Tách chiết lutein từ hoa cúc vạn thọ

Đề tài 'Hoàn thiện quy trình tách chiết, xây dựng mô hình thiết bị sản xuất thử nghiệm lutein và chế phẩm lutein từ hoa cúc vạn thọ' vừa được Hội đồng Khoa học và Công nghệ cấp tỉnh thông qua và đánh giá rất cao.

Đề tài “Hoàn thiện quy trình tách chiết, xây dựng mô hình thiết bị sản xuất thử nghiệm lutein và chế phẩm lutein từ hoa cúc vạn thọ” vừa được Hội đồng Khoa học và Công nghệ (KH-CN) cấp tỉnh thông qua và đánh giá rất cao. Kết quả của đề tài là cơ sở khoa học để thương mại hóa sản xuất lutein từ hoa cúc vạn thọ, dùng làm chất tạo màu thực phẩm.

Theo Tiến sĩ (TS) Hoàng Thị Huệ An (Trường Đại học Nha Trang), nhiều năm qua, chất màu tổng hợp thường được sử dụng để cải thiện màu sắc thực phẩm do có ưu điểm giá rẻ, tạo ra nhiều gam màu đẹp và bền vững. Tuy nhiên, gần đây người tiêu dùng lo ngại với thông tin một số sản phẩm màu tổng hợp có khả năng ảnh hưởng đến sức khỏe. Vì vậy, việc tìm kiếm các sắc tố tự nhiên thay thế cho chất màu tổng hợp đang được nhiều nhà khoa học trên thế giới quan tâm.

 Tiến sĩ Hoàng Thị Huệ An bên thiết bị sản xuất thử nghiệm lutein.

Tiến sĩ Hoàng Thị Huệ An bên thiết bị sản xuất thử nghiệm lutein.

Lutein là một trong các chất màu tự nhiên đã được tổ chức FDA (cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm của Hoa Kỳ) chứng nhận là an toàn và cho phép sử dụng làm phụ gia thực phẩm. Đây là loại sắc tố có màu vàng cam rất đẹp, dùng làm chất tạo màu thực phẩm. Ngoài ra, lutein còn có khả năng chống oxy hóa mạnh, hạn chế nguy cơ mắc bệnh tim mạch, lão hóa, tăng cường chức năng miễn dịch… Do đó, việc nghiên cứu tách chiết và tinh chế lutein từ nguyên liệu tự nhiên và ứng dụng trong các ngành công nghiệp thực phẩm, mỹ phẩm, dược phẩm đang được nhiều công ty trên thế giới quan tâm.

Hoa cúc vạn thọ là nguồn nguyên liệu tự nhiên rất giàu lutein. Với điều kiện khí hậu nhiệt đới nắng nóng nhiều, Việt Nam rất thích hợp để phát triển các vùng nguyên liệu cúc vạn thọ dùng cho công nghiệp sản xuất lutein. Thế nhưng, cho tới nay các doanh nghiệp Việt Nam vẫn phải nhập lutein dưới dạng nguyên liệu và thành phẩm với giá khá cao. Các nghiên cứu liên quan đến vấn đề này tương đối hạn chế. Trước đây, TS. An và các cộng sự đã xây dựng thành công quy trình công nghệ thu nhận lutein trong phòng thí nghiệm từ hoa cúc vạn thọ. Tuy nhiên, giá thành sản phẩm cao do chi phí cải tiến quy trình chiết lutein lớn, hiệu suất thu hồi lutein trong công đoạn tinh chế còn thấp, yêu cầu nhân lực lớn (do thiếu hệ thống thiết bị chuyên dụng).

TS. Hoàng Thị Huệ An: Tính mới của đề tài là đã cải tiến điều kiện xử lý hoa cúc vạn thọ đạt hiệu quả kinh tế cao và giảm ô nhiễm môi trường; phương pháp sấy hoa cho phép tiết kiệm năng lượng; phương pháp tinh chế tạo ra sản phẩm lutein đạt chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm.

Từ năm 2016 đến 2018, nhóm nghiên cứu được Sở KH-CN tiếp tục giao nhiệm vụ thực hiện đề tài “Hoàn thiện quy trình tách chiết, xây dựng mô hình thiết bị sản xuất thử nghiệm lutein và chế phẩm lutein từ hoa cúc vạn thọ”. Nhóm đã sử dụng hoa cúc vạn thọ được trồng tại xã Diên Phước, huyện Diên Khánh để chiết tách lutein. Sau 2 năm, nhóm nghiên cứu đã đưa 2 quy trình công nghệ mới cho phép chiết xuất lutein từ hoa cúc vạn thọ tươi và khô đạt hiệu quả kinh tế và chất lượng cao. Lutein thu được chuyển hóa thành dạng chế phẩm có khả năng phân tán tốt trong nước và bền màu dưới các điều kiện bảo quản thực phẩm nhất định; bổ sung vi chất dinh dưỡng chống oxy hóa và cải thiện thị lực.

Mặt khác, nhóm nghiên cứu cũng đã xây dựng thành công các bản vẽ thiết kế cho phép chế tạo hệ thống thiết bị sản xuất thử nghiệm lutein từ hoa cúc vạn thọ với quy mô 20kg nguyên liệu/mẻ. Đặc biệt, sản phẩm thu được dư lượng dung môi hữu cơ và kim loại nặng dưới mức cho phép, đạt yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm, ổn định khi bảo quản ở âm 20 độ C trong 30 ngày (trong tối); có giá thành tương đương với các sản phẩm ngoại nhập và thích hợp cho việc tạo màu hay bổ sung vi chất lutein trong thực phẩm.

Theo PGS. TS Bùi Quang Thuật - Phó Viện trưởng Viện Công nghiệp thực phẩm (Hà Nội), bản vẽ của đề tài rất tốt, đúng quy cách, rõ ràng, mô tả đầy đủ các bộ phận, mô hình thiết kế phù hợp với yêu cầu, có thể làm cơ sở cho việc thiết kế và chế tạo ở quy mô công nghiệp. Kết quả của đề tài là cơ sở khoa học để triển khai sản xuất và thương mại hóa, góp phần hình thành các cơ sở công nghiệp sản xuất lutein từ hoa cúc vạn thọ. Ông Huỳnh Kỳ Hạnh - Giám đốc Sở KH-CN cho biết, những kết quả bước đầu của đề tài rất tốt; vì vậy nhóm nghiên cứu cần xem xét việc tìm một đối tác doanh nghiệp tiếp tục nghiên cứu, triển khai sản xuất với quy mô thương mại hóa.

KHÁNH HÀ

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/doi-song/201902/tach-chiet-lutein-tu-hoa-cuc-van-tho-8106678/