Tách luật Giao thông đường bộ: Sẽ tiết kiệm, tránh lãng phí?

Ngày 11/11, các đại biểu Quốc hội tiến hành thảo luận tổ về về các dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) và Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Tham gia thảo luận tại tổ, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm (đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh) cho biết, liên quan đến việc tách Luật giao thông đường bộ cũ thành 2 luật mới có nhiều ý kiến nhưng đa số là đồng tình, ủng hộ. Bởi việc tách luật sẽ đảm bảo giải quyết 2 vấn đề quan trọng và rất bức xúc hiện nay đó là hạ tầng giao thông đường bộ và đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường bộ.

Về sự cần thiết phải xây dựng Dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết vi phạm giao thông hiện diễn ra phổ biến, ra đường là có thể nhìn thấy thực trạng. Trong khi đó, hậu quả mà vi phạm giao thông để lại là rất lớn, ảnh hưởng đến trật tự xã hội.

"Đảng và Nhà nước đã xác định, trật tự an toàn giao thông là một bộ phận quan trọng của trật tự an toàn xã hội, nên ngành công an không thể đứng ngoài việc này"- Đại tướng Tô Lâm nhấn mạnh. Từ đó, Bộ Công an đã đề xuất Chính phủ và nhận được sự đồng thuận của các cơ quan có liên quan. Đồng thời, Bộ Công an và Bộ Giao thông vận tải (GTVT), hai cơ quan chủ trì soạn thảo, đã nhiều lần làm việc với nhau để thống nhất các nội dung.

Đặt vấn đề "Dư luận rất băn khoăn liệu khi tách 2 luật này thì có lãng phí, đảm bảo tiết kiệm hay không", Bộ trưởng Tô Lâm cho biết "Qua đánh giá tổng kết, Luật Giao thông đường bộ có rất nhiều bất cập cần phải thay đổi. Theo suy nghĩ của chúng tôi nếu tách ra 2 luật thì sẽ tiết kiệm, tránh lãng phí".

Đại tướng Tô Lâm cho biết, nếu giao ngành công an chịu trách nhiệm trong trong việc bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ sẽ không làm phát sinh nhân sự mới, thậm chí còn rút gọn hơn.

Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh: "Tôi nghĩ không đến mức độ phải thành lập một Cục quản ý về lái xe, một Cục Quản lý về đăng kiểm. Bộ máy sẽ không nảy sinh, con người thực tế trên mặt đường không nảy sinh."

Nói về bất cập, chồng chéo giữa hai lực lượng cảnh sát giao thông và thanh tra giao thông, Đại tướng Tô Lâm nêu: "Không có nước nào trên thế giới mà cảnh sát giao thông giữ xe để thanh tra giao thông đi kiểm tra. Trước đây có những trường hợp lái xe vi phạm đóng cửa bỏ đi, thanh tra giao thông phải nhờ cảnh sát giao thông kéo xe ra chỗ khác, rất là bất cập".

Chủ trương xã hội hóa tại sao nhà nước phải ôm?

Đối với các ý kiến băn khoăn khi Bộ GTVT đầu tư rất nhiều, các nơi đầu tư nhiều vào các cơ sở sát hạch, đào tạo giấy phép lái xe, nay chuyển về Bộ Công an sẽ nảy sinh bất cập, Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định "không đụng chạm" đến hoạt động của các cơ sở này.

Theo Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, công an không đụng chạm gì đến cơ sở này vì chủ yếu việc sát hạch, đào tạo lái xe là xã hội hóa. Bộ chỉ kiểm soát cấp bằng lái xe, quản lý bằng lái xe, đảm bảo đúng quy trình, quy chuẩn, chống việc làm giả, gian lận. Chỉ quản lý việc đó thôi còn các cơ sở sát hạch vẫn hoạt động bình thường.

