Tái cơ cấu ngành chăn nuôi còn nhiều nút thắt

Tái cơ cấu ngành chăn nuôi của Đăk Lăk là việc làm cấp bách nếu muốn phát triển chăn nuôi bền vững. Tuy nhiên tiến độ thực hiện khá chậm, đối mặt nhiều bất cập.

 Mặc dù có nhiều lợi thế phát triển nhưng quy mô đàn bò của Đăk Lăk chủ yếu chăn nuôi ở dạng nông hộ. Ảnh: Minh Thuận.

Mặc dù có nhiều lợi thế phát triển nhưng quy mô đàn bò của Đăk Lăk chủ yếu chăn nuôi ở dạng nông hộ. Ảnh: Minh Thuận.

Phát triển chăn nuôi còn mất cân đối

Đăk Lăk được đánh giá là một trong những tỉnh có tốc độ phát triển chăn nuôi tương đối ổn định, riêng chăn nuôi heo đứng thứ 7 cả nước về quy mô tổng đàn.

Theo báo cáo của ngành nông nghiệp, kết quả sản xuất chăn nuôi 6 tháng đầu năm 2020 cơ bản đáp ứng kế hoạch đề ra.

So với cùng kỳ năm 2019, đàn trâu ước đạt 39.450 con (tăng 450 con); đàn bò ước 266.400 con (tăng 5.400 con); đàn lợn ước đạt 820.000 con (tăng 10.000 con); đàn gia cầm ước đạt 12.510.000 con (tăng 910.000 con); đàn dê ước đạt 84.500 con (tăng 15.000 con).

Thời gian qua, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Đăk Lăk đã chủ động tham mưu Sở NN-PTNT ban hành kế hoạch thực hiện tái cơ cấu lĩnh vực chăn nuôi và thú y theo Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Theo đó, nhiệm vụ trọng tâm là chú trọng hướng dẫn, đôn đốc các địa phương thực hiện các giải pháp ổn định và phát triển sản xuất chăn nuôi bền vững trong điều kiện dịch bệnh có nguy cơ bùng phát.

Mặc dù, việc triển khai tái cơ cấu ngành chăn nuôi được đẩy mạnh nhưng trong quá trình thực hiện, chính sách này gặp nhiều khó khăn do nhiều nguyên nhân. Trước hết là quy mô chăn nuôi tại nông hộ, hộ nhỏ lẻ chiếm tỷ lệ lớn (khoảng 75-80%).

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Đăk Lăk, phát triển quy mô nông hộ là hình thức sản xuất khó quản lý nhất hiện nay do chịu tác động của nhiều yếu tố khách quan cũng như chủ quan.

Sản xuất chăn nuôi nông hộ mang tính chất nhỏ lẻ, thiếu sự đầu tư, hạn chế về mọi mặt, như chuyên môn kỹ thuật, kiến thức khoa học kỹ thuật, thông tin về thị trường, hoạt động xả thải chưa được chú trọng… ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường sống xung quanh.

Mặt khác, quy hoạch, quản lý, sử dụng quỹ đất giành cho sản xuất chăn nuôi gia súc, gia cầm của tỉnh Đăk Lăk hiện chưa hoàn thiện để có định hướng, hoạch định chiến lược chăn nuôi ổn định, lâu dài trong toàn tỉnh. Việc sử dụng tài nguyên đất đai của không ít địa phương cấp huyện còn thiếu tính bền vững, khả thi.

Đồng thời, quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch thiếu tính khoa học, thiếu tính hệ thống, tính kết nối đồng bộ trong một tổng thể thống nhất hữu cơ từ việc hoạch định giành quỹ đất cho sản xuất chăn nuôi gia súc, gia cầm; quỹ đất cho giết mổ chế biến, bảo quản, tiêu thụ... theo chuỗi khép kín. Do vậy, nguy cơ về dịch tễ, an ninh nguồn nước, ô nhiễm môi trường đang hiện hữu.

Hiện tại quy mô tổng đàn lợn của Đăk Lăk khá lớn, đạt hơn 800.000 con. Ảnh: Minh Thuận.

Bên cạnh đó, cơ cấu vật nuôi còn nhiều điểm bất hợp lý, đó là Đăk Lăk phát triển mạnh về chăn gà và lợn, nhưng giá gà luôn bất ổn, nhiều hộ rơi vào tình trạng thua lỗ.

Trong khi, rất nhiều dự án chăn nuôi lợn thời gian qua tăng nhanh theo sự leo thang của giá lợn hơi. Điều này tiềm ẩn nguy cơ phá vỡ quy luật cung - cầu, vỡ quy hoạch, nguy cơ thịt lợn từ thái cực khủng hoảng thiếu đến khủng hoảng thừa.

Đăk Lăk có nhiều lợi thế để phát triển chăn nuôi bò nhưng thực tế hiện nay số lượng đàn bò chưa tương xứng với tiềm năng, riêng chăn nuôi bò sữa gần như bằng không. Chăn nuôi bò thịt cũng chủ yếu phát triển quy mô nông hộ, hiện nay chăn nuôi công nghiệp chỉ có Công ty Sao Đỏ với khoảng gần 2.000 con bò Úc.

