Tài chính tuần qua: Cựu chủ tịch BIDV Trần Bắc Hà vi phạm 'rất nghiêm trọng'

Mới đây Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thông báo kết luận ông Trần Bắc Hà đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc, có biểu hiện áp đặt, thiếu dân chủ trong chỉ đạo, điều hành.

Ảnh minh họa.

Ủy ban Kiểm tra Trung ương: Cựu chủ tịch BIDV Trần Bắc Hà vi phạm “rất nghiêm trọng”

Tại kỳ họp lần này, Ủy ban Kiểm tra Trung ương (UBKT Trung ương) đã kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Ban Thường vụ Đảng ủy Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV).

Kết quả kiểm tra cho thấy: Ban Thường vụ Đảng ủy BIDV nhiệm kỳ 2010-2015, 2015-2020 đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, thiếu kiểm tra, giám sát, để BIDV có nhiều vi phạm nghiêm trọng mang tính hệ thống trong thực hiện quy chế làm việc, quy định về phân cấp thẩm quyền và quy trình, thủ tục cấp tín dụng, gây hậu quả rất nghiêm trọng, làm tăng nợ xấu, nhất là các khoản nợ có khả năng mất vốn.

Để nhiều cán bộ vi phạm kỷ luật đảng và pháp luật nhà nước, bị xử lý hình sự; làm giảm nguồn thu ngân sách, ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh, đến thu nhập, việc làm và đời sống của người lao động Ngân hàng BIDV. (Xem tiếp)

“Bán” tài khoản ngân hàng và chiếc bẫy không ngờ

Những người có ý đồ xấu đứng ra thuê người lao động, công nhân, sinh viên dùng giấy tờ tùy thân của họ để mở tài khoản và làm thẻ, sau đó mua lại tài khoản và thẻ này.

Do thủ tục rất đơn giản, chỉ cần dùng chứng minh nhân dân có thể mở tài khoản để có được 5 thẻ ở 5 NH khác nhau. Mỗi thẻ sẽ được "trả công" 200.000 đồng. Nghĩ chỉ đi một buổi sẽ kiếm được 1 triệu đồng nên nhiều người đã đồng ý.

Hằng, sinh viên mới ra trường đang tìm việc làm, cho biết ban đầu khi được chào mời đã đồng ý vì đang cần tiền.

Hằng đã đến 5 ngân hàng nhưng nhân viên ngân hàng nghi ngờ nên hỏi rất kỹ. Cụ thể như đã mở ở ngân hàng nào chưa, có ai thuê mở thẻ không. (Xem tiếp)

Xử lý ra sao với khối tài sản “kếch xù” trong vụ Hứa Thị Phấn?

Ngày 31/5, hội đồng xét xử (HĐXX) vụ án bà Hứa Thị Phấn và đồng phạm gây thiệt hại cho Ngân hàng Đại Tín hơn 6.300 tỷ đồng đã tuyên án. Theo đó, tòa tuyên bản án 30 năm cho “bà trùm” cùng với khoản bồi thường hơn 15.691 tỷ đồng.

Về xử lý tài sản trong vụ án, HĐXX tuyên những khoản tiền có nguồn gốc liên quan đến bị cáo Hứa Thị Phấn tại các tổ chức như Agribank trung tâm Sài Gòn, Bất động Sản Phú Mỹ, Thiết Bị Điện, Chi cục thuế quận 3 đều phải thu hồi do là vật chứng của dự án, phải hoàn trả cho Ngân hàng CB.

Liên quan đến số cổ phần có nguồn gốc từ bị cáo Phấn, không phải thu hồi do các bị cáo chỉ đứng tên và đã thực hiện chuyển nhượng. (Xem tiếp)

Cảnh báo “tín dụng đen” núp bóng doanh nghiệp phát hành sổ tiết kiệm

Trung tuần tháng 4/2018, hàng trăm người dân tại các huyện Nghi Lộc, Yên Thành và vùng phụ cận, hoang mang lẫn hoảng loạn trước thông tin ông Trần Văn Phúc (51 tuổi), Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân (DNTN) vàng bạc Phúc Nhiên tại xã Bảo Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An) tuyên bố vỡ nợ, dỡ bảng hiệu và ngừng các hoạt động kinh doanh.

