Tài chính tuần qua: Ngân hàng Việt khát vốn, lào sao để 'kéo' vàng ra khỏi két dân?

Ngân hàng Việt đang khát vốn, “kéo” vàng ra khỏi két dân là hai trong số những tin bài “nóng” trên mặt báo tài chính tuần qua.

“Kéo” vàng ra khỏi két dân

Chị Ngọc Vân (quận 6, TP. HCM) cho biết nhà chị có 10 lượng vàng phòng thân. Mặc kệ giá lên, giá xuống, cũng không bán ra để đầu tư. Gửi tiết kiệm thì gửi bằng tiền. Không gửi thì mua nhà, là một kênh đầu tư. “Bảo tôi gửi vàng thật lấy chứng chỉ vàng giấy, dù có trả lãi như lãi gửi tiết kiệm tôi cũng sợ, nhỡ vàng tụt giá kêu tôi đến bắt nhận lại, khi vàng lên giá vùn vụt, tôi đến đòi vàng thật thì không trả!?” - chị Ngọc Vân nói.

Vẫn có nhiều người có tâm lý cất giữ vàng như chị Vân. Tuy nhiên, ông Phan Dũng Khánh, chuyên gia tài chính, cho rằng hiện đã có nhiều người xem vàng là kênh đầu tư và rất muốn đầu tư vàng. Dẫn chứng là hàng loạt vụ đầu tư vào sàn vàng chui. Cứ đánh sập sàn vàng chui này lại có một sàn vàng chui khác xuất hiện. (Xem tiếp)

Ngân hàng Việt đang khát vốn

Ông Phạm Thanh Hà, Phó tổng giám đốc ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank), cho biết ngân hàng Việt Nam đang được hưởng nhiều lợi ích từ nền kinh tế ổn định, chẳng hạn tỷ giá ổn định đã giúp các ngân hàng tạo ra nhiều tài sản hơn.

Ngành ngân hàng Việt đã hoàn tất giai đoạn đầu tiên tái cấu trúc và đang chuyển sang giai đoạn thứ 2. Tuy nhiên, các ngân hàng thương mại Việt Nam đang đối mặt với nhu cầu tăng vốn để gia tăng năng lực cạnh tranh. Điều này có thể nhận thấy những khó khăn tăng vốn trong thời gian qua của nhiều ngân hàng khi phát hành cổ phiếu tăng vốn không thành công.

Nhu cầu tăng vốn mạnh mẽ của các ngân hàng sẽ làm tăng cầu vốn trong nước, khi cầu vốn trong nước khó khăn các ngân hàng thương mại sẽ quay sang thu hút vốn đầu tư từ nước ngoài. (Xem tiếp)

Có nên cho phép nhập khẩu vàng?

Ông Đinh Nho Bảng, Tổng thư ký Hiệp hội Kinh doanh vàng (VGTA), cho biết nhiều doanh nghiệp (DN) phản ánh ngày càng khó khăn trong việc tìm nguồn vàng nguyên liệu trong nước để sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ, do gần 5 năm nay không DN nào được cấp phép nhập khẩu vàng. “Thời điểm năm 2012 thị trường vàng trong nước xảy ra nhiều bất ổn, nhiều người đầu cơ tích trữ, lũng đoạn thị trường, tạo ra các cơn sốt vàng nên Chính phủ ban hành Nghị định 24 để siết, quản lý thị trường. Sau gần 5 năm, thị trường vàng VN đã cơ bản ổn định, một số quy định tại Nghị định 24 không còn phù hợp với tình hình hiện nay”, ông Bảng nói.

Theo VGTA, bất cập lớn nhất là việc DN đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức nhưng lại không được nhập khẩu vàng nguyên liệu phục vụ sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ. Quy định này khiến các DN phải mua vàng trôi nổi trên thị trường trong nước với giá cao hơn nhiều so với giá vàng quốc tế, khiến giá thành tăng cao, mất lợi thế cạnh tranh; thậm chí còn vô tình tiếp tay cho hoạt động buôn lậu vàng phát triển, đẩy DN đến tình trạng luôn phải đối mặt với rủi ro pháp lý liên quan đến việc mua bán vàng bất hợp pháp... Vì vậy, VGTA kiến nghị sửa đổi nhiều quy định liên quan đến điều kiện kinh doanh, đăng ký bổ sung địa điểm kinh doanh, tiếp cận vốn ngân hàng..., trong đó có việc cho phép nhập khẩu vàng nguyên liệu phục vụ sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ. (Xem tiếp)

5 năm nợ xấu và những con số

Điểm xuất phát của quá trình xử lý nợ xấu hiện nay được xác định từ mốc 30/9/2012 - thời điểm nợ xấu được công bố công khai với mức độ hai con số, thay vì chỉ trên dưới 3% theo cách công bố nhiều năm trước đó.

Cụ thể, tại 30/9/2012, nợ xấu của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng Việt Nam là 464.664 tỷ đồng, tương đương 17,21% tổng dư nợ tín dụng.