Đây một điều bất hợp lý khi Đăk Lăk có điều kiện tự nhiên và xã hội rất thuận lợi để phát triển chăn nuôi bò sữa, bò thịt; nhu cầu, thị trường về thịt bò, bò sữa thì còn rất lớn khi Việt Nam đã ký kết được 17 hiệp định tự do thương mại song phương và đa phương.

Tập trung đẩy mạnh liên kết sản xuất

Theo Sở NN-PTNT Đăk Lăk, để ngành chăn nuôi của tỉnh phát triển bền vững, cần tập trung thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp mới mong tháo gỡ được những "nút thắt" nội tại của ngành.

Theo đó, cần hoàn thiện quy hoạch chăn nuôi phù hợp với nội dung và mục tiêu tái cơ cấu, bảo đảm phát huy lợi thế so sánh của từng địa phương về điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội và môi trường. Ở những vùng có điều kiện phát triển nuôi con khác thì chuyển đổi, không nhất thiết phải chăn nuôi heo.

Đăk lăk có tổng đàn gà trên 12 triệu con nhưng giá cả luôn thiếu ổn định. Ảnh: Minh Thuận.

Ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở NN-PTNT Đăk Lăk cho biết, Sở cũng đã đề xuất UBND tỉnh xây dựng chính sách hỗ trợ để thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, trong đó có lĩnh vực chăn nuôi và thú y, với một số nội dung trọng tâm.

Đó là, tạo điều kiện đặc thù để kêu gọi các doanh nghiệp có tiềm lực thực hiện các dự án phát triển chăn nuôi và nâng cao giá trị sản phẩm chăn nuôi trên địa bàn tỉnh một cách đồng bộ, có tác dụng tương hỗ theo chuỗi giá trị khép kín.

Đó là các dự án trang trại sản xuất giống gà, lợn; dự án nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi; dự án nhà máy giết mổ, chế biến sản phẩm chăn nuôi gắn với việc xây dựng thương hiệu và đầu ra của sản phẩm.

Hỗ trợ và thúc đẩy nhanh việc triển khai Khu nông nghiệp công nghệ cao của Công ty liên doanh DHN Đăk Lăk (Tập đoàn Hùng Nhơn - De Heus) nhằm xây dựng chuỗi sản xuất khép kín, từ khâu sản xuất đến tay người tiêu dùng.

Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng thành công Đề án vùng, cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh đối với bệnh lở mồm long móng và bệnh dịch tả trên lợn (dự kiến tại xã Ea M’Droh, huyện Cư M’gar), hướng tới việc xuất khẩu sản phẩm thịt lợn.

Tập trung xây dựng, phát triển các hợp tác xã sản xuất và chế biến sản phẩm chăn nuôi kiểu mới; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý về lĩnh vực chăn nuôi và thú y ở cấp tỉnh, cấp huyện; các chủ cơ sở sản xuất chăn nuôi trên địa bàn tỉnh.

Theo ông Nguyễn Hoài Dương, Sở NN-PTNT sẽ tham mưu cho lãnh đạo tỉnh ban hành các văn bản về định hướng, chiến lược, quy hoạch, quản lý và sử dụng quỹ đất dành cho chăn nuôi, giết mổ, chế biến.

Đồng thời, chỉ đạo các địa phương thực hiện tái cơ cấu đàn vật nuôi theo hướng đa con nhằm phát huy lợi thế, tiềm năng của tỉnh. Đặc biệt tạo cơ chế, chính sách đặc thù về đất đai, tín dụng, thuế… nhằm kêu gọi đầu tư phát triển dự án bò sữa. Chính thức đưa bò sữa và danh mục vật nuôi chủ lực của Đăk Lăk trong 5 năm tới.

Mục tiêu của tái cơ cấu ngành chăn nuôi Đăk Lăk trong thời gian tới đó là, tiếp tục phát triển mạnh sản xuất chăn nuôi, coi chăn nuôi là khâu đột phá trong sản xuất nông nghiệp.

Trong đó, giai đoạn 2016 – 2020 giá trị sản xuất ngành chăn nuôi tăng bình quân 7%/năm; giai đoạn 2021 – 2030 tăng 6%/năm; đưa tỷ trọng giá trị sản xuất ngành chăn nuôi trong cơ cấu giá trị sản xuất ngành nông nghiệp đạt 24% vào năm 2020 và 25% vào năm 2030.

Đồng thời tăng quy mô và tỷ trọng chăn nuôi trang trại và công nghiệp đạt 25- 30% tổng giá trị sản lượng chăn nuôi năm 2020, đạt 45 – 50% vào năm 2030…

MINH THUẬN - MAI PHƯƠNG

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/tai-co-cau-nganh-chan-nuoi-con-nhieu-nut-that-d268882.html