Tái cơ cấu nông nghiệp, mừng thì nhiều nhưng lo chẳng ít

Thực hiện Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ lần thứ XI, nhiệm kỳ 2015-2020, ngành nông nghiệp TX. Tân Châu đạt được nhiều kết quả đáng tự hào. Cái được lớn nhất là tư duy, nhận thức, hành động của nông dân đã thay đổi, thời vụ sản xuất ngày càng được tuân thủ nghiêm ngặt, chất lượng sản phẩm, vấn đề an toàn thực phẩm được đặt lên hàng đầu.

Ngoài diện tích trồng lúa và hoa màu, chăn nuôi bò cũng được nông dân tập trung phát triển

Mừng thì nhiều

Cụ thể, trong quá trình sản xuất, nông dân ngày càng chú trọng hơn khâu chất lượng và tính an toàn của sản phẩm đối với người tiêu dùng. Thay vì chạy theo số lượng, năng suất như trước đây, hiện nay người sản xuất tập trung vào hiệu quả, tỷ suất lợi nhuận trên vốn, lợi nhuận trên mỗi vụ trồng.

Chia sẻ về những cái được trong thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn 5 năm qua, Trưởng phòng Kinh tế TX. Tân Châu Bùi Thái Hoàng cho biết, thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh An Giang đến năm 2020, trên địa bàn TX. Tân Châu cơ cấu sản xuất nông nghiệp đã chuyển dịch đúng hướng, năng suất, sản lượng một số cây trồng chủ yếu tăng nhanh hơn so với 5 năm trước đây. Ví dụ, diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả được nông dân trên địa bàn chuyển sang trồng cây xoài và các loại cây ăn trái khác với số lượng rất nhiều, đây là điều đáng mừng, bởi bà con sản xuất theo hướng đã có thị trường tiêu thụ thì mới tổ chức sản xuất. 4 năm trước, xoài Keo, xoài tượng da xanh, xoài cát Hòa Lộc, xoài cát Chu, bưởi da xanh xuất rất mạnh sang Trung Quốc và các quốc gia có nền kinh tế phát triển, từ đó đời sống người nông dân dần khởi sắc.

Tính chung trong giai đoạn từ 2016-2020, đã có 792ha đất trồng lúa kém hiệu quả chuyển sang trồng cây ăn trái và các loại rau màu khác mang lại giá trị kinh tế cao hơn. Trong tái cơ cấu nông nghiệp ở Tân Châu, cơ cấu giống lúa tiếp tục được chuyển đổi theo hướng tích cực, có trên 90% diện tích sử dụng các loại giống chất lượng cao, diện tích lúa áp dụng “3 giảm, 3 tăng” đạt tỷ lệ 97%; 62% diện tích xuống giống áp dụng “1 phải, 5 giảm”. “Cái khó hiện nay là không thể biết năm nào thị trường sẽ thu mua lúa mạnh, năm nào có nhu cầu mua trái xoài mạnh để sản xuất. Hiện nay, thấy người ta trồng mình trồng theo, vì vậy khó điều tiết được thị trường, từ đó rủi ro trong sản xuất ở mức cao. Cụ thể, từ khi dịch bệnh COVID-19 xảy ra, mặt hàng trái xoài tồn đọng rất nhiều, từ đó nông dân gặp muôn vàn khó khăn” - anh Trần Văn Ẩn (xã Vĩnh Xương, TX. Tân Châu) chia sẻ.

5 năm qua, gia đình ông Ẩn đã hưởng ứng chủ trương của ngành nông nghiệp, chuyển đổi từ đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái. Từ 5 công đất trồng lúa cho năng suất thấp, ông Ẩn chuyển sang trồng xoài Keo, xoài cát Hòa Lộc, xoài được 3 năm tuổi bắt đầu cho trái, vậy là ông Ẩn bán cho thương lái để xuất sang Trung Quốc. Ngỡ sẽ xuất được trong thời gian lâu dài, nào ngờ dịch bệnh COVID-19 xảy ra, xoài Keo, xoài cát Hòa Lộc chỉ bán ở thị trường nội địa, giá cả không có mà sản lượng bán ra cũng không nhiều, ông Ẩn cũng như nhiều người khác gặp khó khăn.

