Tài chính tuần qua: Nhiều ngân hàng phải đẩy mạnh huy động tiền cuối năm, Bitcoin bị gọi là 'trò lừa đa cấp'

'Điểm mặt' ngân hàng có thể phải đẩy mạnh huy động tiền gửi trong quý IV, ngân hàng lớn nhất Đông Nam Á gọi Bitcoin là 'trò lừa đa cấp' là hai trong số những tin bài 'nóng' trên mặt báo tài chính tuần qua.

Ảnh minh họa.

“Điểm mặt” ngân hàng có thể phải đẩy mạnh huy động tiền gửi trong quý IV

Thống kê số liệu từ báo cáo tài chính của 15 ngân hàng lớn cho thấy, đến ngày 30/09/2017 có 6/15 ngân hàng chỉ mới đi đạt được 12,5% đến 53% kế hoạch huy động tiền gửi cả năm trên thị trường một dù đã đi hết ¾ thời gian của năm, gồm: VP Bank, LienVietPost Bank, VIB, Sacombank, Kienlong Bank, OCB.

Trong khi đó, đối với hoạt động cho vay, OCB, Kienlong Bank và Sacombank đã đi được từ 74% đến 142% kế hoạch tăng trưởng tín dụng cả năm (không so sánh với kế hoạch tăng trưởng tín dụng điều chỉnh, nếu có); VIB và VPBank đang trong tình trạng số dư tiền gửi khách hàng thấp hơn số nợ cho vay khách hàng.

Ngoài ra, Vietinbank và BIDV mặc dù đã đi được 71,2% và 81% kế hoạch huy động vốn cả năm; nhưng tăng trưởng tín dụng 9 tháng đầu năm đi nhanh hơn tăng trưởng huy động và đến cuối tháng 9/2017 số dư tiền gửi khách hàng thấp hơn số dư tiền gửi cho vay khách hàng. (Xem tiếp)

Ngân hàng lớn nhất Đông Nam Á gọi Bitcoin là “trò lừa đa cấp”

"Chúng tôi thấy Bitcoin giống với mô hình lừa đảo Ponzi", David Gledhill, trưởng nhóm thông tin, công nghệ và vận hành tại ngân hàng DBS của Singapore cho biết.

Ponzi là mô hình lừa đảo từ thế kỷ trước, hứa hẹn mang lại lợi nhuận lớn mà ít rủi ro cho nhà đầu tư. Mô hình Ponzi tạo ra lợi nhuận cho nhà đầu tư cũ bằng cách tìm thêm nhà đầu tư mới. Cụ thể, nhà đầu tư cũ được trả lãi bằng số tiền của các nhà đầu tư mới. Mô hình này cuối cùng sụp đổ khi không còn đủ tiền trả lãi toàn hệ thống.

Giao dịch Bitcoin có chi phí "đắt đến khó tin" và "tất cả các chi phí này được giấu nhẹm thông qua hệ thống mã hóa", Gledhill nói tại Lễ hội Công nghệ tài chính Singapore (Singapore Fintech Festival). (Xem tiếp)

Thống đốc lý giải nguyên nhân các vụ “bỗng dưng” mất tiền trong tài khoản

Tại phiên chất vấn sáng 17/11, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng đã trả lời các câu hỏi liên quan đến bảo mật thẻ, gian lận thẻ, mất sổ tiết kiệm.

Trong đó, về gian lận trong thanh toán thẻ ATM, Thống đốc Lê Minh Hưng thừa nhận, hành vi gian lận trong thanh toán thẻ đang gia tăng đáng lo ngại tại Việt Nam và các nước.

Năm 2015, theo thống kê của Visa Master, tổng tiền thiệt hại từ hành vi gian lận trên thế giới là trên 21 tỷ USD, đồng nghĩa cứ 100 USD giao dịch thẻ mất 7 cent.

