Tái chế rác thải điện tử - vấn đề an ninh cấp bách đối với châu Âu

Những năm gần đây, rác thải điện tử đã trở thành dòng rác thải sinh hoạt phát triển nhanh nhất thế giới, nguyên nhân chủ yếu là do tỷ lệ tiêu thụ thiết bị điện và điện tử ngày một cao, trong khi vòng đời các thiết bị ngày một ngắn.

Một báo cáo được công bố mới đây cho thấy việc tái chế và phục hồi các nguyên tố quý giá từ rác thải điện tử được xem là vấn đề an ninh cấp bách, cần được ban hành thành luật ở châu Âu.

Công nhân làm việc tại trung tâm thu tập rác điện tử ở Ploufragan, miền tây Pháp. Ảnh: AFP/ TTXVN

Công nhân làm việc tại trung tâm thu tập rác điện tử ở Ploufragan, miền tây Pháp. Ảnh: AFP/ TTXVN

Theo báo cáo về rác thải điện tử CEWASTE được Liên minh châu Âu (EU) tài trợ, các bảng mạch, nam châm trong ổ đĩa và xe điện, pin và đèn huỳnh quang là những vật dụng có chứa các nguyên liệu thô quan trọng, gồm vàng, bạc và coban, có thể được tái chế và tái sử dụng. Tuy nhiên, những nguyên liệu quý hiếm này thường chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong từng vật dụng bị vứt bỏ, khiến chúng thường bị bỏ qua.

Đơn cử, báo cáo ước tính trong năm 2025, những chiếc đèn huỳnh quang bị loại bỏ ở châu Âu sẽ chứa 92 tấn nguyên liệu thô quan trọng. Các bảng mạch in trong rác thải điện tử của khu vực có thể chứa tới 41 tấn bạc và 10 tấn vàng vào năm 2025. Trong khi đó, chuỗi cung ứng của châu Âu đã trở nên "quá dễ bị tổn thương", đặc biệt là ngành công nghiệp quốc phòng, như nhận định của ông Pascal Leroy - một trong các tác giả của báo cáo. Việc sản xuất các mặt hàng ở châu Âu, từ hệ thống máy tính đến máy bay không người lái, đều chủ yếu phụ thuộc vào nguồn cung từ bên ngoài. Do đó, báo cáo nhấn mạnh việc tái chế rác thải điện tử sẽ giúp bảo vệ nguồn cung cấp quan trọng cho các thiết bị điện tử tiêu dùng và thậm chí cả ngành công nghiệp quốc phòng châu Âu.

Ngoài ra, với những nguyên liệu cần thiết để sản xuất các tuabin gió và ô tô điện, những vật dụng bị bỏ đi nếu được tái chế cũng đóng vai trò quan trọng trong việc đáp ứng các mục tiêu về chống biến đổi khí hậu và nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành sản xuất.

Báo cáo cũng nêu bật một số loại rác thải điện tử được cho có đủ số lượng nguyên liệu thô để được tái chế và phục hồi. Chúng bao gồm các nguyên liệu trong bảng mạch in được lấy từ các thiết bị điện tử bị vứt bỏ; các pin từ rác thải điện tử và xe phế liệu; nam châm boron sắt neodymium từ các ổ đĩa cứng và động cơ của xe đạp điện, xe tay ga và bột huỳnh quang từ đèn và các ống tia âm cực được tìm thấy trong ti vi và màn hình ti vi. Các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng nhiều loại nguyên liệu thô có giá trị thấp và thường xuyên biến động đồng nghĩa việc tái chế chúng được coi là quá tốn kém đối với các doanh nghiệp. Do đó, báo cáo kêu gọi ban hành các quy định pháp lý về tái chế và tái sử dụng các nguyên liệu thô quan trọng, cung cấp tài chính để hỗ trợ ngành công nghiệp tái chế và kiểm soát tốt hơn các lô hàng chứa rác thải điện tử được vận chuyển ra khỏi EU.

Theo báo cáo "Giám sát rác thải điện tử toàn cầu năm 2020" được Liên hợp quốc (LHQ) công bố hồi tháng 7 năm ngoái, trong năm 2019, trên toàn thế giới có tổng cộng 53,6 triệu tấn rác thải điện tử, tăng 21% so với 5 năm trước đây. Trong đó, châu Á là nơi tạo ra nhiều nhất với khoảng 24,9 triệu tấn, tiếp đến là khu vực châu Mỹ 13,1 triệu tấn và châu Âu 12 triệu tấn. Trong khi đó, lượng rác thải điện tử ở châu Phi và châu Đại Dương lần lượt là 2,9 và 0,7 triệu tấn. Trong số hơn 53 triệu tấn rác thải điện tử được thải ra, chỉ có 17% chất thải được tái chế, phần còn lại chuyển đến các bãi chôn lấp, thiêu hủy hoặc đơn giản là không được xử lý. Điều này đồng nghĩa là một lượng nguyên liệu quý hiếm như vàng, bạc...có giá trị lên tới 55 tỷ USD "hiện diện" trong các rác thải điện tử đã bị vứt đi hoặc đốt bỏ thay vì thu gom để xử lý và tái sử dụng. Trong khi đó, hoạt động khai thác nguyên liệu thô lại được đẩy mạnh tại nhiều nước để tạo ra các sản phẩm mới, gây ra những quan ngại về môi trường.

Phương Oanh (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/tai-che-rac-thai-dien-tu-van-de-an-ninh-cap-bach-doi-voi-chau-au-20210511115859993.htm