Tách nội dung bồi thường, hỗ trợ tái định cư thành Dự án thành phần là cần thiết

Chiều 8-6, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018 và điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017 với 89% số phiếu tán thành. Sau đó Quốc hội thảo luận về việc tách nội dung bồi thường, hỗ trợ tái định cư thành Dự án thành phần để triển khai Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Tách nội dung “bồi thường, hỗ trợ, tái định cư” để bảo đảm cơ sở pháp lý khi thực hiện

Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện Dự án Cảng Hàng không quốc tế (HKQT) Long Thành, Chính phủ trình Quốc hội cho phép tách nội dung “bồi thường, hỗ trợ, tái định cư” để bảo đảm cơ sở pháp lý khi thực hiện. Việc tách dự án thành phần để thực hiện trước là một cơ chế chính sách đặc thù của Dự án Cảng HKQT Long Thành thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội, tương ứng như việc Quốc hội khóa XIII đã yêu cầu Chính phủ xây dựng báo cáo nghiên cứu khả thi đối với từng giai đoạn của Dự án trình Quốc hội thông qua trước khi quyết định đầu tư dự án.

Ủy ban Kinh tế tán thành với sự cần thiết tách nội dung thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành dự án thành phần để thực hiện trước nhằm bảo đảm tiến độ của Dự án, tiết kiệm chi phí và đáp ứng nguyện vọng của nhân dân.

Nói về sự cần thiết phải tách nội dung thu hồi đất bồi thường tái định cư của dự án cảnh hàng không quốc tế Long Thành thành dự án thành phần, đại biểu Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) nêu 3 lý do: Thứ nhất là công tác giải phóng mặt bằng có tính đặc thù là rất khó khăn, phức tạp, mất nhiều thời gian, mặt khác thời gian để giải phóng mặt bằng thường kéo dài gấp 2 đến 3 lần so với tiến độ thi công dự án. Để đảm bảo tiến độ khởi công xây dựng cũng như tiến độ đầu tư xây dựng dự án thì việc giải phóng mặt bằng trước là hết sức cần thiết. Thứ hai từ nay đến khi khởi công xây dựng còn rất ngắn (hơn 2 năm), nếu không tiến hành giải phóng mặt bằng trước sẽ không có đất sạch và không đảm bảo về thời gian thi công của dự án. Thứ 3 là khi có quy hoạch toàn bộ khu vực nằm trong vùng dự án không được đầu tư, xây dựng cải tạo nâng cấp các công trình phục vụ phát triển kinh tế và đời sống dân cư, gây bức xúc cho nhân dân nên việc giải phóng mặt bằng càng sớm càng tốt để người dân sớm ổn định cuộc sống và phát triển kinh tế, xã hội của khu vực.

Từ những lý do nêu trên, đại biểu này thấy việc tách nội dung thu hồi đất bồi thường, hỗ trợ tái định cư của dự án Cảng HKQT Long Thành thành dự án thành phần để triển khai trước là rất cần thiết.

Đồng quan điểm các đại biểu về sự cần thiết phải tách nội dung bồi thường, hỗ trợ tái định cư thành Dự án thành phần để triển khai Dự án Cảng HKQT Long Thành, đại biểu Nguyễn Văn Thể (Sóc Trăng) cho rằng: Dự án sân bay Long Thành là dự án trọng điểm Quốc gia, là cửa ngõ của Việt Nam kết nối với thế giới. Vì vậy đây là phải là công trình tiêu biểu để hội nhập quốc tế.

“Trong thời gian qua, tôi thấy tiến độ dự án hơi chậm. Từ ngày Quốc hội ban hành Nghị quyết đến nay đã 2 năm. Tuy nhiên, từ đó đến nay chỉ mới thông qua các phương án kiến trúc. Do đó, tôi nghĩ rằng đã 2 năm mà chỉ thông qua một hạng mục công việc đầu tiên để làm cơ sở, báo cáo mà chưa xong. Kỳ họp này, đại biểu tiến hành thảo luận dự án về việc thống nhất chủ trương tách nội dung bồi thường, hỗ trợ tái định cư thành Dự án thành phần để tiến hành nhanh là rất cần thiết”, đại biểu Nguyễn Văn Thể cho biết.

Cần cơ chế đặc biệt cho giải phóng mặt bằng và tái định cư

Đó là kiến nghị của đại biểu Phạm Minh Chính (Quảng Ninh). Đại biểu này đề xuất 2 phương án: Một là Chính phủ nghiên cứu trình Quốc hội xin cơ chế đặc biệt cho giải phóng mặt bằng và tái định cư; hai là tiết kiệm chi thường xuyên trên phạm vi cả nước.

Đại biểu Quốc hội Phạm Minh Chính - tỉnh Quảng Ninh phát biểu ý kiến về việc tách nội dung bồi thường, hỗ trợ tái định cư thành Dự án thành phần để triển khai Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội.