Trước đó, thông qua hình thức phát hành sổ tiết kiệm (chưa được cơ quan chức năng có thẩm quyền cho phép), doanh nghiệp này đã huy động vốn của hàng trăm người dân trên địa bàn, với số tiền ban đầu lên đến khoảng 70 tỷ đồng.

Cầm cái gọi là "Sổ tiết kiệm" do DNTN Phúc Nhiên phát hành, ông Lê Anh Đào (52 tuổi), trú tại xã Sơn Thành, huyện Yên Thành đau khổ cho biết: Cũng vì tin tưởng vợ chồng Phúc Nhiên kinh doanh trong lĩnh vực vàng bạc hàng chục năm nay, làm ăn uy tín nên ông mới tin tưởng, gom hết tài sản tích cóp được gửi tiết kiệm vào doanh nghiệp này với lãi suất 7,5%/năm (cao hơn lãi suất ngân hàng 1%/năm). Tổng số tiền mà doanh nghiệp này chiếm đoạt của ông Đào thông qua hình thức này là gần 150 triệu đồng. (Xem tiếp)

“Bà trùm” Hứa Thị Phấn lĩnh án 30 năm tù, bồi thường 15.691 tỷ đồng

Đầu năm 2007, bà Hứa Thị Phấn cùng CTCP Đầu tư Phát triển Phú Mỹ và 14 cá nhân có quan hệ gia đình và họ hàng, đứng tên giúp Hứa Thị Phấn (gọi tắt là nhóm Phú Mỹ), đã tham gia mua hơn 254 triệu cổ phần của Ngân hàng Đại Tín, tương đương hơn 2.547 tỷ đồng, chiếm 84,92% vốn điều lệ và giữ chức vụ Cố vấn cao cấp HĐQT ngân hàng này.

Bà Phấn lợi dụng việc nắm giữ lượng lớn vốn, nắm quyền chi phối, điều hành mọi hoạt động của Ngân hàng Đại Tín, thâu tóm toàn bộ HĐQT, Ban điều hành và cán bộ, nhân viên 2 chi nhánh Sài Gòn, Lam Giang; lũng đoạn mọi hoạt động đầu tư, hoạt động tín dụng và hoạt động thu chi tiền mặt; lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, cố ý làm trái Luật Kế toán, Luật các TCTD và Điều lệ Ngân hàng Đại Tín để "rút ruột", chiếm đoạt và sử dụng hơn 6.000 tỷ đồng của Ngân hàng Đại Tín. (Xem tiếp)

Tòa bác yêu cầu buộc Vietinbank bồi thường 900 tỷ cho bốn công ty

Ngày 30/5, sau ba ngày xét xử, TAND Cấp cao tại TP HCM không chấp nhận kháng cáo của 4 công ty: Chứng khoán Saigonbank - Berjaya (SBBS), Bảo hiểm Toàn Cầu, Chứng khoán Phương Đông, Đầu tư và thương mại An Lộc. HĐXX tuyên y án sơ thẩm, buộc Huỳnh Thị Huyền Như (40 tuổi, nguyên phó phòng Quản lý rủi ro VietinBank - Chi nhánh TP HCM) bồi thường 885 tỷ đồng cho các công ty này.

Theo tòa, ngay từ đầu Huyền Như đã thể hiện ý thức chiếm đoạt tiền của các công ty khi làm thủ tục mở tài khoản cho họ. Thủ tục mở tài khoản dù hợp pháp nhưng thực tế đã bị đánh tráo. Cô ta đã giả chữ ký, làm phiếu chi giả ngay sau đó để chiếm đoạt tiền...

Các công ty yêu cầu Vietinbank bồi thường, nhưng quá trình điều tra truy tố lại các cơ quan tố tụng không truy tố Như về tội Tham ô tài sản. Án sơ thẩm buộc bị cáo Huyền Như bồi thường cho các công ty là phù hợp, không có cơ sở buộc Vietinbank phải chịu trách nhiệm. (Xem tiếp)

ĐHĐCĐ Maritime Bank: Lên kế hoạch tìm đối tác chiến lược nước ngoài?

