Tai bay vạ gió

Đang là giám đốc của một doanh nghiệp ăn nên làm ra, năm 2017, anh Phan Thanh Trà (ngụ tại quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng) bị bắt oan, dẫn đến công ty phá sản. Đến tháng 4/2018, Viện KSND thành phố Đà Nẵng có quyết định đình chỉ vụ án vì hành vi của anh không cấu thành tội phạm, nhưng lúc này anh đã trắng tay...

Từ giám đốc của một công ty, bị bắt oan, Phan Thanh Trà trở thành công nhân làm thuê

Từ giám đốc của một công ty, bị bắt oan, Phan Thanh Trà trở thành công nhân làm thuê

Hình sự hóa một vụ việc dân sự

Câu chuyện của anh Phạm Thanh Trà (Giám đốc Cty TNHH TM&KT Phan Ngọc Lê) tóm tắt như sau: Vào ngày 24/3/2017 anh Trà bị Công an thành phố Đà Nẵng bắt vì tội “chiếm đoạt tài sản”, nhưng đến tháng 10/2017 được thả. Hơn 6 tháng sau, Viện KSND thành phố có quyết định đình chỉ vụ án. Vụ việc gây xôn xao dư luận.

Vụ án bắt đầu khi vào năm 2017, Cơ quan An ninh điều tra Công an thành phố Đà Nẵng đã hình sự hóa vụ việc dân sự giữa Công ty CP Chefmeat Việt Nam và Công ty TNHH TM&KT Phan Ngọc Lê. Cụ thể, Công ty CP Chefmeat Việt Nam (Công ty Chefmeat) đóng trên địa bàn quận Sơn Trà (Đà Nẵng) do ông Kamogari Yamato làm Tổng giám đốc (đại diện cho đối tác Nhật Bản góp vốn 51%) và ông Nguyễn Xuân Thắng, Phó tổng giám đốc (góp vốn 49%). Trong quá trình xây dựng các hạng mục của nhà máy Chefmeat, Công ty Trí Tuệ Việt (do ông Nguyễn Tấn Bình, 41 tuổi làm giám đốc) nhận thầu thi công hệ thống cơ điện.

Ông Bình đã giới thiệu ông Phan Thanh Trà ký hợp đồng kinh tế với Chefmeat nhận lại công việc của mình. Vì quá gấp rút để dự án kịp hoạt động, ông Trà không chắc chắn chất lượng thiết bị Trung Quốc nên đã thay đổi sang thiết bị đã qua sử dụng do Nhật Bản sản xuất. Việc thay đổi này, sau đó ông Trà đã chủ động làm việc với Công ty Chefmeat để thương lượng sửa sai và khắc phục đền bù. Ngoài ra, từ khi lắp đặt và đưa vào sử dụng đã hơn 4 năm, tất cả máy móc thiết bị mà ông Trà lắp đặt đã được chủ đầu tư xác nhận hoạt động bình thường.

Trong điều khoản hợp đồng này có nêu rõ bất kỳ trường hợp tranh chấp phát sinh từ hoặc liên quan đến hợp đồng này sẽ được giải quyết trên tinh thần thương lượng, hòa giải. Nếu thương lượng, hòa giải không thành, tranh chấp sẽ được đưa ra TAND có thẩm quyền tại Đà Nẵng giải quyết. Tuy nhiên, đến ngày 24/3/2017, VKSND TP Đà Nẵng phê chuẩn lệnh bắt bị can để tạm giam đối với ông Trà về tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Ông Nguyễn Tấn Bình cũng bị truy tố và bắt giam với cùng tội danh trên.

Khi công bố cáo trạng, Viện KSND Đà Nẵng xác định: Trong thời gian khoảng tháng 8/2013 đến 2/2014 Nguyễn Tấn Bình và Phan Thanh Trà đã thông đồng với nhau thực hiện hành vi gian dối thi công lắp đặt không đúng với nội dung hợp đồng đã ký, thay đổi máy mới thành máy cũ chiếm đoạt phần tiền chênh lệch 430 triệu đồng của Công ty Chef Meat Việt Nam. Vụ án gây xôn xao dư luận ở thành phố Đà Nẵng trong thời gian dài khi giới luật sư cho rằng cơ quan chức năng cố tình hình sự hóa một quan hệ dân sự .

Đến ngày 13/4 vừa qua, Viện KSND thành phố Đà Nẵng đã có quyết đình chỉ vụ án Nguyễn Tấn Bình và Phan Thanh Trà do xét thấy hành vi của cả 2 không cấu thành tội phạm.

Từ giám đốc trở thành người đi làm thuê

Một ngày cuối tháng 8, điện thoại hẹn gặp, anh Trà cho hay đang ở tận Bình Dương chưa về được. Hỏi chuyện mới hay, sau những oan sai hiện anh đang làm công nhân cho một công ty tại Bình Dương để mưu sinh, nuôi sống gia đình. Lần lữa mãi, dịp anh về Đà Nẵng thăm vợ con, tôi mới gặp lại anh.

