Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước: Không để thất thoát vốn

Hoạt động tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN) hiện không đạt so với mục tiêu đề ra. Tuy vậy, theo nhiều chuyên gia, tiến độ triển khai dù chậm nhưng chắc bởi chất lượng tái cơ cấu, nhất là công tác thoái vốn, cổ phần hóa DNNN cao hơn trước đây.

Theo Ban Kinh tế Trung ương, tính đến hết quý II/2019, mới có 35/127 DNNN trong danh mục được duyệt đã thực hiện cổ phần hóa, đạt tỷ lệ 27,5%. Trong khi đó, mục tiêu trong giai đoạn 2016-2020, nhà nước chỉ nắm 100% vốn điều lệ tại 103 DN; giai đoạn 2017-2020 thực hiện thoái vốn khoảng 60.000 tỷ đồng vốn nhà nước tại DN.

Theo các chuyên gia, tốc độ cổ phần hóa, thoái vốn tại DNNN cũng như tiến độ triển khai công tác tái cơ cấu DNNN so với mục tiêu vẫn còn chậm. Nguyên nhân một phần do vướng mắc ở các quy định pháp lý, phần khác do một số bộ, ngành, địa phương, DNNN chưa thực sự nghiêm túc triển khai kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại DNNN theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Đại diện Tập đoàn Dầu khí Việt Nam chỉ rõ, công tác thực hiện Nghị quyết số 12-NQ/TW về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả DNNN (Nghị quyết 12) của các cơ quan liên quan còn chậm trễ, khiến DN gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Một số khung khổ pháp lý như Luật Dầu khí hiện đã lỗi thời, dù chủ trương sửa đổi cách đây 5 năm nhưng vẫn chưa thực hiện xong dẫn đến việc triển khai các dự án lớn gặp khó khăn.

Dù vậy, nhìn nhận ở khía cạnh tích cực hơn, nhiều chuyên gia cho rằng, công tác tái cơ cấu tuy chậm nhưng chắc bởi chất lượng cổ phần hóa cao hơn rất nhiều so với trước đây; hài hòa lợi ích của cổ đông và người lao động, nâng cao lợi ích của nhà nước. Số liệu cũng cho thấy, từ năm 2016 đến nay, đã cổ phần hóa được hơn 160 DN, trong đó có khá nhiều DN quy mô rất lớn, lên tới hơn 10.000 tỷ đồng. Chỉ trong 3 năm, tiền thu được từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước nộp vào ngân sách đạt khoảng 60% theo Nghị quyết của Quốc hội cho cả giai đoạn 2016-2020.

Tuy vậy, việc cổ phần hóa DNNN theo đúng mục tiêu Nghị quyết 12 là bắt buộc. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình đề nghị: Thời gian tới, cần tập trung rà soát, xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật theo chương trình, kế hoạch đề ra; tạo bước đột phá và hoàn thiện đồng bộ hơn hệ thống thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; thực hiện các biện pháp nhằm tránh thất thoát vốn nhà nước, nhất là các biện pháp liên quan đến xác định giá trị quyền sử dụng đất, tài sản cố định, thương hiệu và giá trị truyền thống của DN cổ phần hóa; nâng cao tính công khai, minh bạch…

Ông Nguyễn Văn Bình khẳng định: Đảng luôn coi trọng vai trò của DNNN, coi đây là một lực lượng vật chất quan trọng của kinh tế nhà nước, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế.

Hải Linh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/tai-co-cau-doanh-nghiep-nha-nuoc-khong-de-that-thoat-von-125084.html