Tái cơ cấu đưa Yên Bái tiến tới nền kinh tế nông nghiệp hiện đại, bền vững

Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững tỉnh Yên Bái giai đoạn 2015 -2020 đã phát huy được lợi thế của địa phương, đồng thời khắc phục những tồn tại, nhằm tiến tới một nền kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng hiện đại, bền vững.

Tái cơ cấu ngành nông nghiệp được tỉnh Yên Bái xác định là một phần quan trọng trong tái cơ cấu tổng thể kinh tế. Tỉnh tích cực chỉ đạo ngành chức năng và các địa phương tập trung khai thác tiềm năng thế mạnh của từng vùng về vị trí đại lý, điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội , để tạo ra những sản phẩm nông nghiệp có chất lượng, giá trị gia tăng cao và phát triển bền vững, đáp ứng yêu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu. Đồng thời đề ra nhiều biện pháp tái cơ cấu theo hướng bền vững trong những năm tiếp theo. Hướng đi đúng đắn đã góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong đời sống nông dân và diện mạo nông thôn.

Định hướng đúng

Là tỉnh miền núi phía Bắc, với hoạt động sản xuất chính là nông, lâm nghiệp, thủy sản, trong những năm qua, nông nghiệp, nông thôn Yên Bái đã đạt được những kết quả tích cực, thể hiện rõ vai trò, vị trí trong phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh. Tốc độ tăng trưởng đạt cao, theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, nâng cao năng suất, chất lượng, an toàn thực phẩm, đảm bảo an ninh lương thực.

Đồng bào Dao huyện Văn Yên thu hoạch quế phục vụ xuất khẩu

Ngành nông nghiệp tiếp tục giữ vai trò chủ đạo, chiếm gần 70% trong cơ cấu kinh tế của Tỉnh. Tuy nhiên, kinh tế nông thôn đang có những bước chuyển dịch tích cực, theo hướng chuyển mạnh sản xuất ngành chăn nuôi sang sản xuất hàng hóa với sự đa dạng và cơ cấu hợp lý các loại sản phẩm có chất lượng, có giá trị cao phù hợp với nền kinh tế thị trường. Cụ thể, trong trồng trọt đã hình thành các vùng nguyên liệu gắn với chế biến, vùng chuyên canh hàng hóa tập trung; chăn nuôi có bước phát triển theo hướng gia trại, trang trại; lâm nghiệp từng bước chuyển từ khai thác tự nhiên sang trồng rừng kinh tế, khoanh nuôi, chăm sóc và bảo vệ rừng, phát triển rừng gỗ lớn…

Kết quả tái cơ cấu ngành giai đoạn 2015 - 2017 đã cho thấy nhiều tín hiệu tích cực: Yên Bái đã hình thành rõ nét các vùng sản xuất tập trung như: vùng lúa hàng hóa chất lượng cao trên 2.500 ha, vùng ngô hàng hóa 15.000 ha, vùng chè 11.000 ha, vùng tre măng Bát độ trên 2.600 ha, vùng quế 56.000 ha, vùng cây nguyên liệu giấy trên 60.000 ha... Xu hướng giảm dần độc canh cây lúa trong khi cây ngô, cây lấy củ, cây lấy sợi, chè; cây ăn quả, nuôi trồng và khai thác thủy sản có tốc độ tăng mạnh cả về diện tích, năng suất và sản lượng.