Ông Huỳnh Bửu Quang, thành viên Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Maritime Bank cho biết, năm 2017 là năm Maritime Bank tập trung đầu tư vào hệ thống công nghệ để nâng cao chất lượng dịch vụ, tự động đáp ứng quy mô phát triển của ngân hàng trong thời điểm hiện tại và các năm tiếp theo. Đồng thời, ngân hàng cũng chú trọng nhiều hơn tới việc nâng cao trái nghiệm khách hàng, cải thiện chất lượng dịch vụ và xây dựng văn hóa triển khai trách nhiệm cao trên phạm vi hoàn ngân hàng.

Để tiếp cận và phục vụ khách hàng trên phạm vi toàn quốc, ngân hàng cũng đã hoàn thành thực hiện chuyển đổi mô hình Quỹ tiết kiệm thành các phòng giao dịch và mở rộng địa bàn hoạt động ra các tỉnh, thành khác nhằm khai thác tiềm năng khách hàng trên khắp cả nước.

Theo đó, đến cuối năm 2017, Maritime Bank có mạng lưới các điểm giao dịch gồm 264 điểm với 56 chi nhánh, 208 phòng giao dịch tại 51 tỉnh, thành phố. Tổng số lao động đến thời điểm cuối năm 2017 là 5.799 người. (Xem tiếp)

Vốn ngoại “khoái” cổ ngân hàng

Vừa qua, nhóm Alp Asia Finance Limited đã trở thành cổ đông lớn, sở hữu gần 10% vốn điều lệ Ngân hàng Á Châu (ACB). Theo đó, Quỹ Whistler Investments Limited cùng với Quỹ Sather Gate Investments Limited (thuộc sở hữu 100% bởi Alp Asia Finance Vietnam Limited) đang nắm giữ tổng cộng 102,2 triệu cổ phiếu ACB, tương ứng tỷ lệ 9,95% vốn điều lệ Ngân hàng. Trong đó, mỗi quỹ ngoại này nắm giữ hơn 51,1 triệu cổ phiếu ACB, tương ứng tỷ lệ sở hữu 4,97%. Ngày trở thành cổ đông lớn của nhóm cổ đông này là 7/5/2018.

Số cổ phiếu ACB mà 2 quỹ trên nắm giữ là nhận từ đợt chuyển nhượng 164 triệu cổ phần ACB của Standard Chartered APR Limited và Standard Chartered Bank (Hồng Kông) Limited. Cùng với 2 quỹ của Alp Asia Finance Limited còn có 3 quỹ khác nhận chuyển nhượng cổ phiếu ACB từ Standard Chartered là Estes Investments Limited (nhận 38,5 triệu cổ phiếu ACB), Boardwalk South Limited (nhận 154.100 cổ phiếu ACB) và Estes Investments Limited (nhận 12,7 triệu cổ phiếu ACB). (Xem tiếp)

Lượng Bitcoin Gold trị giá 18 triệu USD mới bị hacker đánh cắp

Nhóm phát triển Bitcoin Gold mới đây đã thực hiện vá lỗi sau cuộc tấn công ăn cắp tiền điện tử vào tuần trước.

Cụ thể, những kẻ đánh cắp đã đã gửi tiền tại các sàn giao dịch điện tử để đổi tiền ảo, sau đó đột ngột rút tiền. Tiếp theo, những kẻ tấn công đã sử dụng một hệ thống máy tính mạnh để chiếm quyền kiểm soát phần lớn hệ thống blockchain, qua đó buộc các phần của hệ thống chấp nhận khối tiền gửi giả mạo của họ trên mạng để tiến hành giao dịch.

Theo báo cáo của CCN, những kẻ tấn công đã gửi hơn 380.000 BTG cho các giao dịch ảo và hiện vẫn chưa rõ những tên này đã thu lợi bất chính được bao nhiêu. Theo lý thuyết nếu tất cả các giao dịch của chúng thành công, những kẻ tấn công sẽ thu về hơn 18 triệu USD. (Xem tiếp)

LINH LINH

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/tai-chinh/tai-chinh-tuan-qua-cuu-chu-tich-bidv-tran-bac-ha-vi-pham-rat-nghiem-trong-3452805.html