Trong năm 2012 và 6 tháng đầu năm 2013, tỷ lệ nợ xấu công bố chỉ phản ánh một cách tương đối thực trạng, vì các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại 143,4 nghìn tỷ đồng dư nợ tín dụng theo Quyết định số 780/QĐ-NHNN ngày 23/4/2012. (Xem tiếp)

Thẻ ATM dễ mở, dễ bị lợi dụng

Theo M.T, nhân viên của một NHTMCP lớn, các nhân viên làm việc tại NH đều được áp dụng chỉ tiêu doanh số theo từng cấp bậc. Chẳng hạn, một chuyên viên tín dụng doanh nghiệp kinh nghiệm 2 năm mỗi tháng phải huy động 1 tỷ đồng, dư nợ 1 tỷ đồng và số lượng thẻ cả năm phải đạt khoảng 70 thẻ, chỉ tiêu của chuyên viên tín dụng cá nhân 1 tháng huy động 800 triệu đồng, dư nợ 1,8 tỷ đồng và 10 thẻ/tháng (tức 120 thẻ/năm). Các cấp bậc cao hơn chỉ tiêu cũng cao hơn.

Mở thẻ ATM dễ dàng cũng chính là kẽ hở một số đối tượng có thể lợi dụng, sau khi thuê làm thẻ ATM với mức giá 200.000 đồng/thẻ, họ có thể dùng để nhận và rút những khoản tiền lừa đảo và chính chủ thẻ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Đây là vấn đề NH cần xem xét lại để tránh thiệt hại cho người dân. ( Xem tiếp)

Sẽ có hiện tượng lớn lợi nhuận ngân hàng 9 tháng?

Do đặc điểm của lịch sử, cả những đặc thù lợi thế kinh doanh, khối ngân hàng thương mại Nhà nước nói trên có quy mô và thị phần khác biệt, nên mức độ lợi nhuận được so sánh riêng trong khối.

Khối ngân hàng thương mại cổ phần (không có tỷ lệ sở hữu chi phối của Nhà nước) được chú ý hơn, do có số lượng thành viên lớn, phản ánh nhiều thăng trầm và thay đổi trong hoạt động ngân hàng những năm gần đây.

Từ năm 2011 trở về trước, khối ngân hàng thương mại cổ phần thường “cố định” vị thế lợi nhuận lớn ở top 5, gồm Ngân hàng Kỹ thương (Techcombank), Ngân hàng Quân đội (MB), Ngân hàng Á Châu (ACB), Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) và Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank). (Xem tiếp)

Điểm trùng hợp của nhóm ngân hàng lãi nhất 9 tháng đầu năm

ột câu hỏi có vẻ nhạy cảm, nhưng cũng được đặt ra, với tính chất bên lề: việc Vietcombank cũng như một số ngân hàng khác vừa giảm lãi suất cho vay sau nghị quyết của Chính phủ, có phảng phất “tính chính trị” không?

Ông Thành trả lời ngay: “Với Vietcombank, các quyết định giảm lãi suất vừa qua là để tự “cứu” mình. Quyết định giảm lãi suất huy động khoảng một tháng trước là yêu cầu giảm giá vốn khi nguồn huy động lớn và dư thừa, trong khi tín dụng đầu ra có giới hạn. Quyết định giảm lãi suất cho vay vừa rồi cũng đã được cân đối kỹ, chắc chắn trên cơ sở đảm bảo kế hoạch cả năm của ngân hàng. Và giảm được chi phí cho khách hàng, thì ngân hàng lợi”. (Xem tiếp)

Tỷ giá sẽ tăng vào cuối năm?

Dọc tuyến đường Lê Thánh Tôn, bất chấp những cơn mưa ở Sài Gòn, mấy tuần gần đây số người đến giao dịch mua bán ngoại tệ nhộn nhịp hơn thường lệ. Tại Hà Nội, con phố Hà Trung cũng tăng nhiệt theo từng ngày khi mỗi ngày USD nhích tăng gần 10 đồng. Còn theo niêm yết chính thức từ khối ngân hàng quốc doanh như Vietcombank, BIDV cho đến các ngân hàng thương mại như Techcombank, Maritime Bank, Ngân hàng Đông Á, chỉ trong vòng 1 tuần (21-28/10/2016), mức chênh lệch giá bán ra đồng USD đã vào khoảng 20-50 đồng, tức diễn biến rất sát với xu hướng trên thị trường tự do.

Diễn biến mới này cũng trùng khớp với những dự đoán trong báo cáo của BMI (công bố vào tháng 8), được giới chuyên gia kinh tế cảnh báo có thể sẽ tác động lên cán cân xuất nhập khẩu 2 tháng cuối năm nay. Theo đó, BMI cho rằng tiền đồng có thể chạm ngưỡng 22.600 đồng đổi 1 USD vào cuối quý IV/2016 và sẽ thiết lập đỉnh mới khoảng 23.200 VND/USD vào cuối năm 2017, tức tương đương mức điều chỉnh tăng lần lượt là 1,3% và 4% so với tỷ giá đang ở ngưỡng 22.300 VND/USD hiện tại. (Xem tiếp)

Linh Linh

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/tai-chinh/tai-chinh-tuan-qua-ngan-hang-viet-khat-von-lao-sao-de-keo-vang-ra-khoi-ket-dan-2161858.html