Tái cơ cấu công nghệ, mấu chốt để sản xuất kinh doanh tăng trưởng

6 tháng đầu năm 2019, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã hoàn thành 54% kế hoạch năm. Tất cả các khối kinh doanh đều có lãi, đảm bảo việc làm ổn định cho người lao động với mức thu nhập tăng trên 6 - 7% so với năm 2018. Cùng với đó, các chỉ tiêu tài chính của TKV đạt tốt, việc triển khai đề án tái cơ cấu giai đoạn 2017 - 2020 được thực hiện quyết liệt, đảm bảo tiến độ.

Doanh thu toàn Tập đoàn trong 6 tháng ước đạt 68 nghìn tỷ đồng. Ảnh: TKV

Doanh thu toàn Tập đoàn trong 6 tháng ước đạt 68 nghìn tỷ đồng. Ảnh: TKV

Doanh thu toàn Tập đoàn trong 6 tháng ước đạt 68 nghìn tỷ đồng; tiền lương bình quân đạt 11,437 triệu đồng/người/tháng; thu nhập bình quân của thợ lò đạt 18 triệu đồng/người/tháng…

Theo TKV, có được kết quả đáng ghi nhận trên là do tổng hòa nhiều yếu tố, song không thể không nói tới sự chủ động của Tập đoàn trong việc triển khai đề án tái cơ cấu, tinh gọn bộ máy, đặc biệt là tái cơ cấu công nghệ sản xuất một cách hiệu quả.

Quá trình tái cơ cấu của TKV đã thực sự là động lực để các đơn vị phát huy hiệu quả sản xuất kinh doanh. TKV đã xây dựng nghị quyết và chương trình hành động ứng dụng cơ giới hóa, tự động hóa, tin học hóa vào sản xuất kinh doanh để tăng năng suất, nâng cao chất lượng sản phẩm, cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động… hướng đến xây dựng các “Mỏ xanh, mỏ hiện đại, mỏ ít người”.

Nếu như 5 năm trước đây, TKV có tổng số lao động lên đến gần 14 vạn người thì đến nay chỉ còn 9,8 vạn người. Điều đáng nói, bộ máy tổ chức từ Tập đoàn đến các đơn vị ngày càng được tinh gọn nhưng tổng sản lượng khai thác than vẫn giữ “phong độ”; tổng giá trị doanh thu đạt khoảng 130 nghìn tỷ đồng/năm…

Trong việc tổ chức sản xuất, TKV đã chỉ đạo các mỏ lộ thiên lớn có chung ranh giới mỏ triển khai trình tự bóc đất, khai thác hợp lý để tạo ra các lợi ích chung; tổ chức kết nối liên thông hàng loạt các mỏ hầm lò, các khu vực khai thác đồng mức. Quá trình kết nối sẽ giúp các đơn vị có thể ứng dụng các thiết bị công nghệ hiện đại và tiết giảm chi phí tạo ra các giá trị gia tăng lớn hơn trong cùng hệ thống.

Về ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất hầm lò, TKV đã nâng số lò chợ áp dụng khấu than bằng máy combain ngày càng tăng. Các đơn vị đều đã áp dụng chống lò bằng cột thủy lực, giá khung di động, giàn chống tự hành hiện đại, an toàn, mở ra triển vọng về cơ giới hóa sử dụng ít lao động...

Trong khai thác lộ thiên, các đơn vị đã đưa vào vận tải đất đá bằng xe trọng tải lớn đến 135 tấn. Đặc biệt, Công ty CP than Cao Sơn đã tổ chức mô hình vận tải đất đá hỗn hợp giữa xe ô tô và băng tải đá. Hệ thống băng tải đá mỗi năm vận chuyển trên 20 triệu mét khối đất đá, giảm chi phí đáng kể so với các công nghệ cũ.

Đồng thời, các đơn vị cũng đã ứng dụng nhiều công nghệ tự động hóa, tin học hóa thay thế con người, giảm lao động sống. Riêng các đơn vị sàng tuyển, chế biến than, TKV đã tự động hóa tối đa công đoạn giám sát thông số công nghệ chính trong hệ thống; tự động điều chỉnh tỷ trọng huyền phù cấp cho các máy tuyển; tự động điều khiển chế độ làm việc của các thiết bị cơ điện trong dây chuyền theo diễn biến công nghệ…

Có thể nói, tái cơ cấu công nghệ là hướng đi đúng đắn và mang tầm chiến lược của TKV. Và quan trọng hơn, việc không ngừng đầu tư công nghệ tiên tiến đã giúp TKV phát huy, nâng cao trình độ nhân lực vận hành, tăng năng suất lao động và hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

T.T

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/kinh-te/tai-chinh-ngan-hang/tai-co-cau-cong-nghe-mau-chot-de-san-xuat-kinh-doanh-tang-truong_t114c1068n150392