Tái cơ cấu ngân hàng và xử lý nợ xấu: Thực hiện quyết liệt, hiệu quả

Sau 2 năm triển khai Nghị quyết 42/2017/QH14 và Quyết định 1058/QĐ-TTg với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự chủ động và trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước và sự nỗ lực của cả hệ thống ngân hàng, hoạt động tái cơ cấu và xử lý nợ xấu đã có những kết quả rõ nét góp phần đảm bảo sự phát triển an toàn lành mạnh của hệ thống ngân hàng. Đây là đánh giá của nhiều đại biểu tham dự Hội nghị trực tuyến sơ kết 2 năm triển khai Nghị quyết 42 và Quyết định 1058.

Quang cảnh Hội nghị.

Quang cảnh Hội nghị.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cho rằng, Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu xử lý nợ xấu đến năm 2019 là 5%, mục tiêu đến 2020 là 3% hoàn toàn có thể đạt được với điều kiện kinh tế vĩ mô ổn định, gia tăng sức chống chịu cho các tổ chức tín dụng (TCTD) trước các cú va đập, cú sốc từ kinh tế bên ngoài.

Mỗi tháng xử lý được 9.600 tỷ đồng nợ xấu

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh cho biết, sau 2 năm triển khai Nghị quyết 42 và Quyết định 1058 gắn với các mục tiêu phát triển ngành Ngân hàng theo Quyết định số 986/QĐ-TTg ngày 8/8/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (Quyết định 986), thời gian tuy chưa dài nhưng có thể khẳng định các giải pháp đồng bộ trong 2 văn bản quy phạm trên cùng với Quyết định 986 đã tạo ra những dấu ấn rõ nét và chuyển biến tích cực trong công tác xử lý nợ xấu, cơ cấu lại các TCTD và phát triển ngành Ngân hàng.

Đến nay, hầu hết các phương án cơ cấu lại của từng TCTD đã được NHNN phê duyệt; kết quả cơ cấu lại và xử lý nợ xấu của các TCTD bước đầu đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Đó là năng lực tài chính của các TCTD được củng cố, vốn điều lệ tăng dần; Năng lực quản trị điều hành của các TCTD từng bước được nâng cao để tiệm cận với thông lệ quốc tế; Tính minh bạch trong hoạt động tín dụng của TCTD từng bước được cải thiện; Chất lượng tín dụng được nâng cao cùng với các biện pháp kiểm soát, phòng ngừa nợ xấu mới phát sinh đã góp phần quan trọng giảm tỷ lệ nợ xấu của hệ thống các TCTD; Công tác thanh tra, giám sát được tăng cường, việc phát hiện kịp thời và xử lý kiên quyết các tồn tại và sai phạm đã góp phần thúc đẩy các TCTD triển khai nghiêm túc, có hiệu quả Quyết định 1058. Đồng thời với đó, các nhiệm vụ và mục tiêu chủ yếu trong Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng đã đạt những kết quả bước đầu tích cực.

Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh đánh giá: Đây là một văn bản có giá trị pháp lý rất quan trọng bởi lần đầu tiên, các vấn đề vướng mắc về pháp lý của ngành Ngân hàng liên quan đến xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm các khoản nợ của TCTD đã kéo dài nhiều năm qua được giải quyết trong một văn bản của Quốc hội, tạo cơ chế đồng bộ, thống nhất và có hiệu lực cao nhằm đảm bảo quyền của chủ nợ trong xử lý nợ xấu, qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho các TCTD phát huy tốt vai trò là kênh dẫn vốn chủ đạo, đáp ứng nhu cầu vốn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của nền kinh tế.

Báo cáo cụ thể về kết quả cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu, ông Nguyễn Văn Du, Quyền Chánh thanh tra, giám sát NHNN cho biết, đến nay, sự ổn định, an toàn của hệ thống các TCTD được giữ vững. Năng lực tài chính của các TCTD được củng cố, vốn điều lệ tăng dần. Chất lượng tín dụng của TCTD từng bước được cải thiện. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng (theo Thông tư số 02) của hệ thống các TCTD tiếp tục được duy trì dưới mức 2% (đến ngày 31/8/2019 là 1,98%).

Thực tế triển khai cho thấy Nghị quyết 42 đã góp phần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình xử lý nợ xấu của các TCTD trước đây. Lũy kế từ ngày 15/8/2017 (thời điểm Nghị quyết 42 có hiệu lực) đến ngày 31/8/2019, toàn hệ thống TCTD đã xử lý được 236,8 nghìn tỷ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42.

Tính trung bình từ ngày 15/8/2017 đến ngày 31/8/2019, mỗi tháng toàn hệ thống xử lý được khoảng 9,6 nghìn tỷ đồng/tháng, cao hơn 4,7 nghìn tỷ đồng so với kết quả xử lý nợ xấu trung bình từ 2012-2017 trước khi Nghị quyết 42 có hiệu lực.

