Tài chính 24h: Eximbank và những 'sóng gió' liên hồi

Trước khi vướng hàng loạt vụ mất tiền, mất vàng gửi tiết kiệm của khách gần đây, Eximbank đã có một thời gian dài dính lùm xùm với lục đục nội bộ, thông tin bị thâu tóm…

Ảnh minh họa.

Những “sóng gió” dồn dập xảy ra tại Eximbank

Chỉ trong vài tháng gần đây, Eximbank liên tiếp vướng vào lùm xùm mất hàng trăm tỷ đồng tiền gửi tiết kiệm của khách hàng. Mở đầu cho những rắc rối là vụ việc khách hàng Chu Thị Bình tố mất hơn 245 tỷ đồng gửi tiết kiệm tại Eximbank chi nhánh TP.HCM. Đầu năm 2018, cơ quan điều tra cũng đã khởi tố vụ án "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" xảy ra tại chi nhánh ngân hàng này.

Sáng 26/3, cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức khám xét trụ sở Eximbank TP.HCM và tống đạt quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam, thực hiện khám xét nơi làm việc và nơi ở đối với Hồ Thị Thủy và Nguyễn Thị Thi (nhân viên Eximbank) về hành vi cố ý làm trái trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Hai bị can được xác định là người có vai trò đồng phạm, giúp sức cho Lê Nguyễn Hưng (nguyên giám đốc Eximbank TP.HCM) chiếm đoạt 245 tỷ đồng gửi tiết kiệm của bà Chu Thị Bình. (Xem tiếp)

Tỉ giá biến động mạnh vì sao?

Diễn biến tỉ giá này là một điều khá ngạc nhiên với nhiều người, xét trong bối cảnh dự trữ ngoại hối đã tăng liên tục, đã đạt gần 60 tỷ USD (theo các thông tin gần đây) – mức cao nhất trong lịch sử dự trữ ngoại hối ở Việt Nam. Trong khi đó, cán cân thương mại vẫn đang ở mức thặng dư mấy tháng đầu năm, với mức xuất siêu hàng tỷ USD. Xét về mặt tâm lý, hai yếu tố này là đủ để nâng đỡ và giúp cho sự ổn định của tỉ giá, bởi nhà đầu tư thường có thái độ "trông giỏ bỏ thóc", và họ sẽ tự tin hơn khi thấy nguồn cung USD ở Việt Nam sẽ không gặp trở ngại gì lớn.

Tuy nhiên, nếu nhìn nhận kỹ thì sẽ thấy tỉ giá tăng đáng kể trong thời gian gần đây là một xu hướng tất yếu, bởi sự kết hợp của nhiều yếu tố cơ bản quyết định chiều hướng tỉ giá. (Xem tiếp)

Ròng rã đòi lại 20 triệu đồng chuyển nhầm tài khoản ngân hàng

Sáng 28-3, trao đổi với phóng viên, chị Nguyễn Thị Kim Hằng (phường Thắng Lợi, TP Pleiku, Gia Lai) cho biết vẫn đang tìm cách để đòi lại số tiền gần 20 triệu chuyển nhầm sang tài khoản khác.

Theo chị Hằng, ngày 30/1, chị chuyển 20 triệu đồng vào số tài khoản 0071000946*** (tài khoản thuộc Ngân hàng Vietcombank, chi nhánh TP HCM) để đặt mua hàng. Sau đó, chị tiếp tục chuyển tiền lần thứ 2 cho công ty trên số tiền 19.680.000 đồng nhưng do chuyển bằng điện thoại, vội vàng nên chị chuyển nhầm số tiền trên sang tài khoản cùng ngân hàng, chủ tài khoản có tên PHAN VU LINH.

Phát hiện bị nhầm, ngay lập tức, chị Hằng đến chi nhánh Vietcombank Gia Lai để trình báo và được hướng dẫn làm đơn tra soát. Phía ngân hàng hẹn chị Hằng trong vòng 30 ngày sẽ liên hệ lại với chị để thông báo lại kết quả, liên hệ với chủ tài khoản được chị Hằng gửi nhầm để yêu cầu trả lại số tiền. (Xem tiếp)

Ngân hàng Nhà nước hút ròng hơn 76 nghìn tỷ trong tuần qua kênh tín phiếu

Báo cáo tuần của công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho biết, trong tuần vừa qua, qua kênh tín phiếu, NHNN đã phát hành 76.110 tỷ đồng tín phiếu mới loại 28 ngày trong khi không có lượng vốn đáo hạn qua kênh này. Như vậy, tuần vừa qua NHNN đã hút ròng 76.110 tỷ đồng qua kênh tín phiếu.

