháp cho các diện tích cao su cho năng suất mủ kém. Ảnh: Lê Bền.

UBND tỉnh Sơn La cũng đã làm việc với HĐQT và các thành viên của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam để tính toán các phương án xử lí đối với cây cao su hiện nay trên địa bàn tỉnh. Trên cơ sở tái cơ cấu lại cây cao su, định hướng đến năm 2025, tỉnh Sơn La sẽ duy trì ổn định tổng diện tích cao su khoảng 5.000 ha.

Về thủy sản, Sơn La đang tập trung phát triển khá mạnh ở lòng hồ Thủy điện Sơn La, diện tích nuôi thủy sản toàn tỉnh hiện đạt trên 2.700ha. UBND tỉnh Sơn La cho biết hiện nay, Tập đoàn Mavin đang rất quan tâm tới tiềm năng của Sơn La đối với một số lĩnh vực, trong đó có phát triển thủy sản lòng hồ.

Mavin đang xin phép Sơn La để đầu tư khu phức hợp nông nghiệp tại huyện Vân Hồ với diện tích khoảng 350ha. Tại khu phức hợp này, Mavin có kế hoạch sẽ xây dựng một số hạng mục lớn như: Khu trang trại chăn nuôi lợn công nghệ cao của Australia với quy mô đàn khoảng 150.000 con; khu chăn nuôi gia cầm quy mô lớn; khu nhà máy chế biến phân bón vi sinh hữu cơ; khu phức hợp nghiên cứu, sản xuất giống cây trồng…

Tập đoàn Mavin đang đặt chiến lược đầu tư, khai thác tiềm năng nuôi cá ở lòng hồ Thủy điện Sơn La thời gian tới. Ảnh: TL.

Bên cạnh đó, Mavin sẽ nghiên cứu lòng hồ Thủy điện Sơn La để phát triển nuôi cá lồng hiện đại theo công nghệ của Na Uy, quy mô khoảng 50 tấn/lồng, kết hợp với xây dựng nhà máy chế biến cá phi-lê để xuất khẩu.

Về chăn nuôi, quy mô đàn đại gia súc của tỉnh khá lớn, với trên 525.000 con. Sau khi Công ty Bò sữa Mộc Châu cổ phần hóa và bán cổ phần chi phối cho Công ty Cổ phần sữa Việt Nam, Vinamilk cũng đang chuẩn bị để triển khai xây dựng 2 dự án lớn gồm nhà máy chế biến sữa công nghệ cao và trung tâm nuôi bò sữa tập trung công nghệ cao.

Bên cạnh đó, Sơn La cũng đang thúc đẩy chăn nuôi đại gia súc tại các vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn theo chương trình nghị quyết của HĐND tỉnh, phấn đấu các xã vùng cao hình thành được các cơ sở, vùng chăn nuôi đại gia súc tập trung, mỗi nông hộ tại các vùng chăn nuôi tập trung có ít nhất từ 2 con bò trở lên nhằm tạo sinh kế cho người dân…

Về cây ăn quả, định hướng đến năm 2025, Sơn La sẽ nâng tổng diện tích cây ăn quả lên mức ổn định khoảng 104.800ha (cây táo mèo khoảng 20.000ha và các cây ăn quả khác khoảng 84.800ha).

Trong đó, vùng nguyên liệu phục vụ cho các nhà máy chế biến khoảng 15.000 -25.000ha… Nâng diện tích cây ăn quả ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến lên 20% tổng diện tích.

Đối với vùng nguyên liệu phục vụ chế biến của Công ty Cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (DOVECO), định hướng đến năm 2025 sẽ đạt khoảng 21.350ha, trong đó chanh leo 6.000ha, dứa 10.000ha, ngô ngọt 3.580ha, rau chân vịt 320ha, đậu tương rau 1.450ha.

LÊ BỀN

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/tai-co-cau-toan-dien-thu-hut-doanh-nghiep-lon-d286883.html