Tái cơ cấu phải gắn liền với tăng liên kết vùng

Trong ngày đầu tiên (2/11) thảo luận về kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020; kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2017, vấn đề phát triển kinh tế vùng, tăng cường liên kết vùng được nhiều ý kiến ĐBQH đề cập.

Vấn đề phát triển kinh tế vùng và liên kết vùng đã được Đảng và Nhà nước nhận thức từ rất sớm, ngay từ Đại hội Đảng lần thứ VIII và qua các kỳ Đại hội thứ IX, X, XI, XII, vấn đề này đều được tiếp tục làm rõ và định hướng chiến lược phát triển vùng. Trong quá trình thực hiện các chủ trương, cơ chế, chính sách phát triển kinh tế vùng nước ta đã đạt được những thành quả nhất định, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Tuy nhiên, theo đại biểu Nguyễn Bá Sơn (Đà Nẵng), việc quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế vùng và quy hoạch ngành theo từng vùng như hiện nay chưa phát huy hết tính hiệu quả trong định hướng, điều phối, phân bổ ngân sách, vai trò ràng buộc liên kết vùng và nội vùng vẫn còn nhiều hạn chế.

“Liên kết vùng hiện nay vẫn còn là sự ghép nối giữa các tỉnh, thành với nhau, một số nơi là số ghép cơ học, chưa có sự liên kết thực sự, cơ bản chỉ trên tinh thần tự nguyện cam kết giữa các địa phương trong vùng, chưa có tính pháp lý, không có chế tài đảm bảo sự thực hiện lâu dài, nếu có cũng chỉ dừng lại ở mức hỗ trợ”, đại biểu Sơn nói.

Theo đại biểu, việc thu hút đầu tư và đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giữa các địa phương đang mang tính chạy đua, mạnh ai nấy làm, thay nhau trải thảm đỏ mời đầu tư với nhiều hình thức ưu đãi. Thực tế cho thấy, trên 63 tỉnh, thành phố với 245 bến cảng thuộc 29 cảng biển, 21 sân bay, trong đó có tới 10 sân bay quốc tế, gần như tỉnh nào cũng có hoặc đều muốn có sân bay, cảng biển. Điều này khiến cho lợi ích tổng thể giảm ở cấp độ quốc gia cũng như trong vùng và các địa phương nên đầu tư bị dàn trải, lãng phí, không có trọng điểm. Các vùng kinh tế trọng điểm chưa thực sự phát huy được vai trò đầu tàu, tác dụng lan tỏa, hiệu quả đầu tư chưa thực sự vượt trội, thiếu cơ chế, chính sách đặc thù để thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng và vùng có lợi thế là đầu tàu kéo nền kinh tế phát triển.

“Đề nghị Chính phủ tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, kế hoạch. Phát triển tổng thể của vùng gắn chặt với bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu trên cơ sở phát triển mạnh mẽ của từng địa phương, phân tích thế mạnh của từng vùng tạo nên nhiều chuỗi giá trị hàng hóa trong chuỗi giá trị toàn cầu”, đại biểu Nguyễn Bá Sơn đề nghị.

Cũng về nội dung này, một số ý kiến của ĐBQH cho rằng cần tập trung phát triển nhanh hơn các vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo, hoàn thiện cơ chế phân cấp, phân quyền giữa Trung ương và địa phương, bảo đảm tính thống nhất. Đồng thời, phải bảo đảm giám sát tốt việc thực hiện quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trong vùng và của vùng hài hòa lợi ích giữa các địa phương và vùng, tránh tình trạng trùng lắp lợi ích, cạnh tranh lẫn nhau.

Các tỉnh, thành phố cần đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong việc nâng cao khả năng tổ chức hoạt động phối hợp liên tỉnh, tăng cường công tác phối hợp giữa lãnh đạo các tỉnh, thành trong việc thực thi chính sách chung của Chính phủ đề ra nhằm khắc phục tính cục bộ trong hoạt động xây dựng địa phương, xóa bỏ tư duy khép kín. Các bộ, ngành trung ương phối hợp chặt chẽ với các địa phương và các vùng để xây dựng quy hoạch phát triển ngành và kết cấu hạ tầng.