Đặc biệt, hình thức sản xuất đã bắt đầu đi theo hướng liên doanh, liên kết theo chuỗi giá trị. Việc áp dụng các quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và các quy trình an toàn, kỹ thuật khác đã được các cơ sở sản xuất áp dụng ngày một nhiều. Thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp tưởng như rất khó khăn thì nay đã xuất hiện nhiều nhà đầu tư từ Hàn Quốc, Nhật Bản hay các tập đoàn kinh tế lớn trong nước như: Vingroup, TH True-milk, Hòa Phát với các dự án trồng rau an toàn, trồng cỏ nuôi bò sữa, nuôi lợn công nghệ cao... Bên cạnh đó là nguồn lực đầu tư hàng trăm tỷ đồng của doanh nghiệp và hộ nông dân với các mô hình chăn nuôi, trồng trọt quy mô nhỏ ở khắp các huyện, thị trong tỉnh. Điển hình trong xây dựng mô hình chuyên canh tập trung quy mô lớn, tạo sự liên kết giữa doanh nghiệp với người dân trong sản xuất là các huyện: Văn Yên, Văn Chấn, Lục Yên, Trấn Yên

Nông nghiệp thật sự đã mang lại việc làm và thu nhập ổn định cho phần lớn dân cư khu vực nông thôn. Chương trình xây dựng nông thôn mới đạt những kết quả bước đầu, tạo bước đột phá trong sản xuất, góp phần quan trọng đẩy nhanh tốc độ và chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế, cải thiện đời sống của nông dân, giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo, đảm bảo an sinh, ổn định chính trị - xã hội khu vực nông thôn.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được trong lĩnh vực sản xuất nông, lâm nghiệp còn bộc lộ những hạn chế như: sử dụng đất đai chưa hợp lý, cơ cấu kinh tế nông nghiệp và ngành nông nghề nông thôn chuyển dịch còn chậm; Quy mô sản xuất còn manh mún, tự phát, thiếu ổn định; Trình độ sản xuất không đồng đều, chất lượng sản phẩm thấp, giá thành cao, khả năng cạnh tranh kém. Việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, đặc biệt là công nghệ cao như sử dụng giống mới, kỹ thuật canh tác bền vững, sản xuất gắn kết với thị trường và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm hàng hóa còn hạn chế. Công nghiệp chế biến nông sản, nhất là công nghệ thu hoạch bảo quản, chế biến sau thu hoạch chưa đáp ứng được nhu cầu.

Mục tiêu cụ thể

Dựa trên những kết quả đã đạt được và nhu cầu loại bỏ những hạn chế, việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững sẽ đưa ra những căn cứ, định hướng lớn nhằm điều chỉnh ngành nông nghiệp, để đáp ứng yêu cầu phát triển ngày càng cao của nền kinh tế Yên Bái và thị trường tiêu thụ sản phẩm nông sản trong nước và quốc tế.

Yên Bái xác định, tái cơ cấu ngành nông nghiệp là một phần của tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế, phù hợp với chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; gắn với xây dựng nông thôn mới bền vững; phù hợp với các chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của cả nước. Thực hiện theo cơ chế thị trường, nhưng vẫn đảm bảo các mục tiêu cơ bản về phúc lợi cho nông dân và người tiêu dùng. Nhà nước giữ vai trò hỗ trợ, tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động của các thành phần kinh tế; tập trung hỗ trợ nghiên cứu phát triển và chuyển giao khoa học công nghệ, phát triển thị trường, cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và đời sống.

Ứng dụng khoa học công nghệ được xác định là khâu đột phá nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, giảm giá thành sản phẩm; gắn kết chặt chẽ với công nghiệp bảo quản; sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp sạch. Tăng cường sự tham gia của tất cả các thành phần kinh tế, xã hội vào trong quá trình tái cơ cấu. Nông dân và doanh nghiệp trực tiếp đầu tư đổi mới quy trình sản xuất, công nghệ và thiết bị để nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh, sử dụng tài nguyên hiệu quả hơn và gắn với xây dựng nông thôn mới.

Nông dân huyện Văn Chấn thu hoạch lúa

Theo mục tiêu của Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp, trong giai đoạn 2018 - 2020, ngành xác định xây dựng nông nghiệp phát triển toàn diện, phát huy lợi thế so sánh của tỉnh, từng tiểu ngành trong hệ thống nông nghiệp bền vững để đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng. Chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh. Thực hiện tái cơ cấu gắn với xây dựng nông thôn mới, phát triển bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu.