“Sau 2 năm triển khai Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị, biên chế của chúng ta không giảm mà tăng, làm chi tiêu thường xuyên tăng lên 62,3% năm 2015 và 65,7% năm 2016. Dự kiến năm 2017 là 64,9%. Tăng con số tuyệt đối năm 2016 so với năm 2015 là trên 50 nghìn tỷ, năm 2017 tăng so với 2015 là 114 nghìn tỷ đồng. Như vậy, riêng năm 2017 chỉ cần tiết kiệm chi 1% đã có trên 10 nghìn tỷ đồng. Năm 2018 tiết kiệm chi 1% thì sẽ có thêm 10 nghìn tỷ nữa. Như vậy, sau 2 năm có khoảng 20 nghìn tỷ đồng. Muốn làm được điều này phải giảm đầu mối, giảm biên chế theo đúng tinh thần Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị thì sẽ có giải pháp. Tôi nghĩ, giảm biên chế thì chỉ 2 năm thôi là có đủ tiền theo như báo cáo của Bộ Tài chính”, đại biểu Phạm Minh Chính kiến nghị.

Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) băn khoăn, liệu số tiền 23 nghìn tỷ đồng đã là số tiền cuối cùng để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng hay chưa. Đây có thể chưa phải là con số cuối cùng vì đây là số tiền tính theo giá đất năm 2017. Theo Luật Đất đai 2015, giá đất phải bảo đảm các nguyên tắc phối hợp với mục đích sử dụng đất và giá theo thời hạn sử dụng đất phù hợp với giá đất phổ biến theo thị trường của loại đất có cùng mục đích sử dụng, khả năng sinh lời, thu nhập từ đất thì phải có mức giá như nhau. Theo quy định này, giá đất biến động trong thời gian tới là khó tránh khỏi, để ổn định một phần, tránh ảnh hưởng đến công tác giải phóng mặt bằng.

Đại biểu này đề nghị Quốc hội xem xét đưa vào Nghị quyết nội dung: Trong thời gian tổ chức thực hiện dự án, cơ quan có thẩm quyền không được thay đổi bảng giá đất đối với đất liên quan đến dự án, tính từ thời điểm Nghị quyết được Quốc hội thông qua. Tuy nhiên, Nghị quyết không có tính lâu dài, theo lộ trình từ 2018-2020. Đại biểu này đề nghị bổ sung quy định bảng giá đất giữ ổn định đến khi thực hiện xong công tác giải phóng mặt bằng và tái định cư nhưng không vượt quá 4 năm kể từ khi Nghị quyết được thông qua.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Cảnh - tỉnh Bình Định phát biểu ý kiến về việc tách nội dung bồi thường, hỗ trợ tái định cư thành Dự án thành phần để triển khai Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội.

Đại biểu Bùi Xuân Thống (Đồng Nai) băn khoăn việc thu hồi 5 nghìn ha đất là lớn và phức tạp. Do đó nếu thực hiện không chặt chẽ sẽ dẫn tới việc khiếu nại và việc bồi thường sẽ rất phức tạp, nếu không cẩn thận sẽ trở thành điểm nóng. Đại biểu này đề nghị Chính phủ nên chỉ đạo các bộ, ngành phối hợp chặt chẽ với tỉnh Đồng Nai để có kế hoạch cụ thể, chi tiết trong quá trình thực hiện. Cần phải sớm công bố áp giá đền bù ở khu vực này. Trong quá trình áp giá, thu hồi đất bồi thường thì cần tiến hành công khai, minh bạch, có sự giám sát chặt chẽ, thường xuyên.

Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP. Hồ Chí Minh) đồng ý việc tách dự án này ra thành dự án thành phần. Quyết định tách ra thành một dự án riêng sẽ đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án và đảm bảo ổn định cuộc sống người dân sớm hơn.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm, phải có nguồn kinh phí để hỗ trợ đền bù, ổn định cuộc sống cho người dân. Tỉnh Đồng Nai đã có nhiều nỗ lực nhưng đại biểu này vẫn thấy có nhiều điểm chưa khả thi, cần phải bàn bạc thêm. Phương án này phải được bàn bạc với người dân, tạo sự đồng thuận, công khai minh bạch, để người dân yên tâm.

Báo cáo giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Trương Quang Nghĩa khẳng định: Đây là dự án quan trọng và đã được quy hoạch từ năm 2005 nhưng phải đến kỳ họp cuối của Quốc hội khóa XIII mới thông qua. Riêng về nội dung giải phóng mặt bằng, Bộ Giao thông Vận tải và UBND tỉnh Đồng Nai sẽ báo cáo Quốc hội về cơ chế đặc thù trong việc di dân tái định cư.

KHÁNH HUYỀN

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc-su-kien/tach-noi-dung-boi-thuong-ho-tro-tai-dinh-cu-thanh-du-an-thanh-phan-la-can-thiet-509477