Lo chẳng ít

Tái cơ cấu nông nghiệp ở TX. Tân Châu mừng thì nhiều nhưng lo chẳng ít, bởi đây là thực tế không chỉ diễn ra trên địa bàn Tân Châu mà còn ở khắp các địa phương trong tỉnh. Những năm qua, các loại cây ăn trái như: mít, xoài, bưởi… bán được giá, nông dân trong tỉnh đua nhau trồng. Chỉ trong 5 năm, có trên 2.000ha đất trồng lúa kém hiệu quả chuyển sang trồng các loại cây ăn trái và rau màu. Phong trào chuyển đổi bắt đầu từ địa phương năng động như: Chợ Mới, Châu Phú, TX. Tân Châu… Song, do cách làm thiếu tính đồng bộ, thiếu liên kết trong sản xuất, kết quả khi dịch bệnh COVID-19 xảy ra, đầu ra hàng loạt nông sản bị “đứng lại”, nông dân lâm vào cảnh khó khăn.

“Khó khăn trong tiêu thụ nông sản hiện nay, chúng ta phải hiểu đó là khó khăn mang tính nhất thời. Bởi, ngoài ngành công thương, ngành nông nghiệp đang tích cực tìm mọi biện pháp để lo đầu ra cho sản phẩm của bà con. Bên cạnh tìm nhanh đầu ra ở thị trường nội địa lẫn xuất khẩu, thời gian này, bà con cần nhìn lại quá trình sản xuất để tính toán hợp lý. Thí dụ, những hộ trồng không có liên kết đầu ra thì hãy suy nghĩ, tìm cách liên kết với đơn vị tiêu thụ để trong thời gian tới, sẽ giảm bớt rủi ro. Cần đi vào con đường làm ăn hợp tác để có thông tin phục vụ cho việc tổ chức sản xuất tốt hơn… ” - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Sĩ Lâm khuyến cáo.

Từ cơ chế chính sách đến thị trường vốn, khoa học - công nghệ… cần phải thực hiện một cách đồng bộ thì tái cơ cấu nông nghiệp mới thành công. Bởi thực tế hiện nay, khi đất nước đã hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, sản phẩm nông nghiệp được trồng từ đồng ruộng phải tính toán đến yếu tố cạnh tranh với sản phẩm cùng loại. Khi cạnh tranh thì yếu tố chi phí, giá thành, quy mô sản xuất là rất quan trọng, bởi những yếu tố này có tính liên hoàn. Thực tiễn chỉ ra, tái cơ cấu nông nghiệp phải bắt đầu từ thị trường, vì đây là yếu tố mang tính quyết định cho quá trình sản xuất, các yếu tố khác cũng quan trọng, nhưng quan trọng hơn vẫn là việc thực thi các chính sách, cơ chế phải mang tính đồng bộ, có vậy quá trình tái cơ cấu nền nông nghiệp mới nắm chắc được thắng lợi.

“Thực tiễn 5 năm qua cho thấy, muốn tái cơ cấu nông nghiệp thành công thì các yếu tố thị trường, cơ chế, chính sách, vốn, khoa học - công nghệ và sự quyết tâm phải được thực hiện một cách đồng bộ, khoa học, lâu dài. Hiện nay, tư duy, nhận thức của nông dân trên địa bàn đã chuyển đổi, đây là cái được lớn nhất trong tái cơ cấu nông nghiệp nhưng vấn đề tổ chức thị trường, các chính sách chưa được thực thi một cách đồng bộ nên vẫn còn nơi này, nơi khác, nông dân trồng cây ăn trái nhưng tiêu thụ rất chậm, nuôi cá tra nhiều dẫn đến tình trạng cung vượt cầu. Đây là những vấn đề mà thực tiễn chỉ ra, chúng ta phải điều chỉnh sao cho phù hợp” - Bí thư Thị ủy Tân Châu Nguyễn Đắc Tài chia sẻ.

MINH HIỂN

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/tai-co-cau-nong-nghiep-mung-thi-nhieu-nhung-lo-chang-it-a278168.html