Tại anh, tại ả, tại cả...

Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online ngày 7-10-2018 có đăng bài 'Nếu tôi không bán, nhà thuốc khác sẽ bán' nói về thực trạng mua thuốc không có đơn thuốc, toa thuốc hiện nay ở Việt Nam. Sau đó tòa soạn nhận được phản hồi (bình luận) của một độc giả có tên Hoàng Dũng.

Nhận thấy bình luận của độc giả này có nhiều thông tin bổ ích, tòa soạn đã xử lý thành một bài viết độc lập. Tựa bài báo do tòa soạn đặt.

Ảnh chỉ có tính minh họa cho bài viết. Ảnh: Đào Loan.

Tại anh

Tại các nhà thuốc hiện nay, một thực trạng diễn ra phổ biến là rất ít các dược sĩ có trình độ đại học trực tiếp đứng bán thuốc và tư vấn cho các khách hàng mà các dược sĩ chỉ cho thuê bằng, tức đứng tên chuyên môn cho nhà thuốc khi xin giấy phép.

Phần lớn nhà thuốc thuê nhân viên đứng bán chỉ có trình độ trung cấp, cao đẳng dược, thậm chí một số người còn không được đào tạo về chuyên môn, tức không có bằng cấp gì cả về dược. Quyền lợi của người bệnh vì thế bị hạn chế, ảnh hưởng trong việc tiếp nhận tư vấn sâu về bệnh, thuốc, cách sử dụng, tương tác thuốc...

Do lượng đơn bác sĩ đến đa số nhà thuốc là ít (trừ 1 số nhà thuốc lớn hoặc nhà thuốc bệnh viện) nên thường nhân viên bán thuốc bán không cần đơn mà theo yêu cầu của bệnh nhân hoặc tự chọn (kê) cho người bệnh (nhóm tim mạch và tiểu đường ít được tự kê). Đặc biệt nhiều là nhóm kháng sinh được tự kê phổ biến.

Nguồn cung thuốc cho các nhà thuốc hiện nay khá đa dạng và phức tạp. Nguồn cung chính thống tại Việt Nam chỉ có một số công ty lớn phân phối lớn chuyên nghiệp như Zuellig, DKSH, Kim Đô, Việt Hà, Hapharco, Sapharco… hay một số nhà sản xuất trực tiếp phân phối như Traphaco, Dược Hậu Giang… Sau các công ty này, nguồn thuốc chủ yếu đến từ các chợ bán sỉ thuốc, như ở Hà Nội có chợ thuốc Hapulico, quận Thanh Xuân, hay chợ thuốc Ngọc Khánh, quận Giảng Võ; tại TPHCM, có chợ thuốc tại quận 10 khá nổi tiếng trên thị trường dược.

Vì là chợ nên nguồn thuốc thường không đầy đủ hóa đơn chứng từ và chất lượng khó kiểm soát, có thể có hàng không rõ xuất xứ, nguồn gốc, trôi nổi.

Ngoài hai nguồn cung trên, có 1 số nhà thuốc mua lại qua các trình dược viên hoặc những mối hàng không rõ nguồn gốc, như hàng xách tay hoặc nguồn do bệnh nhân không dùng, mang ra nhà thuốc bán/đổi.

Đi đôi với sự đa dạng, phong phú trong nguồn cung, thì chất lượng và giá bán của nguồn hàng lại vô cùng phức tạp. Đối với hàng của các công ty lớn, có uy tín như Servier, Glaxo, Pfizer… có khi được chào bán với giá thấp hơn giá hãng đưa ra hoặc để cạnh tranh hoặc do khai thác nguồn hàng không chính hãng. Các thuốc hiếm hay thuốc kê đơn hẹp hoặc đặc chủng như chữa ung thư, thần kinh… giá rất cao và rất khác nhau.

Do đó chất lượng thuốc tại các nhà thuốc rất phức tạp, giá cả chênh lệch lớn nên vì lợi nhuận hoặc do cạnh tranh không lành mạnh, các nhà thuốc mua về để kiếm lời hay dìm nhà thuốc xung quanh. Người bệnh không được bảo đảm về chất lượng thuốc sử dụng, nên bệnh khó hay lâu khỏi.

Tại ả

Khách hàng đến mua thuốc hiện nay thì ngoài 1 số là bệnh nhân, còn đa số đi mua hộ là người nhà/bạn bè… Những người có BHYT thường đến khám rồi lĩnh/mua thuốc tại nhà thuốc bệnh viên hay quanh cổng bệnh viện. Số ít mua thêm thuốc ở gần nhà hoặc nhà thuốc lớn có uy tín – tùy theo thói quen.

Người có tiền đi khám ở phòng khám tư rồi mua ngay tại đó. Người không có BHYT (hay không thể sử dụng vì nhiều lý do) thường hay ra nhà thuốc gần nơi ở để nhờ nhân viên bán thuốc xem bệnh và mua thuốc chữa trị, biến nhân viên bán thuốc thành "bác sĩ" bất đắc dĩ.

