Tài chính 24h: Ông Phạm Công Danh lại chuẩn bị phải hầu tòa

Nguồn tin của BizLIVE cho hay, ông Phạm Công Danh sẽ hầu tòa với vai trò người liên quan tới vụ án.

Ông Phạm Công Danh

Ông Phạm Công Danh sắp hầu tòa trong vụ xét xử bà Hứa Thị Phấn gây thiệt hại hơn 6.300 tỷ

Theo nguồn tin của BizLIVE, ông Phạm Công Danh, nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam - VNCB (trước đó là Ngân hàng TMCP Đại Tín), nguyên Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thiên Thanh sẽ có mặt trong phiên tòa xét xử bà Hứa Thị Phấn, nguyên cố vấn cao cấp HĐQT Ngân hàng Đại Tín, nguyên Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư phát triển Phú Mỹ về hai tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản và Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, xảy ra tại Ngân hàng Đại Tín.

Chánh tòa hình sự TAND TP.HCM Phạm Lương Toản giữ vai trò Chủ tọa phiên tòa. Dự kiến phiên tòa kéo dài đến hết tháng 5/2018.

Theo kết quả điều tra, bị can Hứa Thị Phấn cùng CTCP Đầu tư Phát triển Phú Mỹ và 14 cá nhân có quan hệ gia đình và họ hàng, đứng tên giúp bị can Phấn (gọi tắt là nhóm Phú Mỹ), đầu năm 2007, đã tham gia mua hơn 254 triệu cổ phần của Ngân hàng Đại Tín, tương đương hơn 2.547 tỷ, chiếm 84,92% vốn điều lệ và giữ chức vụ Cố vấn cao cấp HĐQT ngân hàng. (Xem tiếp)

“Chất lượng tài sản của các ngân hàng có thể bị ảnh hưởng trong một hai năm tới”

Ông Phan Lê Thành Long, Giám đốc Viện kế toán Quản trị Công chứng Úc tại Việt Nam, giảng viên chính ICAEW/CFAB và Kiểm toán viên chuyên nghiệp – PA, cho rằng tài sản khối ngân hàng đã và đang dịch chuyển sang mảng bán lẻ và tiêu dùng. Hai mảng này sẽ chịu ảnh hưởng lớn hơn bởi kinh tế vĩ mô, yếu tố sẽ tác động lớn đến tiêu dùng.

Theo ông Phan Lê Thành Long, số liệu bảng cân đối kế toán của các ngân hàng đã tốt hơn rất nhiều thông qua hoạt động xử lý nợ xấu một cách chủ động. Thống kê số liệu báo cáo tài chính của các ngân hàng do BizLIVE thực hiện cho thấy, phần tài sản ẩn chứa nhiều rủi ro, nguy cơ tài sản xấu trong năm 2017 đã giảm đáng kể, và giảm ở hầu hết các ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính. (Xem tiếp)

777 nhà đầu tư “đặt gạch” mua cổ phần OCB do Vietcombank đấu giá

Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa thông báo về kết quả đăng ký mua cổ phần của Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) do Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) bán đấu giá.

Theo đó, Vietcombank bán đấu giá hơn 6,6 triệu cổ phần OCB. Đây vốn là số cổ phần còn lại do lần bán đấu giá trước đó không có người mua.

Tuy nhiên, ở lần bán đấu giá này, lượng nhà đầu tư đăng ký mua cổ phần OCB đạt con số khá “khủng”, 777 nhà đầu tư bao gồm 8 nhà đầu tư tổ chức và 669 nhà đầu tư cá nhân. (Xem tiếp)

Quý I/2018, TPBank ước đạt lợi nhuận trước thuế 513 tỷ đồng

Đây là thông tin vừa được ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc TPBank đưa ra tại hội thảo giới thiệu cơ hội đầu tư vào cổ phiếu TPB.

Cụ thể, ông Hưng cho biết, kết thúc quý I/2018, ngân hàng đạt lợi nhuận trước thuế 513 tỷ đồng, gấp 2,4 lần so với cùng kỳ năm trước (215 tỷ đồng).

Năm 2018, TPBank tỏ ra khá tham vọng khi đặt kế hoạch lợi nhuận tăng tới 82,42% so với kết quả đạt được trong năm 2017, đạt 2.200 tỷ đồng. Ông Hưng cho biết, với tốc độc tăng trưởng như hiện nay, ngân hàng tự tin sẽ hoàn thành kế hoạch lợi nhuận năm. (Xem tiếp)

TS Bùi Trinh: Tăng thuế sẽ khiến người nghèo càng nghèo hơn

Bộ Tài chính đề xuất ban hành một Luật mới để sửa đổi bổ sung 5 luật thuế gồm Luật thuế giá trị gia tăng (VAT), Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, Luật Thuế tài nguyên, Luật Thuế thu nhập DN và Luật Thuế thu nhập cá nhân. Vấn đề nóng nhất là đề xuất giảm bớt đối tượng chịu thuế GTGT 5%, những hàng hóa dịch vụ đang chịu thuế VAT 10%, từ ngày 1/1/2019 sẽ phải chịu thuế 11% và 12% từ ngày 01/01/2020 (theo dự thảo mới nhất).

Một trong những cơ sở để sửa đổi thuế VAT mà Bộ Tài chính cho biết là mức thuế suất thuế VAT thông thường 10% như hiện nay là tương đối thấp, chưa phù hợp với thông lệ quốc tế, khó đảm bảo an toàn tài chính quốc gia. Trên thế giới, số nước áp dụng thuế VAT để điều tiết tiêu dùng cũng như tăng số thu ngân sách đang nhiều và tăng thuế suất VAT đang trở thành xu hướng phổ biến. Bộ Tài chính cho biết, theo Ngân hàng Thế giới, qua thống kê mức ở 112 nước, có 88 nước có mức thuế suất từ 12% đến 25%...

Tuy nhiên, TS. Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Nghiên cứu của Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright cho rằng, hiện tỷ trọng đóng góp của thuế VAT trong tổng thu ngân sách của Việt Nam đã khá cao, cao hơn hẳn so với các nước EU – là những nước có thuế suất VAT thuộc nhóm cao nhất thế giới. Với thuế suất VAT phổ thông hiện nay là 10%, thuế VAT chiếm tới 27,5% tổng thu ngân sách của Việt Nam. Trong khi đó, với mức thuế suất phổ thông trung bình cao hơn hẳn (21,3%), thuế VAT cũng chỉ chiếm trung bình 21,4% tổng thu ngân sách của các nước EU. (Xem tiếp)

LINH LINH

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/tai-chinh/tai-chinh-24h-ong-pham-cong-danh-lai-chuan-bi-phai-hau-toa-3444559.html