Tái cơ cấu ngành nông nghiệp: Nhìn từ giải pháp giống

Giống cây trồng, vật nuôi là nhân tố quan trọng hàng đầu quyết định đến chất lượng và sản lượng trong quá trình sản xuất nông nghiệp. Quan tâm đến khâu nghiên cứu, sản xuất giống là một trong những giải pháp mà ngành nông nghiệp đang hướng đến nhằm phục vụ mục tiêu tăng giá trị và tính bền vững của ngành trong tương lai.

Sản xuất tôm giống chất lượng cao tại Khu phức hợp sản xuất tôm chất lượng cao do Tập đoàn Việt - Úc, huyện Đầm Hà.

Sản xuất tôm giống chất lượng cao tại Khu phức hợp sản xuất tôm chất lượng cao do Tập đoàn Việt - Úc, huyện Đầm Hà.

Những năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức triển khai tái cơ cấu ngành nông nghiệp và đạt được những kết quả tích cực, thể hiện rõ vai trò, vị trí của ngành trong phát triển KT-XH của tỉnh. Qua đó, hình thành các vùng sản xuất tập trung, nhiều mô hình sản xất gắn với tổ chức sản xuất đã ra đời. Nông nghiệp Quảng Ninh cũng đang ngày càng phát triển theo chiều sâu với sự xuất hiện của những vùng chuyên canh, sản xuất tập trung, mô hình ứng dụng công nghệ cao. Sự phát triển này kéo theo nhu cầu lớn về cây, con giống; đặc biệt là cây, con giống có chất lượng, nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, được kiểm dịch…

Tuy vậy theo đánh giá từ ngành NN&PTNN tỉnh, hiện tỷ lệ giống sản xuất nội tỉnh (sản xuất và ương dưỡng tại chỗ) còn thấp, chủ yếu phải nhập từ các địa phương khác nên khó kiểm soát chất lượng đầu vào. Đơn cử như trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, mỗi năm toàn tỉnh cần đến khoảng 4,54 tỷ con giống, bao gồm gần 4,4 tỷ con giống nước mặn, lợ và khoảng 160 triệu con giống nước ngọt. Dù vậy, đến thời điểm này, toàn tỉnh chỉ có sản xuất giống thủy sản nước ngọt là đáp ứng được khoảng 65% nhu cầu, còn lại con giống nước mặn, lợ chỉ đáp ứng được dưới 25%. Trong đó, riêng tôm thẻ chân trắng là đối tượng nuôi chủ lực của ngành thủy sản với nhu cầu mỗi năm lên đến 3,5 tỷ con tôm giống thì hiện nay mới sản xuất, ương dưỡng tại chỗ được khoảng 780 triệu con.

Sản xuất giống cây trồng, vật nuôi chất lượng, phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng đang là mục tiêu hướng đến của ngành nông nghiệp Quảng Ninh nhằm nâng cao giá trị của ngành. Trong ảnh: Trồng dưa lưới chất lượng cao tại huyện Đầm Hà.

Hiện Quảng Ninh cũng đang quan tâm để phát triển huyện Đầm Hà trở thành trung tâm sản xuất giống và nuôi trồng thủy sản tập trung của tỉnh. Trong đó, kỳ vọng từ dự án Khu phức hợp sản xuất giống và nuôi tôm công nghệ cao siêu thâm canh của Tập đoàn Việt – Úc sẽ nâng công suất sản xuất giống tôm chất lượng cao được sản xuất nội tỉnh lên khoảng 8 tỷ con giống mỗi năm. Qua đó, bảo đảm cung cấp tới người dân tôm giống chất lượng, vệ sinh an toàn. Được biết, trong năm 2020, Tập đoàn Việt – Úc đã đưa ra thị trường khoảng gần 700 triệu con giống. Đơn vị này cũng đang đưa các nhà khoa học đầu ngành tới huyện Đầm Hà để tìm hiểu, nghiên cứu dự án nhân giống và nuôi sá sùng trên địa bàn.

Trong trồng trọt, trên địa bàn tỉnh có Công ty CP giống cây trồng Quảng Ninh được đánh giá là lớn (đứng thứ 3 toàn quốc) về năng lực sản xuất các giống lúa nguyên chủng, siêu nguyên chủng với sản lượng khoảng 1.200 tấn/năm; bằng 50% tổng nhu cầu giống mỗi năm toàn tỉnh. Ngoài giống lúa, hiện nay thông qua 296 cơ sở kinh doanh buôn bán giống cây cũng cơ bản cung ứng tất cả các giống cây ăn quả, cây công nghiệp, rau màu… Song phần lớn số lượng giống này được nhập từ các cơ sở sản xuất cây giống trong dân, mặc dù vẫn đảm bảo về các tiêu chuẩn liên quan đến cây đầu dòng, song lại khó kiểm soát quy trình sản xuất, không đảm bảo về chất lượng.

Nông dân Quảng Yên trồng rau an toàn.

Về sản xuất giống cây lâm nghiệp lại đang xảy ra tình trạng thừa – thiếu cục bộ. Mỗi năm toàn tỉnh cần đến khoảng 4 triệu cây để rừng phòng hộ, đặc dụng; 20 triệu cây giống trồng rừng sản xuất và khoảng 3.000 cây phân tán tạo cảnh quan đô thị. Trong khi toàn tỉnh mới chỉ có 1 cơ sở sản xuất, nuôi cấy mô và 15 đơn vị có vườn ươm, song cơ cấu giống cây chủ yếu là keo, bạch đàn, còn các nguồn giống cây bản địa lại rất hạn chế, không có giống cây rừng ngập mặn.

Trước thực trạng đó, ngành NN&PTNN đang đề xuất tỉnh xây dựng chương trình nghiên cứu, sản xuất giống phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp với mục tiêu tăng nhanh tỷ lệ sử dụng giống tiến bộ kỹ thuật cho sản xuất đại trà, phù hợp với điều kiện của từng vùng. Qua đó, tạo ra đột phá mới về năng suất, chất lượng sản phẩm, góp phần duy trì tốc độ tăng trưởng của ngành. Đồng thời, tạo ra nhiều giống mới có năng suất, chất lượng cao, đặc tính tốt, phục tráng giống đặc sản địa phương gắn với việc xây dựng thương hiệu và chỉ dẫn địa lý.

Yến Vy

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/kinh-te/202101/tai-co-cau-nganh-nong-nghiep-nhin-tu-giai-phap-giong-2518497/