Tái cơ cấu: Phải bỏ phân bố nguồn lực kiểu hành chính xin – cho

Việt Nam đã từng tự tin quá trình tái cơ cấu sẽ thành công một cách nhanh chóng và ngoạn mục như quá trình đổi mới trước đây, tuy nhiên thực tế đã không như vậy. Tại Diễn đàn kinh tế Việt Nam 2016 – Thách thức tái cơ cấu và triển vọng, các chuyên gia đã đưa ra những đánh giá về kết quả đạt được cũng như hạn chế của quá trình tái cơ cấu, trong đó chỉ ra dấu hiệu mất cân đối trong nền kinh tế vẫn đang tồn tại, tụt hậu đã chuyển từ nguy cơ lớn nhất thành hiện thực ngày càng rõ.

Các chuyên gia cho rằng, công cuộc tái cơ cấu phải theo hướng phân bổ lại nguồn lực. Ảnh minh họa: H. Anh.

Nguy cơ tụt hậu xa hơn

Tại Diễn đàn kinh tế Việt Nam 2016 – Thách thức tái cơ cấu và triển vọng được tổ chức ngày 12-10, các chuyên gia đều cho rằng, có quá nhiều hạn chế dẫn tới quá trình thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế trong 5 năm vừa qua đã không đạt kết quả như mong muốn.

Theo TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, nhiệm vụ tái cơ cấu nảy sinh từ việc chúng ta duy trì quá lâu một mô hình tăng trưởng kém hiệu quả, thực chất là duy trì một hệ thống phân bổ nguồn lực sai lệch – tập trung nguồn lực cho những ngành khai thác tài nguyên, gia công lắp ráp, những ngành thâm dụng lao động kỹ năng thấp và tiền lương thấp, sử dụng nhiều vốn thay vì các ngành định hướng công nghệ và giá trị gia tăng cao. Trong mô hình đó vận hành hệ thống phân bổ nguồn lực nặng nguyên lý “xin – cho”, dành ưu tiên cho khu vực DNNN hoạt động kém hiệu quả nhưng được coi là “lực lượng chủ đạo” của nền kinh tế; là nỗ lực thu hút đầu tư nước ngoài trực tiếp “đẳng cấp” thấp bằng sự ưu đãi cao (miễn giảm thuế, các điều kiện tiếp cận đất đai, hạ tầng, hạ thấp tiêu chuẩn môi trường, v.v.). thay vì bằng cách nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh và năng lực nội lực.

Kết quả, theo TS Trần Đình Thiên, sau 30 năm đổi mới, quãng thời gian đủ để Hàn Quốc vươn mình trở thành nước công nghiệp phát triển thì “nền kinh tế nước ta vẫn ở đẳng cấp phát triển thấp - vẫn là nền kinh tế dựa chủ yếu vào các ngành khai thác tài nguyên, gia công, lắp ráp, với hơn 80% số DN sử dụng công nghệ thấp và trung bình thấp - cho dù trong các bản Báo cáo Phát triển ở mọi cấp, cơ cấu kinh tế vẫn luôn luôn “chuyển dịch đúng hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa”. Nhưng hiện tái cơ cấu tiến triển rất chậm, thành quả đạt được khá hạn chế. Vì lẽ đó, cho dù đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình hàng năm cao thứ nhì thế giới trong giai đoạn 1990-2015 (chỉ sau Trung Quốc), nền kinh tế xuất phát điểm thấp của ta, sau 30 năm, mới chỉ “thoát khỏi nhóm nước thu nhập thấp và gia nhập vào nhóm nước thu nhập trung bình thấp”, nguy cơ tụt hậu xa hơn ngày càng rõ.

Nhấn mạnh điều này, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) chỉ ra rằng, trong 30 năm đổi mới, tăng trưởng kinh tế giảm dần và cứ 10 năm lại giảm 1 điểm% và vẫn tiếp tục xu hướng giảm bởi chúng ta đã sai khi cứ lo nguồn lực ở đâu và chỉ tính việc huy động, huy động và huy động trong khi quan trọng hơn là phải thay đổi hệ thống phân bổ để nguồn lực được phân bổ vào nơi được sử dụng hiệu quả.

Cần thay đổi tư duy phát triển một cách triệt để

Liên quan đến tái cơ cấu đầu tư công, bàn về nguyên nhân trực tiếp khiến cho tái cơ cấu đầu tư công (ĐTC) chưa có sự thay đổi căn bản, TS Nguyễn Đình Ánh cho rằng là do tái cơ cấu ĐTC không gắn với thay đổi vai trò của Nhà nước trong nền kinh tế. Thay đổi vai trò của Nhà nước cho phù hợp với nền kinh tế thị trường là tiền đề để tái cơ cấu ĐTC và ngược lại, tái cơ cấu ĐTC cũng góp phần tích cực thúc đẩy thay đổi vai trò của Nhà nước trong nền kinh tế.