Theo đại biểu Trần Đăng Ninh (Hòa Bình), khu vực Tây Bắc đã được Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định phê duyệt, quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020. Theo quy hoạch được nghiên cứu và phê duyệt, các mối liên kết kinh tế là mối liên kết dọc, tâm điểm là trục hàng hóa cung cấp dịch vụ của các tỉnh và chiều ngược lại là Hà Nội, đồng bằng Bắc Bộ và liên kết với quốc tế qua cảng sân bay Nội Bài, Hải Phòng, cửa khẩu với Trung Quốc. Tuy nhiên, để tạo thế vững chắc cho toàn vùng nhằm tập trung hàng hóa số lượng lớn, chế biến thô, sơ chế, tinh chế trước khi tiêu thụ, cần thiết phải nghiên cứu thêm, ưu tiên đầu tư hạ tầng để tăng liên kết ngang giữa các tỉnh Tây Bắc, các tỉnh miền núi phía bắc.

Còn đại biểu Trần Anh Tuấn (TPHCM) cho rằng, tái cơ cấu đầu tư công phải được gắn với tiềm năng phát triển vùng và địa phương. Song song với việc xác định đầy đủ những nhóm ngành sản phẩm ưu tiên chung của nền kinh tế, các nhóm ngành sản phẩm này phải được gắn kết với từng vùng kinh tế, cần được thể hiện rõ hơn.

“Cần gắn định hướng đầu tư công cho 6 vùng lãnh thổ được thể hiện trong Báo cáo đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 của Chính phủ cho từng nhóm ngành sản phẩm ưu tiên đã được xác định, để thấy rõ quan điểm tái cấu trúc có xét đến yếu tố phát huy, tiềm năng, thế mạnh của từng vùng và địa phương”, đại biểu nói. Đồng thời, trên cơ sở các sản phẩm ưu tiên của từng vùng, địa phương đã xác định tập trung nguồn lực, phát triển cụm liên kết, chuỗi giá trị các sản phẩm ưu tiên được xác định nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong quá trình tái cấu trúc 3 khu vực kinh tế, tạo điều kiện thuận lợi hình thành những tập đoàn lớn đủ mạnh, phát triển sản phẩm ưu tiên đã được xác lập.

M ột số ĐBQH đến từ các tỉnh ĐBSCL cho biết, cho đến nay, nền kinh tế của 13 tỉnh thành ĐBSCL vẫn là những nền kinh tế riêng lẻ, chưa phải là nền kinh tế của cả vùng. Thậm chí đã có nhiều trường hợp các địa phương có chung một sản phẩm, cạnh tranh nhau về chính sách thu hút nguồn lực có khi còn làm suy yếu lẫn nhau. Vấn đề liên kết vùng ĐBSCL đã được Đảng, Chính phủ đặt ra từ lâu, tuy nhiên việc triển khai thực hiện còn rất rời rạc, mỗi nơi một kiểu, chưa được thể hiện trong các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm của các địa phương.

Trên cơ sở đó, ý kiến ĐBQH cho rằng Chính phủ cần chỉ đạo rà soát lại quy hoạch, chiến lược, đảm bảo có sự liên kết chặt chẽ, phát huy tối đa hiệu quả của các nguồn tài nguyên chung. Cụ thể, cần nghiên cứu một cách tổng thể để xây dựng chiến lược đảm bảo an ninh nguồn nước, quy hoạch lại sản xuất nông nghiệp theo vùng, trên cơ sở liên kết vùng. Trong đầu tư kết cấu hạ tầng, cần ưu tiên những công trình, dự án kết nối, phát triển liên kết vùng.

Xuân Tuyến

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/kinh-te/tai-co-cau-phai-gan-lien-voi-tang-lien-ket-vung/290615.vgp