Tài chính vi mô cung cấp dịch vụ cho người nghèo

Hôm nay (12/12), tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Trung tâm Tư vấn Nguồn lực Tài chính vi mô doanh nghiệp nhỏ và vừa (tiền thân là Nhóm Công tác Tài chính vi mô Việt Nam - VMFWG) đồng tổ chức Tọa đàm 'Tài chính vi mô trong phát triển Tài chính toàn diện và Lễ trao giải thưởng doanh nhân vi mô tiêu biểu Citi Việt Nam năm 2018'.

 Lễ trao giải thưởng doanh nhân vi mô tiêu biểu Citi – Việt Nam năm 2018

Lễ trao giải thưởng doanh nhân vi mô tiêu biểu Citi – Việt Nam năm 2018

Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), thế giới đang đứng trước 3 thách thức lớn, đó là nghèo đói, bất bình đẳng và di cư. Dịch vụ tài chính (bao gồm các dịch vụ như tiết kiệm, bảo hiểm, chuyển tiền, thanh toán và tín dụng) là nền tảng quan trọng để giải quyết những vần đề mang tính toàn cầu này và là tiền đề hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững, công bằng và toàn diện cho mọi đối tượng trong xã hội, đặc biệt là các đối tượng yếu thế. Những đối tượng này bao gồm những người nghèo và người có thu nhập thấp, họ thường khó có cơ hội tiếp cận với các dịch vụ tài chính chính thức do một số rào cản về năng lực, hiểu biết tài chính và khả năng tiếp cận...

Với mục tiêu xây dựng và phát triển hệ thống tổ chức tài chính vi mô (TCVM) an toàn, bền vững, hướng tới phục vụ người nghèo, người có thu nhập thấp, các doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2195/QĐ-TTg ngày 06/12/2011 phê duyệt Đề án xây dựng và phát triển hệ thống TCVM tại Việt Nam đến năm 2020.

Gần 3 thập kỷ qua, hoạt động TCVM không ngừng đổi mới, phát triển cả về quy mô, sự đa dạng, đã góp phần vào công cuộc phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo của đất nước và đã góp phần giảm tỷ lệ nghèo ở Việt Nam năm 2017 xuống 6,7%. Tỷ lệ hộ nghèo cả nước, an sinh xã hội được cải thiện, thu nhập hộ gia đình được nâng cao... mặc dù nguồn vốn cho vay TCVM còn rất hạn chế.

Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, TCVM ra đời nhằm mục tiêu cải thiện điều kiện kinh tế cho nhóm khách hàng nghèo, giúp họ có cơ hội phát triển, cải thiện cuộc sống, thông qua việc cung cấp các dịch vụ tài chính cho người nghèo. Bên cạnh mục tiêu tạo cơ hội cho người nghèo tiếp cận trực tiếp với các dịch vụ tài chính và phi tài chính, các tổ chức TCVM còn hướng tới mục tiêu là giúp khách hàng có đủ năng lực tiếp cận bền vững với dịch vụ tài chính chính thức. Do đó, TCVM được coi là công cụ phát triển của người nghèo chứ không chỉ là dịch vụ tài chính đơn thuần.

Theo lãnh đạo NHNN, thời gian qua, cùng với tiến trình đổi mới, TCVM đã khẳng định được sự cần thiết và vai trò quan trọng của mình trong việc hỗ trợ người nghèo, người thu nhập thấp được tiếp cận dịch vụ tài chính và đây được xem là công cụ hữu hiệu trong chiến lược xóa đói giảm nghèo. Đối tượng khách hàng của TCVM chủ yếu là người nghèo, cận nghèo, hộ gia đình thu nhập thấp, nông dân, người dân ở vùng sâu vùng xa, dân tộc thiểu số và các đối tượng yếu thế khác. Do vậy, thúc đẩy sự phát triển của tài chính vi mô có ý nghĩa kinh tế, chính trị, an sinh xã hội rất lớn thông qua việc mở rộng cánh cửa tiếp cận dịch vụ tài chính và tín dụng cho người nghèo, người yếu thế, góp phần thực hiện hiệu quả các chủ trương đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước trong công cuộc xóa đói giảm nghèo, hạn chế tình trạng tín dụng đen, cho vay nặng lãi.

“Chính phủ nói chung và NHNN nói riêng đặc biệt quan tâm đến hoạt động và sự phát triển của TCVM. Điều này thể hiện thông qua việc Chính phủ đã phê duyệt đề án của NHNN về “Xây dựng và phát triển hệ thống tài chính vi mô tại Việt Nam đến năm 2020”, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú khẳng định.

Tại tọa đàm, các bên liên quan như đại diện các tổ chức TCVM, các chuyên gia, nhà quản lý đã trao đổi, cập nhật hoạt động TCVM nhằm thúc đẩy phát triển tài chính toàn diện trong thời gian gian tới. Đại diện Tổ chức TCVM nêu rõ tầm quan trọng của việc thiết kế kênh phân phối dịch vụ hiệu quả và phù hợp với khách hàng TCVM.

Cũng trong sự kiện này, NHNN cùng với Nhóm tổ chức Lễ trao giải Doanh nhân vi mô Citi – Việt Nam (CMA) năm 2018. Đây là chương trình có ý nghĩa xã hội hết sức sâu sắc, giúp vinh danh những tấm gương điển hình là những người nghèo đã sử dụng vốn vay vi mô hiệu quả để vươn lên và đạt được những thành công trong cuộc sống, qua đó chia sẻ những kinh nghiệm, mô hình thành công của mình trong sản xuất kinh doanh cho cộng đồng.

Đồng thời, đây cũng là cơ hội để các cơ quan quản lý, các hiệp hội đoàn thể, các cá nhân, tổ chức trong lĩnh vực TCVM có thể đề xuất, trao đổi về những sáng kiến, giải pháp thúc đẩy phát triển TCVM như một trụ cột quan trọng hướng tới phát triển tài chính toàn diện tại Việt Nam. Từ đó góp phần tích cực vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Chính phủ về an sinh xã hội và đoàn kết cộng đồng, xã hội.

Phương Thảo

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/kinh-te/tai-chinh-bao-hiem/tai-chinh-vi-mo-cung-cap-dich-vu-cho-nguoi-ngheo-52659