Theo TS Nguyễn Đình Ánh, đối với Việt Nam hiện nay và một vài năm tới, dường như cách tiếp cận thứ hai tỏ ra phù hợp và thực tế hơn. Theo đó, cơ cấu lại ĐTC phải gắn với cơ cấu lại ngân sách nhà nước và nợ công. Tái cơ cấu chi ngân sách nhà nước cần tập trung khắc phục nhược điểm lớn nhất của chi ngân sách nhà nước hiện nay là tình trạng chi vượt dự toán phổ biến và trầm trọng, tình trạng chi ngân sách nhà nước một cách dàn trải, lãng phí, quá nhiều đối tượng thụ hưởng trong khi định mức chi không hợp lý để từ đó có giải pháp khắc phục triệt để tình trạng này trong thời gian tới.

Nhấn mạnh quan điểm tái cơ cấu phải theo hướng phân bổ lại nguồn lực, TS.Nguyễn Đình Cung cho biết, cần phải sắp xếp lại tư duy để tái cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng. Phải từ bỏ cách phân bố nguồn lực kiểu hành chính xin - cho. Cách này đã làm cho nguồn lực sử dụng kém hiệu quả, gây lãng phí.

Đồng tình với quan điểm trên, TS. Trần Đình Thiên cho rằng, trong bối cảnh Việt Nam đã và đang hội nhập sâu rộng vào kinh tế thế giới, những hạn chế trong tái cơ cấu kinh tế thời gian qua hàm nghĩa sự cần thiết phải tư duy lại vấn đề tái cơ cấu và đổi mới mô hình tăng trưởng, trên cơ sở đó, thiết kế, xây dựng một Chương trình tái cơ cấu và đổi mới mô hình tăng trưởng mới. Đó phải là một sự thay đổi tư duy phát triển triệt để, theo logic của một cuộc đổi mới lần hai, được dẫn dắt bởi một tầm nhìn phát triển mới, bảo đảm nền kinh tế thoát khỏi lệ thuộc bên ngoài và nhập được vào đội hình bay – hội nhập mới.

Qua 3 năm thực hiện, quá trình tái cơ cấu nền kinh tế Việt Nam đã đạt được những thành tựu rất đáng ghi nhận, với những kết quả chủ yếu sau đây:

1. Kinh tế vĩ mô ổn định, tăng trưởng kinh tế đang dần hồi phục, chất lượng tăng trưởng được cải thiện, lạm phát được kiểm soát.

2. Tái cơ cấu đầu tư công bước đầu mang lại hiệu quả tích cực. Tỉ trọng đầu tư công giảm dần, đầu tư ngoài nhà nước tăng lên, khắc phục một bước tình trạng đầu tư dàn trải, lãng phí, kém hiệu quả. Hiệu quả đầu tư bước đầu được cải thiện.

3. Thị trường tài chính ổn định, an toàn, thanh khoản được đảm bảo. Đã tích cực, chủ động cơ cấu lại các tổ chức tín dụng; giám sát chặt chẽ và sắp xếp lại các ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém, lành mạnh hóa bảng cân đối tài sản của các tổ chức tín dụng...

4. Tái cơ cấu DNNN đạt được những kết quả tích cực. Trong giai đoạn 2011 - 2015 đã sắp xếp được 558 DN, trong đó cổ phần hóa được 478 DN, đạt 93% kế hoạch; sắp xếp theo các hình thức khác 80 DN.

5. Hình thành cơ cấu ngành, nội bộ ngành hợp lý hơn, giá trị sản xuất tăng nhanh.

6. Cơ cấu kinh tế vùng được chú trọng. Quy hoạch phát triển ngành, vùng, sản phẩm được rà soát, điều chỉnh phù hợp hơn với kinh tế thị trường. Điều chỉnh, bổ sung quy hoạch 6 vùng kinh tế - xã hội, 4 vùng kinh tế trọng điểm. Phát triển hạ tầng và thu hút đầu tư vào các khu kinh tế ven biển, khu kinh tế cửa khẩu.

(Trích dự thảo Đề án Tái cơ cấu kinh tế 2016-2020)

Hoài Anh

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/tai-co-cau-phai-bo-phan-bo-nguon-luc-kieu-hanh-chinh-xin-cho.aspx