Bên ly cà phê, khuôn mặt anh Trà đầy tư lự. Sinh ra trong gia đình khó khăn nhà có 2 chị em. Nỗ lực vượt khó, tốt nghiệp Đại học Thủy sản Nha Trang với tấm bằng ngành cơ điện lạnh, anh Trà làm việc cho nhiều đơn vị để đúc kết kinh nghiệm và tạo mối quan hệ. Năm 38 tuổi, khi đủ điều kiện anh thành lập Công ty TNHH TM&KT Phan Ngọc Lê chuyên về thi công điện, điện lạnh, dân dụng và công nghiệp. Hoạt động thuận lợi, làm ăn phát đạt được 7 năm thì anh dính vào vòng lao lý, Cty phá sản, công nhân tứ tán.

“Mấy lần mình nói với điều tra viên, việc này là chuyện dân sự, hai bên ký hợp đồng với nhau, có điều khoản rõ ràng nên mình không có tội”. Nhưng tất cả không được ghi nhận. Chiều ngày 24/3/2017, công an đến nhà đọc lệnh bắt vị giám đốc trẻ. “Lúc đó có công an phường, tổ dân phố chứng kiến, tôi có nói rõ ràng: “Nếu các anh bắt tôi thì hàng ngàn doanh nghiệp khác ở Đà Nẵng cũng bị bắt”... Đáp lại, một anh công an lúc đó nói: “Nếu tôi làm sai tôi sẽ ngồi thế chỗ anh. Nhưng việc bắt anh, tôi phải bắt”.

7 tháng tù tội, 6 tháng sau ngày được tại ngoại nhưng không có quyền công dân với anh đó là cả một chuỗi ác mộng của một đời người. “Đó là chuỗi ngày âm u nhất của đời mình”, anh Trà chua xót.

Tháng 4 vừa qua, anh được trả lại quyền công dân nhưng uy tín không còn, muốn làm ăn, xin việc ở Đà Nẵng cũng khó. Biết hoàn cảnh, mấy tháng trước, một đối tác cũ thương tình, giới thiệu vào Bình Dương làm công nhân thi công nhà máy. Thương vợ con, anh vác ba lô lên đường.

“Giờ làm công nhân ăn lương theo ngày. Khổ cực nhưng phải mưu sinh để nuôi vợ con. Hồi xưa trẻ có sức, có tâm huyết. Nay cũng đã có tuổi, muốn vực dậy nhưng không biết có nổi không”, anh Trà thở dài. Mỗi ngày làm thuê, anh được trả 270.000 đồng, cùng vài đồng phụ cấp. Giấc mơ lập lại nghiệp sao nghe quá xa vời, nhưng anh bảo quyết không từ bỏ. Hôm về lại Đà Nẵng thăm vợ con, đưa tiền lương tháng đầu cho vợ, anh Trà kể: Bảy tháng tù tội oan, vợ anh đã phải nói dối con rằng: “Bố đang đi công tác xa”. Nay anh biền biệt trời Nam để mưu sinh sau biến cố, vợ anh cũng chỉ biết động viên con: “Bố sẽ chóng về”.

Quyết định đình chỉ vụ án đối với bị can Phan Thanh Trà

Chờ một lời xin lỗi công khai

Mấy ngày sau khi có quyết định đình chỉ vụ án, trả lời báo chí, ông Nguyễn Hữu Linh, Phó viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân TP Đà Nẵng (người trước đây ký quyết định truy tố 2 bị can) cho biết vấn đề xin lỗi và bồi thường cho người bị oan sai, theo quy định của luật Trách nhiệm bồi thường nhà nước thì người bị oan có đơn yêu cầu, sau khi xem xét đơn đó với các yêu cầu của họ như thế nào thì mới xem xét.

Anh Trà cho biết: Sau khi có quyết định đình chỉ vụ án đến nay chưa có bất cứ cơ quan chức năng nào liên hệ để làm việc hay nói chuyện về việc xin lỗi, bồi thường. Riêng anh vì bận đi làm nên đã nhờ luật sư làm các thủ tục, tuy nhiên vẫn chưa có động tĩnh gì.

Liên hệ với anh Nguyễn Tấn Bình người cùng cảnh ngộ trong vụ án, đầu dây bên kia giọng anh buồn rượi: “Thôi em ạ. Giờ mọi chuyện đã qua, anh chỉ muốn bình yên, không muốn ồn ào ảnh hưởng vợ con nữa. Em thông cảm”. Anh Trà cho biết: sau khi bị bắt oan, công ty của Bình cũng phá sản, nợ chồng chất, gia đình lao đao. Cuộc sống của Bình hiện cũng khốn đốn đủ đường. Giờ cũng phải cảnh làm thuê để trả nợ, nuôi vợ con.

Nguyễn Thành

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/phap-luat/tai-bay-va-gio-1333956.tpo