Tác phẩm văn học nghệ thuật còn khó khăn để đến được với công chúng

Trung tâm hỗ trợ sáng tác văn học nghệ thuật đang là “bà đỡ” cho vài ngàn tác phẩm văn học, nghệ thuật. Tuy nhiên, việc đưa các tác phẩm có giá trị đến với đông đảo công chúng lại đang gặp khó.

Được thành lập nhằm tạo điều kiện tốt nhất về cơ sở vật chất và phương tiện làm việc, hỗ trợ văn nghệ sĩ sáng tạo ra nhiều tác phẩm nghệ thuật có giá trị, mỗi năm, các nhà sáng tác thuộc Trung tâm hỗ trợ sáng tác văn học nghệ thuật đang là “bà đỡ” cho vài ngàn tác phẩm văn học, nghệ thuật. Tuy nhiên, việc đưa các tác phẩm có giá trị đến với đông đảo công chúng lại đang gặp khó.

Tích cực hỗ trợ sáng tạo

Trải khắp Bắc, Trung, Nam với 6 nhà sáng tác: Tam Đảo, Đại Lải, Đà Nẵng, Nha Trang, Đà Lạt, Vũng Tàu, mỗi năm, Trung tâm Hỗ trợ sáng tác văn học nghệ thuật tổ chức từ 60 đến 80 trại sáng tác, quy tụ từ 1.000 đến 1.200 văn nghệ sĩ trên cả nước. Chỉ riêng hai năm 2015 – 2016, đã có gần 6.000 tác phẩm các loại hình văn học nghệ thuật được hoàn thiện từ các nhà sáng tác.

Biên kịch Lê Quý Hiền, một trong số các gương mặt từng tham gia khá nhiều trại sáng tác tại nhiều nhà sáng tác tâm sự: các trại sáng tác có khi là “cứu cánh” với nhiều văn nghệ sĩ.

Có nhiều khi, người sáng tác nảy ý tưởng cho tác phẩm mới nhưng việc nhà, việc cơ quan lôi kéo, còn đâu thời gian để tập trung viết? Phương thức tối ưu nhất là làm đề cương, gửi Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam.

Khi nào có đợt mở trại thì nghệ sĩ xin… cơ quan cho đi trại. Việc ăn ở đã có nhân viên của các nhà sáng tác lo. Người sáng tác chỉ việc tập trung hoàn thiện tác phẩm. Sẽ còn vui hơn nữa nếu người ở trại gặp được các bậc cao niên trong nghề chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ chỉnh sửa thêm để tác phẩm hoàn thiện hơn.

Nhà biên kịch Chu Thơm, một trong số tác giả ăn khách của sân khấu kịch phía Bắc cũng chia sẻ rằng, dường như, với nhiều văn nghệ sĩ, trong đó có anh, cứ phải thoát khỏi mọi xô bồ hỗn tạp mới tập trung cho sáng tạo nghệ thuật.

Hàng loạt các tác phẩm được yêu thích: "Giai nhân và anh hùng", "Ao làng", "Đàn bà dễ có mấy tay"… đều ra đời giữa sương khói bảng lảng, tiếng cuốc kêu, tiếng côn trùng rỉ rả của các nhà sáng tác.

Anh không biết các lĩnh vực khác tổ chức chọn trại viên tham gia các trại sáng tác như thế nào nhưng với sân khấu, các tác giả đừng “mơ” mượn cơ hội để đến nhà sáng tác tranh thủ nghỉ dưỡng. Lý do là trước khi “đi trại”, các tác giả phải có ý tưởng, đề cương tác phẩm trình Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam.

Nếu được chọn tham gia, kết thúc trại sáng tác, trại viên phải có tác phẩm hoàn thiện để ban tổ chức của Hội thẩm định. Tác phẩm kém, nghệ sĩ cũng khó “ngẩng mặt” với đồng nghiệp. Tuy nhiên, để tác phẩm đi vào đời sống, phát huy giá trị trong cộng đồng thì rất khó.

Cảnh trong vở “Mỹ nhân và anh hùng” – một trong số không nhiều tác phẩm được hoàn thiện tại trại sáng tác có may mắn được dàn dựng, phổ biến tới công chúng.