Việc phát hành một khối lượng tín phiếu lớn như vậy nhưng hệ thống vẫn hấp thụ hết cho thấy thanh khoản của các ngân hàng hiện vẫn đang trong trạng thái tích cực. (Xem tiếp)

ĐHĐCĐ LienVietPostBank: Dự kiến trả cổ tức 15%

Kế hoạch tăng vốn điều lệ LienVietPostBank từ mức 7.499 tỷ đồng lên mức 9.875 tỷ đồng sẽ chia làm 02 đợt. Đợt 1 và 2 sẽ tăng thêm 2.374 tỷ đồng trong năm 2018.

Tiếp theo, LienVietPostBank sẽ tăng vốn đợt 3 vào năm 2019 bằng việc phát hành cổ phiếu cho người lao động.

Năm 2018, LienVietPostBank đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế ở mức 1.800 tỷ đồng, tăng 2% so với năm 2017. (Xem tiếp)

“Đã thu hồi lượng lớn” trong thiệt hại 1.440 tỷ tại Vietcombank Tây Đô

Ngày 28/3, trả lời báo chí, một lãnh đạo cao cấp của Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cho biết ngân hàng đã chủ động phát hiện và thu hồi được lượng tiền lớn trong vụ việc xẩy ra tại chi nhánh Tây Đô.

Vụ việc trên từng được lãnh đạo Vietcombank đề cập với báo chí trong năm 2017, trong quá trình chờ đợi cơ quan chức năng xử lý các cá nhân và tổ chức liên quan.

Vừa qua, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao cũng vừa hoàn tất truy tố đối với Nguyễn Minh Chuyển, nguyên Giám đốc Vietcombank chi nhánh Tây Đô; Trần Anh Huy, nguyên Trưởng phòng Tín dụng Vietcombank Tây Đô; Nguyễn Hữu Nghĩa, nguyên cán bộ Vietcombank Tây Đô về tội "Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng". (Xem tiếp)

“Sóng ngầm” cho ghế nóng ngân hàng mùa đại hội

Ngày 20/4 tới, Sacombank sẽ họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm tài chính 2017 để bầu bổ sung 2 thành viên HĐQT cho nhiệm kỳ 2017-2021, trong đó có 1 thành viên HĐQT độc lập. Sự thay đổi này là do ông Kiều Hữu Dũng - Phó chủ tịch HĐQT thường trực Sacombank xin từ nhiệm theo nguyện vọng cá nhân và HĐQT Ngân hàng đã chấp thuận. Có điểm đáng lưu ý là ông Dũng được bầu làm Thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2017-2021, tức là còn hơn 3 năm nữa mới hết thời gian.

Theo kế hoạch, HĐQT Sacombank sẽ trình cổ đông thông qua việc miễn nhiệm tư cách Thành viên HĐQT Ngân hàng đối với ông Kiều Hữu Dũng tại phiên họp ĐHĐCĐ thường niên năm tài chính 2017. Ông Dũng hiện sở hữu 300.000 cổ phiếu STB, tương đương tỷ lệ 0,02% vốn tại ngân hàng này.

Hiện HĐQT Sacombank có 6 thành viên gồm ông Dương Công Minh - Chủ tịch HĐQT, ông Kiều Hữu Dũng - Phó chủ tịch thường trực, ông Phạm Văn Phong - Phó chủ tịch HĐQT, ông Nguyễn Miên Tuấn - Thành viên HĐQT, ông Nguyễn Xuân Vũ - Thành viên HĐQT và bà Lê Thị Hoa - Thành viên HĐQT độc lập. (Xem tiếp)

Ai vừa chi gần 6.500 tỷ mua 100 triệu cổ phiếu VPB?

Thông tin từ Trung tâm lưu ký Chứng khoán (VSD) cho biết, trung tâm vừa thực hiện chuyển quyền sở hữu cổ phiếu VPB với tổng khối lượng giao dịch lên tới gần 100 triệu cổ phiếu hôm 26/3 vừa qua.

Cụ thể, Công ty TNHH Đầu tư Quang Đăng đã chuyển 50 triệu cổ phiếu sang hai cá nhân gồm bà Đỗ Thị Mai và bà Bùi Bích Hạnh.

Trong khi đó, Công ty TNHH Đầu tư Lưu Khuyên cũng chuyển nhượng 49,945 triệu cổ phiếu cho bà Trần Thị Hương và bà Đặng Thị Thanh Tâm. (Xem tiếp)

LINH LINH

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/tai-chinh/tai-chinh-24h-eximbank-va-nhung-song-gio-lien-hoi-3441973.html