Những mục tiêu cụ thể được đề ra là tốc độ tăng trưởng sản phẩm ngành nông nghiệp đến hết năm 2020 đạt 4,6%/năm; Cơ cấu sản xuất: nông nghiệp chiếm 67%, lâm nghiệp 28%, thủy sản 5%. Góp phần tăng GDP bình quân đầu người của Yên Bái đến 2020 khu vực nông thôn tăng 1,5 lần so với năm 2015; giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân mỗi năm 2%. Đảm bảo an ninh lương thực, đến năm 2020 đạt trên 320.000 tấn… Tập trung đẩy mạnh sản xuất theo các vùng chuyên canh tập trung như lúa chất lượng cao, cam, bưởi, quế, chè…Tổ chức lại hoạt động chăn nuôi theo hướng liên doanh, liên kết theo chuỗi giá trị, gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm. Quản lý, sử dụng bền vững và hiệu quả diện tích rừng tự nhiên. Đổi mới sản xuất lâm nghiệp theo hướng trồng rừng sản xuất bằng các loài cây gỗ lớn kết hợp với các loại cây đa tác dụng, đa mục tiêu như Quế, Sơn Trà và phát triển cây dược liệu dưới tán rừng.

Giải pháp khả thi, hiệu quả

Để đạt mục tiêu đó, Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững tỉnh Yên Bái giai đoạn 2018 -2010đã đề ra nhiều giải pháp khả thi và đang được triển khai hiệu quả.

Đối với trồng trọt tập trung chuyển dịch cơ cấu cây trồng gắn với thị trường tiêu thụ, tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị. Sử dụng linh hoạt diện tích, sản lượng lúa hợp lý, ổn định diện tích theo quy hoạch; phát triển mạnh các vùng sản xuất hàng hóa. Tập trung sản xuất một số cây trồng thế mạnh gồm lúa; ngô; chè; cây ăn quả; rau màu. Đối với chăn nuôi phát triển theo hướng trang trại, gia trại, hình thành các tổ hợp tác, hợp tác xã, công ty chăn nuôi theo hướng đảm bảo an toàn dịch bệnh, vệ sinh thực phẩm. Hỗ trợ xây dựng chăn nuôi dê, gà, lợn theo hướng VietGAP. Trong lâm nghiệp thực hiện quản lý, sử dụng bền vững rừng tự nhiên; thay thế diện tích kém hiệu quả bằng rừng trồng năng suất cao. Đẩy mạnh triển khai các lĩnh vực phát triển nông thôn; thủy lợi; chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ…

Xây dựng và phát triển các mô hình liên kết, gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng kinh tế, trên cơ sở nguyên tắc tự nguyện và đảm bảo hàihòa lợi ích chính đáng của các thành viên tham gia trong mô hình liên kết. Chú trọng vai trò chủ đạo của các doanh nghiệp đầu tư, sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp tham gia vào mô hình liên kết đa dạng, đảm bảo chuỗi giá trị hang hóa từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm; chuyển đổi các làng nghề có điều kiện thành điểm du lịch gắn kết sản phẩm làng nghề và nông sản, đặc sản.

Được biết, trong quá trình triển khai, đề án Tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh Yên Bái giai đoạn 2018 - 2020 vẫn tiếp tục được các Vụ, Viện, Cục của Bộ có liên quan đóng góp ý kiến, hỗ trợ triển khai. Tin tưởng rằng với quyết tâm của Lãnh đạo các cấp và nhân dân các dân tộc trong tỉnh, mục tiêu tái cơ cấu nông lâm nghiệp của tỉnh Yên Bái sớm tới đích, từng bước khẳng định vị trí quan trọng hàng đầu trong cơ cấu kinh tế của địa phương trong thời gian tới, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong đời sống nông dân và diện mạo nông thôn.

Hà Phương

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/tai-co-cau-dua-yen-bai-tien-toi-nen-kinh-te-nong-nghiep-hien-dai-a385309.html