"Tỷ lệ thiệt hại ở Việt Nam bằng 1/3 bình quân của các nước trên thế giới. Tuy nhiên, hiện tượng này ở Việt Nam đang có chiều hướng gia tăng", ông Hưng nói. (Xem tiếp)

[Infographic] Nhìn lại kết quả kinh doanh ngành ngân hàng 9 tháng đầu năm 2017

Báo cáo kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm cho thấy, lợi nhuận của các ngân hàng thương mại đang ở mức cao nhất trong vòng 4, 5 năm trở lại đây. Điều này có sự đóng góp vô cùng quan trọng của hoạt động tín dụng. Thống kê cho thấy, thu nhập lãi thuần vẫn chiếm tới hơn 75% tổng thu nhập của các nhà băng.

Dù vậy, một điều cũng dễ nhận thấy, là đang có sự lệch pha khá lớn giữa tăng trưởng tín dụng và tăng trưởng huy động tiền gửi ở nhiều nhà băng. Theo số liệu công bố của NHNN, tăng trưởng tín dụng 9 tháng đầu năm của toàn hệ thống đã đạt 12,16% (so với mức 10,64% cùng kỳ), trong khi theo một báo cáo của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, huy động vốn 9 tháng chỉ tăng 11,2% (trong khi cùng kỳ năm 2016 tăng 14,1%), trong đó, tiền gửi khách hàng chỉ tăng khoảng 10,9% so với cuối năm 2016.

Nợ xấu cũng là một vấn đề cần lưu ý khi nhiều nhà băng có tỷ lệ nợ xấu/tổng dư nợ cũng như giá trị tuyệt đối của nợ xấu đều tăng đáng kể so với đầu năm. (Xem tiếp)

Chuyện ngân hàng tăng vốn: Người vẫn loay hoay, kẻ bỏ giữa chừng!

Có thể nói, việc tăng vốn hiện nay đối với các nhà băng không chỉ để tăng nội lực tài chính mà còn là nhiệm vụ tất yếu để có thể đáp ứng các yêu cầu trong tương lai gần.

Theo tính toán của người viết, có khoảng 16 nhà băng đã công bố kế hoạch tăng vốn trong năm 2017, với tổng mức vốn tăng dự kiến gần 36 nghìn tỷ đồng.

Dù vậy, tới thời điểm hiện tại, khi chỉ còn hơn 1 tháng nữa là kết thúc năm, mới chỉ có vỏn vẹn 2 ngân hàng hoàn thành kế hoạch tăng vốn… (Xem tiếp)

Xử lý ngân hàng yếu kém: “Cơ chế, cơ chế và cơ chế”

Tôi thấy chúng ta cần nhìn lại giai đoạn vừa qua. Giải pháp Ngân hàng Nhà nước mua lại bắt buộc ngân hàng yếu kém với giá 0 đồng có thể nói là lựa chọn, là giải pháp hữu hiệu nhất khi đó.

Ba năm trước, những người trong cuộc, trong ngành ngân hàng chắc chắn không bao giờ quên bối cảnh và tình huống khi thực hiện giải pháp đó. Dù đã vượt qua bờ vực đổ vỡ năm 2011, an toàn hệ thống giai đoạn ấy vẫn rất chông chênh, yêu cầu tái cơ cấu đặt ra quyết liệt và căng thẳng; ở những điểm nóng thì tình hình tài chính nguy hiểm rồi, nếu không nhanh chóng khoanh vùng và ngăn chặn.

Khi đó và cả cho đến nay, không có tiền ngân sách để xử lý. Tôi biết Ngân hàng Nhà nước cũng tránh nói đến việc dùng tiền ngân sách, vì quá nhạy cảm. Trong khi đó các "ngân hàng 0 đồng", dù đã tạo nhiều điều kiện, thời gian, nhưng không có cách gì tự khắc phục được. Nếu càng để lâu, không chỉ những trường hợp đó càng sa lầy, mà rủi ro và ảnh hưởng đối với hệ thống càng có thể loang rộng. (Xem tiếp)

Lúng túng quản lý Bitcoin tại Việt Nam

Ông Phan Vũ Hoàng - Phó giám đốc Bộ phận Tư vấn thuế, Công ty TNHH Deloitte Việt Nam cho rằng, cách quản lý của các cơ quan quản lý nhà nước với đồng tiền ảo này hiện chưa thống nhất tại hội thảo “Blockchain, thuế điện tử và những tác động tới doanh nghiệp, nền kinh tế toàn cầu”.

