Tái cơ cấu Doanh nghiệp Nhà nước: Cần quyết liệt hơn nữa

Tái cơ cấu Doanh nghiệp Nhà nước được coi là một trong 3 trụ cột trong Đề án tái cơ cấu nền kinh tế đã được Chính phủ phê duyệt. Tuy nhiên, đến thời gian này, một số chuyên gia cho rằng, việc tái cơ cấu này vẫn còn điểm nghẽn cần phải khắc phục.

 Tái cơ cấu DNNN, cần lựa chọn lấy một hướng đi đúng nhất (Ảnh TL)

Tái cơ cấu DNNN, cần lựa chọn lấy một hướng đi đúng nhất (Ảnh TL)

Câu chuyện về tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN) luôn là chủ đề “nóng” trong các diễn đàn và nghị trường thời gian qua. Chúng ta không phủ nhận những thành tích mà DNNN đã đạt được và đóng góp lớn quan trọng vào sự phát triển chung của nền kinh tế, giải quyết việc làm cho người lao động.

Nhiều DNNN đã vươn lên trở thành những Tập đoàn kinh tế hàng đầu trong nước và khu vực; góp phần, thực hiện những mục tiêu quan trọng khác như: Ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định giá cả, an sinh xã hội…

Tuy nhiên, vẫn còn không ít ý kiến chưa hài lòng, chỉ ra nhiều hạn chế cần tiếp tục tháo gỡ, đáng chú ý có những ý kiến đánh giá việc tái cơ cấu DNNN hiện vẫn chưa đặt đúng vào “đường ray” để chạy đúng hướng và đến đích đúng thời gian yêu cầu.

Có ý kiến cho rằng, nếu không “chạy đúng đường ray” sẽ dẫn đến những hệ quả, làm méo mó thị trường, sai lệch tín hiệu thị trường, nhất là giá cả, cung - cầu. Làm sai lệch phân bố, quản lý và sử dụng nguồn lực, hiệu quả thấp, gây bất lợi và thua thiệt cho các DN khác, nhất là DN tư nhân trong nước.

Vì sao tái cơ cấu DNNN lại chưa đặt đúng vào “đường ray”? câu trả lời cho vấn đề này không khó, nhưng cái khó ở đây là ở khâu thực hiện còn bỏ ngỏ. Chính vì thế, việc tái cơ cấu DNNN thời gian qua khó đạt được kết quả như mong muốn.

Bình luận về vấn đề tái cơ cấu DNNN, Chuyên gia kinh tế, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, khi nền kinh tế trong nước và thế giới gặp rất nhiều khó khăn thì cũng là lúc DNNN đã bộc lộ rõ những yếu kém của mình. Và hệ quả là không ít DNNN làm ăn thua lỗ, gây tổn thất rất lớn cho nền kinh tế.

Nhận thấy những yếu kém của DNNN, Chính phủ đã yêu cầu phải tái cơ cấu, phải tiếp tục cổ phần hóa DNNN. Song đến nay, theo như đánh giá của nhiều chuyên gia, dù đã có những quyết sách quan trọng, quyết liệt của Chính phủ, nhưng quá trình cổ phần hóa vẫn còn chậm vì rất nhiều yếu tố.

Bên cạnh đó, có một lo toan đấy chính là việc còn tồn tại những DNNN chiếm giữ các độc quyền tự nhiên, mà không bị kiểm soát. Chính việc chiếm giữ này đã dẫn đến sự tăng giá (biện pháp duy nhất, dễ nhất) để bù lỗ, bù đắp sự yếu kém trong quản lý kinh doanh.

Đây được coi là sự bất bình đẳng giữa DNNN với các khối DN khác và cũng góp một phần không nhỏ vào việc chậm tái cơ cấu DNNN. Vấn đề bất bình đẳng giữa DNNN với các khối DN khác cũng đặt ra nhiều thách thức cho Chính phủ, bộ ban ngành khi mà hiện nay nhiều DNNN được ưu ái về nguồn vốn, đất đai, tham gia những dự án lớn của Nhà nước…

Đây là những DN vừa thực hiện một phần nhiệm vụ chính trị, vừa thực hiện nhiệm vụ kinh doanh, nhưng do chưa được phân tách rõ ràng, nên rất khó đánh giá tính hiệu quả và tính bình đẳng trong các khối DN.

Cổ phần hóa, thoái vốn phải đảm bảo được quyền lợi ba bên là Nhà nước - Người lao động -Doanh nghiệp (Ảnh TL)

Để giải quyết được vấn đề này, theo TS. Cấn Văn Lực, Chính phủ, các bộ, ngành cần vào cuộc quyết liệt hơn và không còn thời gian để chần chừ khi chúng ta đã hội nhập sâu rộng hơn vào nền kinh tế thế giới với việc tham gia và ký kết nhiều hiệp định quan trọng như: Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), FTA Việt Nam - EU, Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC)…

Cần phải thực hiện quyền bình đẳng đối với tất cả các DN, đồng thời giảm bớt những ưu ái, hậu thuẫn từ Nhà nước cho DNNN là điều cần phải làm ngay từ bây giờ và trong thời gian tiếp theo.

Một vấn đề khác mà dư luận cũng rất quan tâm chính là cách quản trị, điều hành của DNNN còn nhiều bất cập. Trong đó, thể hiện nhất là mối quan hệ giữa sở hữu và quản lý chưa rõ ràng. Tiếp nữa là vai trò giám sát của cơ quan quản lý và ban kiểm soát DNNN chưa chặt chẽ, chưa thực sự hiệu quả.

Hiện nay, có không ít ý kiến cho rằng vấn đề minh bạch ở DNNN chưa cao, trách nhiệm người đứng đầu DNNN chưa thực sự rõ ràng nên đã dẫn tới tình trạng khi xảy ra vụ việc, rất khó xác định trách nhiệm.

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, chúng ta cũng không nên cổ phần hóa, thoái vốn bằng mọi giá. Cổ phần hóa, thoái vốn phải đảm bảo được quyền lợi ba bên là Nhà nước - Người lao động - Doanh nghiệp.

Ngọc Hà

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/kinh-te/doanh-nghiep-doanh-nhan/tai-co-cau-doanh-nghiep-nha-nuoc-can-quyet-liet-hon-nua-47640