Tài chính 24h: Nhiều sếp ngân hàng đau đầu chọn...'ghế'!

Hàng loạt các sếp ngân hàng đồng thời là lãnh đạo các doanh nghiệp khác sẽ phải quyết định chọn 1 trong hai 'ghế' khi luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi vừa được Quốc hội biểu quyết thông qua và chính thức có hiệu lực kể từ ngày 15/1/2018.

Ảnh minh họa.

Nhiều sếp ngân hàng sắp phải đau đầu chọn “ghế”

Ông Võ Quốc Thắng (bầu Thắng) đang là Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Kiên Long cũng đồng thời là Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đồng Tâm (DTGG) cho biết việc ông chọn “ghế” nào, ngân hàng hay công ty sẽ được trao đổi và quyết định trong cuộc họp với các cổ đông lần tới. Ông Dương Công Minh, Chủ tịch Sacombank đồng thời Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Him Lam, thì trả lời dứt khoát: “Tôi sẽ thôi chức chủ tịch bên Công ty Him Lam để tuân thủ đúng quy định của pháp luật”.

Thực tế hiện nay có rất nhiều người đang kiêm nhiệm như 2 trường hợp trên. (Xem tiếp)

Vietinbank tiếp tục phát hành 220 nghìn trái phiếu đợt 2 ra công chúng

Cùng với việc phát hành trái phiếu, mới đây, Vietinbank cũng đã tiến hành điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi VND. Theo đó, với các kỳ hạn dưới 6 tháng Vietinbank giữ nguyên lãi suất nhưng lãi suất áp cho tiền gửi có kỳ hạn từ 6 đến dưới 9 tháng đã tăng từ mức 5,5- 5,7% lên 5,8%/năm; lãi suất áp cho tiền gửi kỳ hạn từ 12 tháng đến dưới 13 tháng tăng từ 6,5% lên 6,8%/năm.

Điều này cho thấy ngân hàng đang “khát” vốn nhằm đáp ứng nhu cầu tín dụng cuối năm.

BCTC quý III/2017 của Vietinbank cho thấy, đang có sự chênh lệch khá lớn giữa tăng trưởng cho vay và tăng trưởng huy động. Tính đến ngày 30/9, cho vay khách hàng đạt mức hơn 763 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 15,3% trong khi tiền gửi khách hàng chỉ tăng 10,7%, lên hơn 725 nghìn tỷ đồng, thấp hơn số dư cho vay khách hàng. (Xem tiếp)

Giám đốc quỹ tín dụng bỏ trốn ra nước ngoài, tiền gửi của người dân sẽ ra sao?

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, vụ việc vi phạm tại QTDND Thái Bình đã được NHNN chi nhánh tỉnh Đồng Nai phát hiện từ cuối tháng 4/2017. Trước vi phạm nghiêm trọng của Giám đốc QTDND Thái Bình, NHNN chi nhánh tỉnh Đồng Nai đã chuyển hồ sơ sang cơ quan công an tỉnh Đồng Nai điều tra xác minh và cơ quan điều tra của tỉnh đã khởi tố vụ án và xử lý vụ việc đúng quy định của pháp luật.

Cơ quan này cũng khẳng định, ngay khi phát hiện yếu kém, NHNN chi nhánh tỉnh Đồng Nai đã thực hiện việc Kiểm soát đặc biệt đối với quỹ tín dụng này; đồng thời phối hợp cấp Ủy, chính quyền địa phương thực hiện các giải pháp tích cực để thu giữ và xử lý tài sản của QTDND này, thu nợ người vay quá hạn để có các nguồn tiền trả cho người gửi tiền với tinh thần tích cực nhất, đảm bảo quyền lợi của người gửi tiền theo quy định của pháp luật.

Vừa qua do việc bỏ trốn của ông Vũ Công Liêm - Giám đốc QTDND Thái Bình đã làm cho một số người gửi tiền lo lắng và tập trung đến QTDND này rút tiền gửi trước hạn. (Xem tiếp)

Tỷ giá đang “nóng dần”?

Theo báo cáo mới đây của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, tín dụng bằng ngoại tệ tính đến cuối tháng 10 ước tăng 11,5% so với cuối năm 2016 (cùng kỳ năm 2016 chỉ tăng 4,4%).

Trong khi đó, tỷ giá tại các ngân hàng thương mại sau một thời gian dài “lặng sóng” đã bắt đầu nhích dần trong vài phiên gần đây. Tuy vậy, theo giới chuyên gia, việc tỷ giá tăng trong những tháng cuối năm là chuyện bình thường do nhu cầu nhập khẩu của các doanh nghiệp tăng cao.

Theo đánh giá, thị trường ngoại hối vẫn đang được hỗ trợ từ nhiều yếu tố, như áp lực từ phía cầu ngoại tệ được giảm thiểu khi cán cân thương mại trở lại xuất siêu. Tính chung 10 tháng năm 2017 xuất siêu 1,23 tỷ USD. (Xem tiếp)

Mở rộng kênh mua bán USD, chưa vội huy động vàng

Liên tiếp 2 năm gần đây, hầu như năm nào, Chính phủ cũng có 3 - 4 lần “nhắc nhở” NHNN về chuyện huy động vàng, ngoại tệ trong dân. Tại các kỳ họp Quốc hội, vấn đề này cũng nhiều lần được các đại biểu đặt ra câu hỏi.

Thống kê của NHNN cho thấy, trước đây, bình quân mỗi năm, Việt Nam phải bỏ ra cả tỷ USD để nhập khẩu vàng. Tuy nhiên, từ khi chính sách đồng bộ về quản lý vàng được ban hành, không những việc chi ngoại tệ cho nhập khẩu vàng bị cấm, mà người dân cũng không còn đổ xô vào kênh vàng.

Tương tự, với ngoại tệ, chỉ trong 3 quý đầu năm nay, NHNN đã mua vào 6 tỷ USD - chủ yếu là từ nguồn ngoại tệ nắm giữ trong dân. Năm 2016, khoảng 10 tỷ USD đã được NHNN mua vào, chuyển hóa thành tiền đồng. Chính sách lãi suất tiền gửi USD bằng 0%, cơ chế điều hành tỷ giá mới, cùng nhiều giải pháp đồng bộ khác đã khiến người dân không còn mặn mà với ngoại tệ và chuyển sang nắm giữ tiền đồng. (Xem tiếp)

Tài chính 24h: Nhà băng Việt đang chi bao nhiêu cho bảo hiểm tiền gửi?

Tài chính 24h: Làm sao Bitcoin có thể phục hồi giá trị nhanh đến vậy?

Tài chính 24h: Chính thức cho phép phá sản ngân hàng thuộc diện kiểm soát đặc biệt

LINH LINH

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/tai-chinh/tai-chinh-24h-nhieu-sep-ngan-hang-dau-dau-chonghe-3421866.html