Để chứng minh cho nhận định của mình, ông Hoàng đã dẫn chứng vụ kiện liên quan đến Bitcoin giữa Chi cục thuế TP Bến Tre và ông Nguyễn Việt Cường.

Từ giữa năm 2008 đến tháng 9/2013, ông Cường tham gia trao đổi tiền điện tử (Bitcoin) trên mạng. Sau đó, ông Cường nhiều lần bị Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Bến Tre mời đến làm việc về các hoạt động liên quan đến tiền điện tử. Cơ quan này kết luận trường hợp kinh doanh của ông Cường không phải là hành vi phạm tội nhưng đề nghị xử lý hành chính. (Xem tiếp)

Nợ xấu thực chất là bao nhiêu?

Làm rõ thắc mắc của đại biểu, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết con số nợ xấu NHNN báo cáo là số liệu nợ xấu nội bảng của các tổ chức tín dụng. Số liệu cập nhật đến cuối tháng 9/2017, tỷ lệ nợ xấu nội bảng toàn hệ thống tổ chức tín dụng là 2,34% tổng dư nợ, giảm so với mức 2,46% vào cuối 2016.

Tuy nhiên, theo Thống đốc nếu đánh giá đầy đủ và thận trọng, một số khoản nợ tiềm ẩn thành nợ xấu, nợ xấu nội bảng và nợ đã bán cho VAMC thì nợ xấu và nợ tiềm ẩn của toàn hệ thống ngân hàng đến cuối tháng 9/2017 là 566.000 tỷ, tương đương 8,61%, giảm hơn 1% so với cuối năm 2016.

"NHNN báo cáo là nợ xấu nội bảng còn nếu cả nợ xấu đã bán cho VAMC và nợ tiềm ẩn thì sẽ cao hơn", Thống đốc cho biết. (Xem tiếp)

Ngân hàng 0 đồng: Đã bắt đầu hoạt động ổn định, lỗ lũy kế giảm dần

Lãnh đạo NHNN cho biết, cơ bản bước đầu các hoạt động của ngân hàng này đã tạm ổn định và lỗ lũy kế cũng đã giảm dần.

Tuy nhiên, phải nói một thực tế là các ngân hàng này còn khó khăn do thực trạng tài chính, tài sản không sinh lời cao cho nên làm chi phí gia tăng.

Chính vì vậy giải pháp NHNN đã có từ năm 2016 thì Chính phủ đã chỉ đạo rất quyết liệt, đã báo cáo xây dựng đề án để xử lý các ngân hàng này, có các giải pháp khác nhau và Chính phủ đã chỉ đạo hoàn thiện. Vừa rồi gần đây nhất Chính phủ đã họp và đã có nghị quyết để hoàn thiện các phương án xử lý cụ thể. (Xem tiếp)

“Mạng nhện” sở hữu chéo ngân hàng đã được “gỡ” đến đâu?

Tại phiên chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ngày 17/11, đại biểu Bùi Thành Tùng (Hải Phòng) cho biết sở hữu chéo chưa được xử lý dứt điểm. Đại biểu đề nghị Thống đốc đưa ra nguyên nhân và giải pháp trong thời gian tới để xử lý vấn đề này.

Về vấn đề này, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết trong thời gian vừa qua NHNN đã chỉ đạo và giám sát các tổ chức tín dụng để đẩy nhanh tiến độ xử lý các vi phạm về giới hạn sở hữu cổ phần, sở hữu chéo thông qua yêu cầu chuyển nhượng, thoái vốn, sáp nhập, hợp nhất và mua lại cổ phần của các tổ chức tín dụng. Đến nay tình hình sở hữu cổ phần và sở hữu chéo đã giải quyết được cơ bản, tình hình của các ngân hàng cũng minh bạch và đại chúng hơn.

Tình trạng của cổ đông và nhóm cổ đông lớn thao túng, chi phối ngân hàng đã được nhận diện và xử lý, kiểm soát một bước quan trọng. Các nhóm chi phối hoạt động ngân hàng đã giảm mạnh. (Xem tiếp)

LINH LINH

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/tai-chinh/tai-chinh-tuan-qua-nhieu-ngan-hang-phai-day-manh-huy-dong-tien-cuoi-nam-bitcoin-bi-goi-la-tro-lua-da-cap-3421035.html