Tái cơ cấu DNNN: Cần cơ chế điều chỉnh hành vi của lãnh đạo doanh nghiệp

Tại Hội nghị Đổi mới, nâng cao hiệu quả hoat động của DNNN, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, đại diện một số DNNN đã thông tin về hoạt động CPH, thoái vốn tại DN.

Dùng hệ thống đánh giá hệ số tín nhiệm để giám sát, kiểm soát DNNN. Ảnh: Internet.

Theo Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Cao su Việt Nam, đến nay Tập đoàn này đã hoàn thành cơ bản CPH. Ngày 22/5/2018 Tập đoàn tiến hành đại hội cổ đông lần đầu tiên và từ ngày 1/6/2018 bắt đầu chuyển sang hoạt động theo loại hình công ty cổ phần. Tập đoàn cũng đã đăng ký lưu ký và hoạt động chuyên nghiệp theo Luật Chứng khoán.

Tập đoàn cũng đang iếp tục thoái vốn tại các dự án đã được phê duyệt. Hiện nay Tập đoàn đang tập trung sắp xếp đầu mối, các DN nhỏ sẽ được sáp nhập vào các DN lớn để đảm bảo quản trị.

Sau CPH, DN gặp nhiều khó khăn vì giá cao su giảm, năm 2018 giá cao su thấp hơn 2017 khoảng 20% , nhưng Tập đoàn quyết tâm hoàn thành chỉ tiêu doanh thu, lợi nhuận và cổ tức của người lao động.

Đại diện Tập đoàn Cao su cũng cho biết, trong bối cảnh Việt Nam hội nhập lớn thì cung đang lớn hơn cầu. Trước thực tế này lãnh đạo Tập đoàn Cao su đề xuất, sau khi hoàn thành bàn giao về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN, đề nghị được điều chỉnh sản lượng theo hướng giảm theo xu thế thế giới, nhưng vẫn đảm bảo tỷ suất lợi nhuận.

Thông tin về CPH của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), ông Trần Sỹ Thanh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn cho biết, theo danh mục và lộ trình CPH và thoái vốn PVN đến 2020 đã được Thủ tướng phê duyệt, PVN đã triển khai và đến nay cơ bản đạt tiến độ.

Đặc biệt, cuối năm 2017 đầu 2018, PVN bắt đầu tiến hành CPH 3 đơn vị rất lớn của Tập đoàn gồm Tổng công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn, Tổng công ty Điện lực Dầu khí (PV Power) và Tổng công ty Dầu Việt Nam (Pvoil).

Còn theo ông Trần Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), quá trình tái cơ cấu Tập đoàn bắt đầu từ tháng 6/2011. Nếu tính đến cuối năm 2017 (thời điểm bắt đầu thực hiện Quyết định 2129/2017/QĐ-TTg về cơ cấu lại VNPT), trải qua 5 năm tái cơ cấu, đại diện VNPT đánh giá hiệu quả tập đoàn tăng rõ rệt. Theo đó, trong 5 năm, lợi nhuận tăng trên 20% hàng năm.

Chia sẻ về hoạt động của DN trong thời gian tới, đại diện VNPT cho biết, chiến lược phát triển của Tập đoàn đã được phê duyệt. Theo đó, Tập đoàn phải chuyển đổi chiến lược trong cách mạng 4.0 và để thực hiện nhiệm vụ này có nhiều thách thức.

“Thực hiện cách mạng 4.0 thì đòi hỏi tinh thần đổi mới sáng tạo, dám nghĩ dám làm là rất quan trọng. Muốn vậy, phải làm sao khuyến khích lãnh đạo DN cũng phải đổi mới sáng tạo, dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm, chấp nhận rủi ro, và hiện đã áp dụng quy trình để quản trị rủi ro”, ông Hùng nói.

Để DNNN hoạt động hiệu quả trong thời gian tới, ông Trần Mạnh Hùng đề xuất, hiện chúng ta đang bị mâu thuẫn giữa tập trung quản lý và phân cấp. Nếu phân cấp mạnh cho tập đoàn, tổng công ty thì có rủi ro về lạm dụng quyền lực, thất thoát, nhưng nếu tập trung hóa cao độ, cái gì cũng chờ duyệt thì sẽ tắc nghẽn.

Theo đó, cần dùng cơ chế để điều chỉnh hành vi của lãnh đạo DN hơn là dùng mệnh lệnh hành chính. Đề nghị áp dụng kinh nghiệm nước ngoài đã áp dụng, đó là dùng hệ thống đánh giá hệ số tín nhiệm, giống như các tổ chức quốc tế đánh giá hệ số tín nhiệm của các ngân hàng. Dựa vào đó chúng ta biết được mức độ tin cậy của DN. Với DN càng hoạt động tốt, lợi nhuận lớn thì phân cấp càng mạnh, DN kém hiệu quả, nợ nần nhiều thì đưa vào kiểm soát rủi ro.

Đại diện Tập đoàn này cũng cho rằng, nên dùng chữ “giám sát” thay cho “quản lý” và phải làm sao giám sát thật chặt. Quan trọng nhất là phòng ngừa rủi ro thì nên hậu kiểm và dùng quyền phủ quyết của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, nếu thấy dự án nhiều rủi ro. Làm vậy sẽ cải cách hành chính, rút ngắn thời gian trình, duyệt và trách nhiệm khi đó rất rõ ràng.

Đề xuất giải pháp giúp CPH, thoái vốn của DNNN được thuận lợi, Chủ tịch Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) Nguyễn Đức Chi đề nghị Thủ tướng chỉ đạo các cơ quan chức năng của Chính phủ, khi Chính phủ có chính sách pháp luật mới ban hành thì các cơ quan cần có hướng dẫn thực hiện kịp thời, đầy đủ và cụ thể để có cơ sở cho các DNNN triển khai thực hiện, tránh tình trạng văn bản hướng dẫn chậm, không cụ thể gây vướng mắc, dẫn đến phải có văn bản hỏi cơ quan quản lý nhiều lần, làm mất thời gian, công sức.

Đơn cử, Chính phủ ban hành Nghị định số 32/2018/NĐ-CP có nội dung về xác định giá trị DN, bao gồm cả giá trị lịch sử, văn hóa, thương hiệu của DN để đưa vào xác định cổ phần đưa ra đấu giá. Nếu có hướng dẫn cụ thể, cách làm, cách xác định thì các DNNN sẽ sớm thực hiện được.

Về chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước tại DN, ông Nguyễn Đức Chi cho rằng sau khi Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại DN ra đời và sau khi Nghị định 131/2018/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN được Chính phủ ban hành thì 19 DNNN thuộc diện bàn giao đại diện chủ sở hữu từ các bộ về Ủy ban rất nhanh gọn.

“Chúng tôi cũng chạnh lòng, bởi nghị định của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương bàn giao quyền đại diện chủ sở hữu về SCIC nhưng đến thời điểm hiện nay vẫn còn 35 DN chưa bàn giao về SCIC và 78 DN chưa thoái được vốn theo Quyết định số 1232/QĐ-TTg cũng chưa được chuyển về SCIC”, ông Nguyễn Đức Chi tâm tư.

Theo đó, đại diện SCIC đề nghị khi đã có văn bản, có nghị định quy định thì DN phải chấp hành, thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng, của Chính phủ trong chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu về SCIC.

Hoài Anh

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/tai-co-cau-dnnn-can-co-che-dieu-chinh-hanh-vi-cua-lanh-dao-doanh-nghiep.aspx