Tác quyền âm nhạc tivi trong khách sạn muốn thu phí ngay, nhưng còn đuối lý

Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) vừa tái khẳng định, tháng 10 tới, sẽ tiếp tục tiến hành các thủ tục để có thể thu bản quyền âm nhạc phát trên tivi ở các khách sạn. Người đứng đầu VCPMC - nhạc sĩ Phó Đức Phương tự tin khẳng định: Thời điểm này đã có đủ căn cứ pháp lý.

Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam cho biết đã hoàn tất các thủ tục để thu tác quyền tivi tại khách sạn

Đâu phải nhạc sĩ nào cũng “đem con” gửi VCPMC

Theo VCPMC công bố trên phương tiện truyền thông, hiện tại, họ đã hoàn tất mọi thủ tục cũng như yêu cầu đề ra của Cục Bản quyền để có thể triển khai việc thu phí vào tháng 10 tới. Để giải thích cho việc này, VCPMC đưa ra những phân tích về cơ sở pháp lý và lộ trình triển khai. Theo đó, VCPMC căn cứ vào hình thức và tần suất sử dụng tác phẩm để tính mức nhuận bút trọn gói 25.000 đồng/phòng/năm cho việc sử dụng quyền biểu diễn tác phẩm trước công chúng đối với toàn bộ các tác phẩm âm nhạc Việt Nam và quốc tế, thuộc thành viên của VCPMC. Điều này có thể phù hợp với thông lệ quốc tế.

Thế nhưng, VCPMC cũng thừa nhận, chưa đủ năng lực về tài chính để đầu tư kỹ thuật, thiết bị hiện đại có thể đo đếm chính xác số lượng và tần suất tác phẩm được sử dụng trên các kênh truyền hình. Việc phân phối, chi trả tiền sử dụng quyền “biểu diễn tác phẩm trước công chúng” thu được từ hình thức sử dụng tác phẩm âm nhạc thông qua các kênh truyền hình được dựa vào danh sách tác phẩm tổng hợp từ các đài, các kênh truyền hình kê khai, cung cấp (các đài cung cấp mỗi năm 1 lần).

VCPMC khẳng định, trong quá trình đàm phán với các tổ chức, cá nhân sử dụng âm nhạc, dựa trên việc kê khai danh sách tác phẩm của các đơn vị có nhu cầu sử dụng, Trung tâm đều thực hiện đúng quy trình đối soát tác phẩm để loại trừ, không thu đối với những tác phẩm của tác giả không thuộc thành viên và cả những tác phẩm đã tuyên bố độc quyền hoặc không thuộc phạm vi ủy quyền. Đơn vị cũng đã tổ chức triển khai thu, phân phối theo hợp đồng hợp tác song phương với các tổ chức bản quyền tương ứng của tổ chức quốc tế và các quốc gia, vùng lãnh thổ mà VCPMC đã tham gia, ký kết.

Đối với số tiền bản quyền âm nhạc trên tivi tại phòng nghỉ khách sạn, VCPMC thực hiện phân phối vào quý IV mỗi năm.

Thu tác quyền âm nhạc trên tivi ở khách sạn đối với một số quốc gia là chuyện rất bình thường. Nhưng triển khai được ở Việt Nam rõ ràng còn nhiều nghi ngại. Ở nhiều nước trên thế giới, việc thực hiện bản quyền rất rõ ràng. Họ có đầy đủ các thiết bị để có thể đo đếm chính xác. Và việc đo đếm đó được tiến hành khoa học và khách quan, chứ không phải đếm đầu tivi rồi thu tiền hàng năm.

Hơn nữa, ở nhiều nước, việc thu phí có sự thỏa thuận rõ ràng và minh bạch giữa đơn vị được ủy quyền và chủ khách sạn. Ở Việt Nam, để hai bên có được tiếng nói chung là không dễ. Bên cạnh đó, mặt thuận lợi là ở nhiều nước, 100% tác giả ủy quyền cho các trung tâm tiến hành thu phí tác quyền. Còn ở ta, đâu phải nhạc sĩ nào cũng tin tưởng mà “đem con” gửi trung tâm tác quyền.

Chính vì thế mới nảy sinh mâu thuẫn, việc đếm đầu tivi trong khách sạn, thu phí hàng năm thì số tiền thu được ấy sẽ chi trả cho các tác giả không ủy quyền cho VCPMC thế nào. Làm sao để có thể phân biệt rõ ràng khách đến thuê phòng khách sạn chỉ nghe âm nhạc của tác giả A mà không nghe tác phẩm của tác giả B, trong khi chương trình tivi cùng lúc lại hát ca khúc của cả hai tác giả.

Đã trả tiền thuê bao, sao còn thu thêm phí?

Thêm vào đó, khi sử dụng tác phẩm âm nhạc của một tác giả trên truyền hình thì các đài truyền hình cũng đã phải có sự thỏa thuận của tác giả rồi. Nếu thu thêm nữa, liệu có phải phí chồng phí không? Nhiều khán giả cho rằng họ trả tiền cho truyền hình cáp, thì đương nhiên, khi xem các chương trình trên đó, tiền bản quyền đã phải được tính vào số tiền thuê bao trả hàng tháng, hàng năm, sao còn thu thêm. Muốn đòi tác quyền sao không tới các đài truyền hình mà đòi. Như thế có phải là tận thu không?