“Các giải pháp xử lý nợ xấu được triển khai đồng bộ cùng với các biện pháp kiểm soát, phòng ngừa nợ xấu mới phát sinh đã góp phần nâng cao chất lượng tín dụng và giảm tỷ lệ nợ xấu của hệ thống các TCTD”, Quyền Chánh thanh tra NHNN nói.

Một mốc son trong xử lý nợ xấu gắn với cơ cấu lại các TCTD

Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết, hiện tại ngành Ngân hàng đang trong những bước đi xử lý các vấn đề ngắn hạn cũng như mục tiêu xử lý nợ xấu trong dài hạn. Đặc biệt, tới đây, ngành Ngân hàng sẽ tham mưu hoàn thiện hệ thống văn bản pháp quy như sửa đổi Luật NHNN, Luật các TCTD, Luật Bảo hiểm tiền gửi và các văn bản pháp quy có liên quan. Công tác điều hành chính sách tiền tệ, quản lý, đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng sẽ liên tục được củng cố, tăng cường mạnh mẽ hơn nữa.

Thống đốc Lê Minh Hưng lưu ý các TCTD cần nghiêm túc nhìn nhận lại những kết quả đã đạt được cùng với những tồn tại, hạn chế, kể cả những vi phạm đã xảy ra trong hoạt động của mình, đồng thời ngành Ngân hàng cũng sẽ quyết liệt hơn, nghiêm túc hơn trong thời gian tới để tiếp tục triển khai mạnh mẽ Đề án Cơ cấu lại cũng như gắn với xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, đóng góp vào kết quả chung của cả nền kinh tế.

“Chúng tôi cam kết với Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương trong thời gian tới, hệ thống Ngân hàng và NHNN sẽ tiếp tục cố gắng phấn đấu để thực hiện thành công những nội dung đã đặt ra trong Nghị quyết 42 cũng như Đề án 1058 mà Chính phủ cũng như Quốc hội đã giao cho NHNN và chúng tôi tin tưởng rằng với sự cố gắng của NHNN, nỗ lực của toàn bộ các TCTD, năm 2020 chúng ta sẽ đạt được những thắng lợi quan trọng”.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đồng tình với kết quả và những đánh giá về công tác xử lý nợ xấu của ngành ngân hàng, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh: “Nghị quyết số 42, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các TCTD và Quyết định 1058 là một mốc son trong giai đoạn này về xử lý nợ xấu gắn với cơ cấu lại các tổ chức tín dụng”.

Chính phủ nhận thấy chủ thể cuối cùng trong xử lý nợ xấu vẫn phải là các TCTD mặc dù đã bán nợ xấu cho VAMC. Do đó, bước sang giai đoạn này, cần đề cao vai trò xử lý nợ xấu của chính các TCTD.

Với tiến độ xử lý nợ xấu như hiện nay, Phó Thủ tướng tin tưởng nợ xấu sẽ giảm về dưới 3% vào cuối năm 2020, hoàn thành yêu cầu của Thủ tướng tại Quyết định số 986/QĐ-TTg, đóng góp tích cực vào cơ cấu lại tổ chức tín dụng và các chính sách vĩ mộ khác, góp phần giúp giữ vững được ổn định kinh tế vĩ mô, nâng hạng tín nhiệm quốc gia, tín nhiệm nhiều tổ chức tín dụng, củng cố nền tảng của hệ thống ngân hàng trong bối cảnh diễn biến thế giới khó lường. “Đây là nỗ lực lớn của ngành ngân hàng và sự chia sẻ, phối hợp trách nhiệm của các bộ, ngành khác, Tòa án, Viện Kiểm sát và các địa phương”- Phó Thủ tướng khẳng định.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng cho rằng các TCTD cần tuân thủ và thượng tôn pháp luật trong xử lý nợ xấu; bảo đảm tỷ lệ an toàn vốn; tăng cường bồi dưỡng phát huy văn hóa doanh nghiệp, đạo đức nghề nghiệp; công khai trách nhiệm giải trình với Nhà nước và cộng đồng.

Ngoài việc bám sát các Nghị quyết 42, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng cũng đề nghị NHNN bám sát Nghị quyết 01 hàng năm của Chính phủ; khẩn trương phê duyệt phương án cơ cấu lại các ngân hàng còn lại; tiếp tục chủ động phối hợp với các bộ ngành hoàn thiện phương án mua lại các ngân hàng yếu kém; xây dựng hệ thống kết nối dữ liệu thông tin tài sản; tăng cường hiệu lực hiệu quả thanh tra, kiểm tra của ngành, có cơ chế cảnh báo sớm, tập trung vào các vấn đề có rủi ro cao để không phát sinh thêm nợ xấu mới.

PV

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tai-chinh/tai-co-cau-ngan-hang-va-xu-ly-no-xau-thuc-hien-quyet-liet-hieu-qua-tintuc449890