Phát biểu tại buổi thảo luận, đại biểu Đỗ Văn Sinh (đoàn tỉnh Quảng Trị) - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, giao thông đường bộ phải có 4 thành tố quan trọng là kết cấu hạ tầng giao thông, phương tiện, con người tham gia giao thông và quy tắc giao thông. Khi kết hợp 4 thành tố mới trở thành giao thông đường bộ, bây giờ tách làm 2 thì phải đổi tên lại thành Luật kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.

Ông Đỗ Văn Sinh đặt vấn đề: "Giao thông có 5 lĩnh vực là đường thủy, hàng hải, hàng không, đường sắt, đường bộ. Sau này 4 lĩnh vực kia có tách hay không?"

"Đảm bảo an toàn là mục đích chúng ta đạt được khi tham gia giao thông trên tất cả các loại hình giao thông" - Ông Đỗ Văn Sinh cho biết.

Cũng theo đại biểu Đỗ Văn Sinh, nội dung trong Luật Giao thông đường bộ đang liên kết mà lại xé ra, trong khi lại đang rất cần sự liên kết, liên thông, đảm bảo tính đồng bộ, logic cả về lý thuyết và thực tiễn.

Đại biểu Đỗ Văn Sinh nhấn mạnh: "Vướng ở đâu thì chúng ta sửa để đảm bảo đồng bộ tốt hơn chứ không phải xé ra thành hai Luật."

Với việc chuyển đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe sang Bộ Công an quản lý, theo đại biểu Đỗ Văn Sinh, đến thời điểm này chúng ta phải thực hiện xã hội dân sự. "Cái gì cũng quan trọng quá phải chuyển cơ quan quản lý thì không nên. Việc gì xã hội làm được thì giao cho xã hội, thậm chí chúng ta đang chủ trương xã hội hóa tại sao nhà nước phải ôm." - Ông Đỗ Văn Sinh cho biết.

Đại biểu Quốc hội Ngô Minh Châu (đoàn TP Hồ Chí Minh) cho rằng, chuyển thẩm quyền cấp giấy phép lái xe thực chất là trả lại cho ngành công an, trước đây, công an đã từng quản lý lĩnh vực này. Cấp phép giấy phép lái xe giao cho công an sẽ thuận lợi hơn vì công an có cơ sở dữ liệu dùng chung.

Trong khi đó, đại biểu Quốc hội Cần Thị Mẫn (đoàn Thanh Hóa) cho rằng, việc chuyển thẩm quyền cấp giấy phép lái xe từ Bộ Giao thông Vận tải sang Bộ Công an sẽ gây lãng phí về nguồn lực con người và cơ sở vật chất hiện nay. Do vậy, ban soạn thảo cần làm rõ số cơ sở vật chất của các trung tâm đào tạo, sát hạch bằng lái xe được sắp xếp thế nào? Số cán bộ hiện nay ở các cơ sở đào tạo, sát hạch sẽ làm gì trong thời gian tới, vì họ không phải là công an?

Ngoài vấn đề chuyển thẩm quyền cấp giấy phép lái xe sang Bộ Công an, giao thông tĩnh của các thành phố lớn cũng là vấn đề nhiều đại biểu đặt ra. Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Quyết Tâm (đoàn TP Hồ Chí Minh) cho rằng, luật cần quy định cụ thể các công trình loại nào như chung cư, trung tâm thương mại thì phải đảm bảo được giao thông tĩnh khi triển khai dự án, có quy hoạch về giao thông tĩnh rõ ràng, không cào bằng và chung chung như hiện nay.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Phi Thường (đoàn TP Hà Nội) cũng nêu việc thiếu bãi đỗ xe ở các đô thị. Dự thảo luật chưa có quy định về tỷ lệ giao thông tĩnh trong quy hoạch chung của địa phương. Giao thông nông thôn cũng là nội dung cần được đề cập, vì nông thôn bây giờ đã nhiều ô tô mà đường lại rất nhỏ, không có bãi đỗ xe công cộng cho người dân.

Như Hương - Công Thọ

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/tach-luat-giao-thong-duong-bo-se-tiet-kiem-tranh-lang-phi-401455.html