Tách bạch giữa hỗ trợ nhân đạo với cho nhận con nuôi

Bộ Tư pháp đang Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 19/2011/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Nuôi con nuôi. Theo đó đã quy định rõ hình thức, cách thức thực hiện việc hỗ trợ nhân đạo đối với cơ sở nuôi dưỡng.

Dự thảo Nghị định quy định có 2 hình thức hỗ trợ nhân đạo đối với cơ sở nuôi dưỡng là viện trợ và tặng cho trực tiếp.

Cùng với đó, quy định rõ cách thức thực hiện, trách nhiệm báo cáo, theo dõi và xử lý việc tiếp nhận và sử dụng trái pháp luật đối với khoản hỗ trợ nhân đạo. Đối với trường hợp hỗ trợ nhân đạo dưới hình thức viện trợ được thực hiện theo quy định pháp luật về viện trợ phi Chính phủ nước ngoài và quy định pháp luật khác có liên quan.

Trường hợp hỗ trợ nhân đạo dưới hình thức tặng cho bằng hiện vật hoặc tiền thì phải lập thành văn bản. Nếu tặng cho bằng tiền thì phải chuyển khoản vào số tài khoản tiền gửi của cơ sở nuôi dưỡng. Trường hợp cha mẹ nuôi nước ngoài, tổ chức con nuôi nước ngoài viện trợ hoặc tặng cho thì chỉ được thực hiện sau khi việc nhận con nuôi được hoàn tất.

Trước đó, Nghị định số 19/2011/NĐ-CP được ban hành đã hướng dẫn cụ thể quy định của Luật Nuôi con nuôi về hỗ trợ nhân đạo cho việc nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt để đảm bảo tách bạch giữa hỗ trợ nhân đạo với việc cho nhận con nuôi.

Dự thảo Nghị định sẽ đặt trẻ em là trung tâm của chính sách để đảm bảo lợi ích tốt nhất cho các em. (Ảnh: N. An)

Tuy nhiên, từ khi thực hiện Luật Nuôi con nuôi đến nay, hoạt động hỗ trợ nhân đạo hầu như chỉ phát sinh dưới hình thức tặng cho đối với cơ sở nuôi dưỡng trẻ em.

Trong khi đó, Nghị định số 19/2011/NĐ-CP chưa quy định cụ thể về cơ chế tặng cho, cơ chế theo dõi, kiểm tra, giám sát của cơ quan có thẩm quyền đối với việc tặng cho của cha mẹ nuôi, tổ chức con nuôi nước ngoài đối với cơ sở nuôi dưỡng, dẫn đến sự không minh bạch tài chính.

Ngoài ra, mức độ các khoản tặng cho sau khi nhận con nuôi rất cao, dẫn đến nhiều địa phương chỉ muốn giới thiệu trẻ em cho làm con nuôi nước ngoài, sao nhãng việc giải quyết cho trẻ em làm con nuôi trong nước.

Góp ý hoàn thiện Dự thảo Nghị định, đại diện Bộ Tài chính và đại diện Vụ Pháp luật quốc tế cho rằng, cần kiểm soát, quản lý chặt chẽ việc tặng cho để hình thức này không bị biến tướng.

Vì trên thực tế có nhiều trường hợp tìm mọi cách đưa tiền, tài sản trái pháp luật để nhận con nuôi với mục đích không chính đáng.

Bên cạnh đó cũng cần thể hiện rõ nguyên tắc tự nguyện khi cho nhận tài sản, đảm bảo việc tặng cho trước hay sau khi hoàn tất thủ tục nhận con nuôi đều không liên quan đến việc nhận con nuôi sau này.

Nhiều ý kiến cũng đề xuất, Dự thảo Nghị định cần phân biệt rõ việc tặng cho bằng hiện vật để làm kỷ niệm khác với tặng cho tiền cơ sở nuôi dưỡng. Trong đó khẳng định rõ tinh thần việc tặng cho sẽ không làm ảnh hưởng đến việc nhận con nuôi. Đồng thời quy định rõ cách thức thực hiện, trách nhiệm báo cáo, theo dõi và xử lý việc tiếp nhận và sử dụng các khoản tặng cho này.

Theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc, Dự thảo Nghị định sẽ đặt trẻ em là trung tâm của chính sách để đảm bảo lợi ích tốt nhất cho các em. Đặc biệt, không gắn vấn đề tài chính với vấn đề nhận nuôi con nuôi để tránh tình trạng lạm dụng, sử dụng vào mục đích riêng trong việc tặng, cho tiền, tài sản. Dự thảo Nghị định sẽ tiếp tục được lấy ý kiến góp ý hoàn thiện trước khi trình Chính phủ.

Bộ LĐ-TB&XH vừa có văn bản gửi UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương về việc tăng cường chỉ đạo công tác nuôi con nuôi tại địa phương.

Theo Bộ LĐ-TB&XH, quá trình giải quyết nuôi con nuôi nước ngoài, một số cơ sở trợ giúp xã hội còn “gắn” với vấn đề hỗ trợ tài chính của cha mẹ nuôi là người nước ngoài với việc giải quyết nuôi con nuôi.

Bộ LĐ-TB&XH đề nghị: UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương yêu cầu các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan tới việc giải quyết nuôi con nuôi tại địa phương tuân thủ và thực hiện nghiêm các quy định pháp luật hiện hành về trẻ em và nuôi con nuôi.

UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương chỉ đạo Sở LĐ-TB&XH chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng tại địa phương hướng dẫn các cơ sở trợ giúp xã hội thực hiện đúng trình tự, thủ tục tiếp nhận, quản lý, sử dụng các khoản hỗ trợ từ phía cha mẹ nuôi và tổ chức con nuôi nước ngoài theo quy định của pháp luật, bảo đảm công khai, minh bạch, đúng mục đích chăm sóc và bảo vệ trẻ em.

Chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp và các cơ quan chức năng thanh tra, kiểm tra thường kỳ và đột xuất đối với việc tiếp nhận và giải quyết việc nuôi con nuôi đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt ở các cơ sở trợ giúp xã hội nhằm ngăn ngừa, phát hiện những hành vi vi phạm pháp luật.

Nguyên An

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/tach-bach-giua-ho-tro-nhan-dao-voi-cho-nhan-con-nuoi-120872.html