Các bệnh đơn giản như cảm, ho, sốt… người bệnh cũng hay ra nhà thuốc gần nhà để tự mua.

Qua đó cho thấy, việc có đơn thuốc của bác sĩ đến với đa số nhà thuốc (không phải nhà thuốc bệnh viện) là ít và cơ hội người bệnh (đặc biệt đối tượng không BHYT hay dân nghèo) có đơn bác sĩ là khó, kết quả là họ tin tưởng và trông chờ vào các nhân viên bán thuốc.

Ba phía cùng đồng lòng

Đứng trước hiện trạng ấy, các cơ quan chức năng cần phải đưa ra những giải pháp thực sự thiết thực và cấp bách bởi liên quan trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng của con người.

Về lĩnh vực nhà thuốc, phải có thanh, kiểm tra, yêu cầu tất cả nhân viên đứng quầy tại các cửa hàng thuốc phải có chứng chỉ hành nghề. Phải tổ chức các lớp học định kỳ mời các giảng viên giảng dạy, cấp chứng chỉ cập nhật. Các nhà thuốc hoạt động không giấy phép phải yêu cầu chấm dứt hoạt động ngay và phải xử lý theo đúnng quy định của pháp luật.

Về vấn đề liên quan đến nguồn gốc thuốc, phải siết chặt khâu phân phối thuốc, đặc biệt các nhà thuốc bán buôn ở chợ thuốc, các công ty chỉ được bán cho nhà thuốc có GPP (tiêu chuẩn Thực hành nhà thuốc tốt) còn hiệu lực. Không bán số lượng lớn cho các bác sĩ, nhà thuốc không phép. Phải có hóa đơn nhập thuốc vào nhà thuốc để chứng minh nguồn gốc rõ ràng. Cơ quan chức năng phải ngăn chặn hiệu quả nguồn thuốc nhập lậu, thuốc giả, không nguồn gốc.

Dược sĩ được quyền bán (tự kê đơn) một số thuốc thuộc loại đơn giản, giúp người bệnh tiếp cận được với các thuốc chữa bệnh. Cần có quy định chi tiết về những loại thuốc nào các dược sĩ được phép kê đơn, tiêu chuẩn của dược sĩ được phép kê đơn là gì.

Không chỉ với các dược sĩ, quy trình kê đơn thuốc của các bác sĩ cũng phải thiết lập lại. Mỗi đơn thuốc phải có tên bác sĩ, chứng chỉ hành nghề của bác sĩ, nơi phát hành đơn thuốc...

Đơn được kê rõ ràng, in ra là tốt nhất; nếu viết tay cũng phải đủ các tiêu chí, đặc biệt rõ chữ, tránh trường hợp viết ẩu, viết tắt chỉ một số dược sĩ mới đọc và luận được. Đơn thuốc in/ghi đều phải có 3 liên (1 lưu bác sĩ, 1 cho bệnh nhân, 1 đưa cho nhà thuốc bán/cấp để lưu). Nếu có phần mềm kê đơn cho bác sĩ nối mạng thì càng tốt để từ đó nhà thuốc hay cơ quan quản lý có thể kiểm tra xem đơn thuốc đó có hợp lệ/hợp pháp hay không.

Kiểm soát việc kê đơn của bác sĩ

Tại Việt Nam, bác sĩ hoàn toàn độc quyền kê đơn cho bệnh nhân. Một vấn đề được đặt ra, nếu bác sĩ chỉ kê các dược chất mới/đắt tiền mà không kê dược chất cũ/rẻ cho bệnh nhân thì sao?

Cần có giải pháp cho vấn đề này. Ví dụ bác sĩ không kê ampi hay thế hệ 1 mà chỉ kê thế hệ 3 kháng sinh đắt tiền chẳng hạn. Như vậy các công ty dược sản xuất ra ampi sẽ không thể tiêu thụ được vì nhà thuốc không bán do không có đơn. Thậm chí giá thành ampi thế hệ 1 khá rẻ, mang lại ít lợi nhuận nên các nhà thuốc cũng không mặn mà nhập các loại thuốc này. Do đó người bệnh phải trả rất nhiều tiền cho bệnh có khi rất nhẹ. Các nhà sản xuất dược cũng sẽ chịu nhiều ảnh hưởng từ vấn đề này.

Cũng không tránh được trường hợp, khi bác sĩ kê đơn nhưng chưa biết tình hình thị trường khan hiếm loại thuốc đó, khiến bệnh nhân khổ sở đi tìm đúng tên thuốc, hoặc để mặc các nhà thuốc sẽ tự động thay các hoạt chất hay sửa đơn thuốc của bác sĩ.

Như vậy trong mối liên hệ bác sĩ - nhà thuốc - bệnh nhân thì bệnh nhân là người chịu thiệt nhiều nhất.

Diệp Yến

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/td/279813/tai-anh-tai-a-tai-ca.html