Vất vả tìm “đầu ra” cho tác phẩm

Ông Huỳnh Văn Ngàn, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sáng tác văn học nghệ thuật cho biết, việc chọn lựa trại viên đều do các hội văn học, nghệ thuật Trung ương và địa phương, các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp trực thuộc các Bộ và khối lực lượng vũ trang đảm nhận.

Hiện nay, có khoảng gần 120 đầu mối là các đơn vị có chức năng tổ chức trại sáng tác. Các đơn vị đều chọn hội viên tham gia trại sáng tác dựa trên cơ sở ý tưởng, đề cương tác phẩm. Trung bình, mỗi trại sáng tác kéo dài 15 ngày, khi kết thúc trại sáng tác, các trại viên đều phải có tác phẩm để trình hội đồng thẩm định.

Với 40 năm duy trì hoạt động của nhà sáng tác, chắc chắn số lượng tác phẩm được các đơn vị thu về rất lớn. Con số cụ thể là bao nhiêu thì chỉ các đơn vị này nắm được nhưng trung tâm cũng rất vui khi mới đây, các đơn vị báo kết quả về là có khoảng 30% đến 40% tác phẩm thu hoạch sau mỗi đợt trại đạt yêu cầu.

Tuy nhiên, theo NSND Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam thì các hội, các đơn vị nghệ thuật chỉ có thể hỗ trợ tuyển chọn đề cương trước khi tổ chức trại sáng tác và thẩm định tác phẩm khi trại kết thúc.

Việc phổ biến tác phẩm nằm ngoài tầm tay của hội. Đáng tiếc là rất nhiều tác phẩm, trong đó có không ít tác phẩm đã được ghi nhận bằng nhiều giải thưởng các cấp vẫn chưa có điều kiện phổ biến rộng rãi tới công chúng.

Chia sẻ về nguyên nhân “tắc nghẽn” đầu ra của tác phẩm, biên kịch Lê Quý Hiền cho rằng: Ngoài lý do tác phẩm không phù hợp với thị hiếu số đông, tác giả chưa có danh tiếng thì còn do cơ chế.

Với cơ chế sản xuất chương trình, tác phẩm còn phụ thuộc vào ngân sách được duy trì như hiện nay, không khó hiểu khi không ít đơn vị chỉ tập trung đầu tư dựng, sản xuất, phổ biến tác phẩm của nghệ sĩ có chức vụ…

Được biết, để góp phần tạo “đầu ra” cho các sáng tác văn học, nghệ thuật có chất lượng, mới đây, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chính thức phê duyệt đề án công bố các tác phẩm và công trình văn học nghệ thuật đã được sáng tác tại các nhà sáng tác thuộc Trung tâm Hỗ trợ sáng tác văn học tổ chức trong 5 năm (từ 2011 đến 2016).

Theo đề án này, tháng 12-2017, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ chỉ đạo thực hiện hàng loạt hoạt động: Tuyển chọn, trưng bày một số tác phẩm nghệ thuật tiêu biểu của văn học, văn nghệ dân gian, mỹ thuật, nhiếp ảnh, kiến trúc, văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số.

Một đêm gala nghệ thuật tôn vinh các tác phẩm văn học nghệ thuật xuất sắc có truyền hình trực tiếp trên sóng VTV, hội thảo đổi mới sáng tác văn học nghệ thuật, sản xuất phim và đặc biệt là 2 tập sách dày 500 trang/tập tuyển chọn các tác phẩm được đánh giá cao để xuất bản, tặng các Hội Văn học nghệ thuật cả nước, vừa làm cơ sở lưu trữ, vừa để dành để sử dụng khi cần thiết.

Đây là một trong những động thái tích cực của cơ quan quản lý nhà nước nhằm hỗ trợ tác phẩm nghệ thuật tiếp cận công chúng. Tuy nhiên, theo nhiều văn nghệ sĩ, để các tác phẩm văn học, nghệ thuật có chất lượng cao tiếp cận công chúng sẽ cần nhiều hơn một đề án nói trên.

Ngọc Nguyễn

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/chuyen-dong-van-hoa/tac-pham-van-hoc-nghe-thuat-con-kho-khan-de-den-duoc-voi-cong-chung-444961/