Ông Bùi Nguyên Hùng, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả cho biết, việc sử dụng tác phẩm âm nhạc nhằm mục đích kinh doanh thương mại thì phải trả tiền theo quy định của pháp luật, điều này quá rõ ràng rồi. Nhưng việc thu như thế nào và ai thu thì lại phải bàn cụ thể hơn nữa. Thông thường, khi doanh nghiệp sử dụng các tác phẩm phục vụ trong hoạt động kinh doanh thì phải tiến hành thu. Nhưng việc thu cũng phải theo mức độ hiện hành của xã hội và đúng theo quy định của pháp luật, chứ không thể áp dụng một mức cho toàn bộ được.

Việc sử dụng các sản phẩm âm nhạc tại các khách sạn qua truyền hình là có, có thể dùng 1 tiếng, 2 tiếng hoặc nhiều. Vấn đề là phải có phần mềm trợ giúp xem dùng với thời lượng bao nhiêu và với bao nhiêu sản phẩm âm nhạc cho từng khách sạn, doanh nghiệp. Mặt khác, nếu muốn thu phí, cơ quan thu phí phải có giấy chứng nhận ủy quyền của tác giả đối với hoạt động thu phí trong trường hợp đó. Và đặc biệt, địa điểm thu phí phải có sử dụng các tác phẩm của tác giả đã được ủy quyền thì mới có đủ cơ sở pháp lý để thực hiện việc thu phí.

Ông Bùi Nguyên Hùng khẳng định, việc đưa ra mức giá 25.000 đồng/tivi/năm phải có sự đồng thuận giữa hai bên tác giả và cơ quan được ủy quyền trên giấy tờ pháp lý chứ không đơn giản chỉ là thu phí trên các sản phẩm một cách thông thường được, phải rất cẩn trọng và có kế hoạch, sao cho minh bạch, đúng quy định của pháp luật.

Phải đàm phán mới được phép thu phí

Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả cũng cho biết, việc dừng thu phí trước đó là để làm rõ hơn vai trò của cơ quan quản lý Nhà nước với vai trò của các cá nhân có trách nhiệm dân sự liên quan.

Trong quyết định trước đó, Cục đã ghi rất rõ việc dừng thu phí phải được thực hiện ngay cho đến khi VCPMC xác định được tác phẩm âm nhạc được khai thác sử dụng của tác giả, chủ sở hữu của tác giả là hội viên của trung tâm và xây dựng được mức giá về quyền tác giả, tác phẩm đối với tác phẩm được khai thác sử dụng.

Sau đó tiến hành đàm phán để được phép sử dụng tác phẩm của cá nhân cho phép được sử dụng theo đúng quy định của pháp luật, tức là phải làm rõ được mọi thắc mắc thì việc thu phí mới tiến hành.

Hết sức vô lý

“Tôi cho rằng việc VCPMC thu tiền quyền tác giả âm nhạc tại các phòng nghỉ khách sạn có tivi với mức phí 25.000 đồng/tivi từ tháng 10-2017 là hết sức vô lý và tùy tiện. Việc thu tiền bản quyền tác giả tại các phòng lưu trú của khách sạn chỉ được thực hiện khi VCPMC đã xác định chính xác tác phẩm âm nhạc được khai thác, sử dụng của tác giả đã có ủy quyền cho trung tâm. Bên cạnh đó, VCPMC cũng cần xây dựng được định mức quyền tác giả, tác phẩm được khai thác, sử dụng và tiến hành đàm phán với từng khách sạn. Hiện tại, hầu hết các khách sạn đều ký hợp đồng dịch vụ trọn gói đối với đài truyền hình hay công ty hoạt động trong lĩnh vực truyền hình để cung cấp các chương trình phim truyện, ca nhạc, tin tức...”.

Bà Đỗ Hồng Xoan (Chủ tịch Hiệp hội Khách sạn Việt Nam)

Tác quyền nên thu từ gốc

“Tôi nghĩ, việc thu tác quyền nên thu từ gốc, từ các đơn vị phát hành, dịch vụ bán sản phẩm âm nhạc và từ các đài truyền hình… chứ “đè đầu” khách sạn ra để thu là quá vô lý. Nếu chỉ có tivi thôi mà khách đến ở không mở ra xem thì thu cái gì? Bên cạnh đó, cũng không có căn cứ gì để thu cả, nếu nói thu tượng trưng thì hẳn là không chuyên nghiệp rồi. Việc thu tác quyền tivi trong khách sạn tôi nghĩ sẽ không nhận được nổi lấy một “like” từ cộng đồng cũng như người sử dụng dịch vụ”.

Ông Phạm Hải Quỳnh (Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Vân Hải Xanh, Quảng Ninh)

Còn nhiều điểm khúc mắc

“Khách sạn Hanoi Daewoo hoàn toàn ủng hộ việc bảo vệ tác quyền tác giả, luôn sẵn sàng làm việc trên tinh thần hợp tác với VCPMC. Tuy nhiên việc thu phí tác quyền khi sử dụng ti vi còn nhiều điểm khúc mắc. Làm sao để biết truyền hình cáp sẽ phát những tác phẩm âm nhạc nào và tác phẩm nào thuộc thành viên của VCPMC?”.

Bà Lê Ánh Ngọc (Trưởng phòng Truyền thông và Tiếp thị, Khách sạn Hanoi Daewoo)

Trúc Anh

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/giai-tri/tac-quyen-am-nhac-tivi-trong-khach-san-muon-thu-phi-ngay-nhung-con-duoi-ly/741585.antd