Tái bản sách về cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn

Tưởng nhớ 20 năm ngày mất của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn (1/4/2001 – 1/4/2021), tác phẩm Trịnh Công Sơn và cây đàn lyre của hoàng tử bé của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường được tái bản giới thiệu đến công chúng.

Nhà văn cũng là người bạn thời niên thiếu của cố nhạc sĩ.

Tác phẩm có sự đóng góp rất lớn từ gia đình họa sĩ Đinh Cường, đã cung cấp ảnh bìa và những bức tranh quý khác vẽ chân dung Trịnh Công Sơn. Từ anh Trần Viết Ngạc, đã cung cấp những tư liệu về hoạt động tham dự của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trong phong trào đấu tranh đòi hòa bình của sinh viên học sinh các thành phố, và từ anh Nguyễn Văn Dũng, anh Nguyễn Trọng Huấn đã giúp tác giả Hoàng Phủ Ngọc Tường hoàn chỉnh bản thảo.

Tác phẩm như một cuốn phim quay chậm từng khoảnh khắc trong cuộc đời Trịnh Công Sơn. Tác phẩm có ba chương: “Dấu chân địa đàng”, “Tuổi đá buồn” và “Để gió cuốn đi”. Ở chương đầu “Dấu chân địa đàng” là những ngày tháng còn thơ ấu, những ảnh hưởng đến Trịnh Công Sơn được miêu tả chân thực và sinh động. Âm nhạc của ông được nuôi dưỡng từ những nỗi buồn, từ những xúc cảm về một miền xa xăm, từ tình yêu của mẹ và từ tư tưởng Phật Giáo.

Chương hai “Tuổi đá buồn” đưa người đọc đến những ngày hoạt động âm nhạc sôi nổi của Trịnh Công Sơn. Từ những ngày còn đi học đến khi có những sáng tác đầu tiên cho thiếu nhi, và những thay đổi thời đại đã khiến cho âm nhạc của ông trở thành tiếng ngân vang giữa bối cảnh hiện sinh. Đến những ngày tình hình chiến tranh căng thẳng, ngày một leo thang thì Trịnh Công Sơn lại chọn cho mình những bài nhạc phản chiến, những góc tối u uất của số phận con người. Rồi ông tìm thấy Khánh Ly, rồi ông chọn viết tình ca, trở về với chất thơ trong con người mình, chất Huế chiếm trọn trong âm nhạc của ông.

“Thời kì dạy học ở B’lao, Trịnh Công Sơn đã cho ra đời hàng loạt tác phẩm mang tên Phúc âm buồn, Chiều một mình qua phố, Gia tài của mẹ, Người hát bài quê hương, Người già em bé, Người con gái Việt Nam da vàng. Có thể nói, những ngày sống ở B’lao đã đánh dấu một bước ngoặt trong cuộc đời sáng tác của Trịnh Công Sơn, đẩy anh chìm sâu vào tận đáy máu lửa của lịch sử, để trở thành một nhạc sĩ phản chiến gắn liền với số phận của dân tộc.”

Bên cạnh nhạc phản chiến, Trịnh Công Sơn dành thời gian còn lại cho tình ca. “Ở đâu có sự chân thành và tính giản dị thì ở đó có âm nhạc đích thực. Phải thừa nhận rằng, nhạc điệu của Trịnh Công Sơn không có những biến tấu phức tạp, nhưng cực kỳ chân thành và giản dị, dễ đến với mọi người. Những bài hát như Diễm xưa, Hạ trắng, Biển nhớ, Huyền thoại mẹ v.v… đã chứng tỏ phong cách riêng của Trịnh Công Sơn.”

Tác giả Hoàng Phủ Ngọc Tường cũng dành nhiều lời khen cho ca từ đậm chất thơ của Trịnh Công Sơn. “Nhưng chính ca từ của Trịnh Công Sơn mới khiến người ta lạ lùng, và dành cho Trịnh Công Sơn một vị trí đặc biệt trong nền âm nhạc Việt Nam, một vị trí dành cho nhà thơ, giữa những nhà thơ hàng đầu của Việt Nam thời tiền chiến, cả bây giờ cũng thế.”

Chương ba “Để gió cuốn đi” dẫn chúng ta về những ngày trầm ngâm của người nghệ sĩ, người viết nhạc tài hoa - Trịnh Công Sơn, để có thể cảm nhận một cách chân thành nhất những hoài niệm, ưu tư của ông về âm nhạc, về những mối tình. “Chúng ta hài lòng khi thấy Trịnh Công Sơn đã giành được trong tay định mệnh, cái mà người nghệ sĩ nào cũng thèm muốn: Sự bất tử. Trịnh Công Sơn không có nhà cửa nguy nga, của cải vật chất và không có vợ con riêng. Nhưng Trịnh Công Sơn có một cái tên để lưu truyền cho hậu thế. Và tất cả đó để làm gì? Cũng theo lời bài hát của Sơn, Để gió cuốn đi. “Khát vọng lưu danh là một ý niệm rỗng không về vật chất, và Trịnh Công Sơn đã sống đúng với ý niệm ấy.”

Hoài Giang

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/van-hoa-giai-tri/tai-ban-sach-ve-co-nhac-si-trinh-cong-son_109699.html